Giải Nobel: Tổng thống Nga mới là người xứng đáng

20:00, 15/10/2013
|

(VnMedia) - Báo chí Nga tin rằng, Ủy ban Giải Nobel Hòa bình đã “gián tiếp thừa nhận” công trạng của Tổng thống Vladimir Putin bằng cách trao giải Nobel Hòa bình cho Tổ chức Cấm sử dụng Vũ khí Hóa học. Vậy tại sao Nhà lãnh đạo Nga lại “trượt” giải Nobel Hòa bình trong khi ông được nhiều người đánh giá là xứng đáng nhận vinh dự này?
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin


Quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho một tổ chức chịu trách nhiệm giám sát tiến trình giải giáp vũ khí hóa học của Syria được các nhà phân tích đánh giá là một sự công nhận về chính trị dành cho Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo Nga là người đầu tiên đưa ra đề xuất mang tính đột phá về việc yêu cầu chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giao nộp kho vũ khí hóa học để tránh một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và ông cũng chính là người được đề cử cho giải thưởng quý giá đó.
 
Về mặt chính thức, cả Tổng thống Putin và Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) đều không được đề cử cho giải Nobel Hòa bình vì vai trò của họ trong cuộc xung đột ở Syria bởi các đề cử phải được nộp lên Ủy ban Giải Nobel Hòa bình trước ngày 1/2. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, rất khó để có thể tưởng tượng được rằng OPCW lại có thể giành được giải thưởng Nobel Hòa bình khi không đóng một vai trò nổi bật trong cuộc nội chiến ở Syria. Mặc dù vậy, Ủy ban Nobel vẫn nhắc đến vai trò của OPCW trong cuộc chiến ở Syria trong số các thành tích khác khi trao giải cho tổ chức này.
 
Chiến thắng của Tổng thống Putin
 
Tờ Moscow Times tin rằng, việc Ủy ban Giải Nobel Hòa bình lựa chọn trao giải cho OPCW là một “sự công nhận dành cho Tổng thống Putin” và các nỗ lực của ông này nhằm ngăn không cho Mỹ tấn công vào Syria. "Việc trao giải Nobel cho OPCW là một sự lựa chọn tinh vi mang tính chính trị. Nó giống như là một động thái, một cách khôn ngoan để tránh trao giải cho những người đã ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở Syria”, ông Alexei Pushkov – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga) đã phát biểu như vậy.
 
Trong khi đó, ông Valery Ryazansky – một thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng, Ủy ban Nobel đã “thừa nhận nghị quyết về vấn đề Syria do giới lãnh đạo Nga đề xuất lên cộng đồng quốc tế là cách hiệu quả nhất”.
 
Nhiều nhà bình luận đã nhấn mạnh đến yếu tố mỉa mai rằng, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama – người giành giải Nobel Hòa bình năm 2009, lại là người được Tổng thống Putin thuyết phục không tiến hành một chiến dịch dội bom xuống Syria.
 
Ông Iosif Kobzon – một ca sĩ Nga và cũng là một đại biểu Quốc hội, đã nói với tờ Pravda rằng, đó “hoàn toàn là một sự bất công” khi giải Nobel Hòa bình không được trao cho Tổng thống Putin. Ai đã buộc Syria phải phá hủy kho vũ khí hóa học nếu không phải là ông Putin?”.
 
Trên tờ Russia Today (Nước Nga Ngày nay), một nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Đức có tên là F William Engdahl đã miêu tả động thái trao giải cho OPCW là “hành động né tránh chính trị” của Ủy ban Giải Nobel Hòa bình Oslo. Tổng thống Putin đáng ra nên được trao giải Nobel Hòa bình vì đã “tạo cho người đồng cấp Obama một lối thoát” ra khỏi viễn cảnh “Chiến tranh Thế giới thứ III”, ông Engdahl nói.
 
Nhà phân tích Engdahl miêu tả Ủy ban Nobel như là một “tổ chức mang đậm chất chính trị” và “có liên quan chặt chẽ đến chương trình nghị sự của NATO cả trong khía cạnh dân sự và quân sự”. Ông này nói thêm: "Nếu bạn nhìn vào cách trao giải Nobel Hòa bình trên thực tế trong nhiều thập kỷ qua, bạn sẽ có ấn tượng rất mạnh rằng, giải đó được trao theo một chương trình nghị sự cụ thể của phương Tây”.
 
Trước đó, hôm 1/10, các nhà hoạt động và nghị sĩ Nga đã gửi thư lên Ủy ban Nobel đề cử Tổng thống Vladimir Putin cho Giải thưởng Nobel Hòa bình 2013. Những người ủng hộ ý tưởng này cho biết, họ muốn chứng kiến Nhà lãnh đạo nước Nga được công nhận về những nỗ lực hết mình của ông trong vai trò làm trung gian hòa giải cho cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria.
 
Tổng thống Putin đã nhận được sự khen ngợi rất lớn từ cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực của chính phủ ông này trong việc ngăn chặn chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ nhằm vào Syria với cái cớ trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad vì “tội” sử dụng vũ khí hóa học.
 
Giữa lúc Mỹ đang “trống giong cờ mở” tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc tấn công nhằm vào đất nước Syria vốn đã đang chìm trong bạo lực đẫm máu thì chính quyền của ông Putin đã bất ngờ đưa ra một đề xuất có tính đột phát. Cụ thể, Syria sẽ phải giao nộp và hủy bỏ kho vũ khí hóa học để tránh đòn tấn công trừng phạt từ Mỹ. Giải pháp này được cộng đồng quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt, kể cả Mỹ và các đồng minh của nước này. Washington đã buộc phải từ bỏ lựa chọn quân sự của nước này để mở đường cho giải pháp ngoại giao của Moscow.
 
Dù không được trao giải Nobel Hòa bình nhưng rõ ràng, Tổng thống Putin đã gây được một tiếng vang lớn khi ông đưa ra được một giải pháp mang tính đột phá giúp Syria tránh được một chiến dịch can thiệp quân sự từ Mỹ và phương Tây, từ đó giúp khu vực Trung Đông tránh được một thảm họa đáng sợ.


Kiệt Linh - (theo The Week)

Ý kiến bạn đọc