Ấn Độ né tránh tranh chấp trên biển Đông

13:37, 25/10/2013
|

(VnMedia) - Ấn Độ dường như đang chơi “trò nước đôi” ở Biển Đông khi nước này tìm cách cân bằng giữa các lợi ích cạnh tranh nhau trong việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á mà không làm Trung Quốc quá khó chịu.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Ấn Độ (bên trái) trong chuyến thăm đến Trung Quốc.


Chính sách cân bằng khéo léo trong mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc của New Delhi tuần này đã được đem ra thử thách, khi chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Trung Quốc trùng thời điểm diễn ra chuyến công du của Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid đến Philippines - một trong những quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Biển Đông dường như không được đưa vào chương trình nghị sự chính trong chuyến thăm của Thủ tướng Singh đến thủ đô Bắc Kinh. Trọng tâm trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo Trung Quốc của ông Singh là tháo gỡ tình hình căng thẳng ở biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như tái cân bằng mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước. Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Singh, Ngoại trưởng Khurshid đã có cuộc trả lời phỏng vấn dài với tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam, trong đó vị quan chức này đã thể hiện một lập trường dịu nhẹ hơn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

 

“Chúng tôi không can thiệp” vào tình hình tranh chấp Biển Đông, tờ nhật báo của Hồng Kông dẫn lời Ngoại trưởng Khurshid cho biết. Ông này nói thêm rằng: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, bất kỳ điều gì liên quan đến vấn đề song phương giữa hai quốc gia đều cần phải được giải quyết bởi chính những quốc gia đó”.

 

Lập trường trên của New Delhi phù hợp với mong muốn và yêu cầu của phía Trung Quốc. Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi hỏi rằng, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở song phương mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ các nước không có liên quan đến tranh chấp. Giới phân tích tin rằng, với tư cách nước lớn, Trung Quốc muốn giải quyết “tay bo” với từng nước có tranh chấp một để dễ bề gây sức ép giành lợi thế cho mình.

 

Trước đây, Bắc Kinh từng chỉ trích gay gắt New Delhi về việc nước này tham gia vào dự án khai thác dầu khí chung với Việt Nam ở vùng lãnh hải vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc tranh chấp. Và mới đây nhất, hồi đầu tháng này, Thủ tướng Singh còn ủng hộ mạnh mẽ các thể chế trong khu vực đóng một vai trò tích cực trong việc quản lý các cuộc tranh chấp ở Biển Đông - đây là con đường mà các nước Đông Nam Á theo đuổi nhưng lại chính là điều mà Bắc Kinh luôn tìm cách tránh. Những phát biểu cổ súy cho cơ chế giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương của Ngoại trưởng Khurshid dường như đi ngược lại những tuyên bố của Thủ tướng Singh tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á diễn ra hồi đầu tháng này.

 

Một mặt bày tỏ sự ủng hộ cơ chế song phương mà Bắc Kinh mong muốn, mặt khác, trong chuyến thăm đến Philippines tuần này, Ngoại trưởng Khurshid lại có những bước tiến xa hơn những hành động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông trước đây. Mục đích chính trong chuyến công du của ông Khurshid là thúc đẩy nỗ lực tiến tới việc nâng cấp quan hệ song phương Philippines-Ấn Độ lên mức đối tác toàn diện vào thời điểm chuyến thăm của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến Philippines vào năm tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Ngoại trưởng Khurshid và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario đã nhất trí mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc phòng. Theo báo chí Philippines đưa tin, Manila thậm chí còn có thể mua hai tàu khu trục hải quân của Ấn Độ.

 

Có lẽ, điều đáng chú ý nhất là tuyên bố chung mà Ngoại trưởng Ấn Độ ký với Philippines về Biển Đông nhưng lại được đặt dưới cái tên là Biển Tây Philippines theo cách gọi của Manila . Theo báo chí Ấn Độ, đây là một động thái khác hẳn với chính sách bình thường của New Delhi bởi xưa nay nước này vẫn dùng từ Biển Đông để tránh làm Bắc Kinh tức giận.

 

Cũng trong chuyến ở thăm Philippines, Ngoại trưởng Khurshid lại thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của các quốc gia Đông Nam Á trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông mà Bắc Kinh kịch liệt phản đối. Ví dụ, khi trả lời câu hỏi từ một phóng viên sau bài phát biểu của ông này, Ngoại trưởng Khurshid “đã nói rõ ràng rằng”, Ấn Độ ủng hộ việc đưa Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) làm nền tảng để giải quyết bất kỳ cuộc tranh chấp nào ở Biển Đông. Và cuối cùng, ông Khurshid khẳng định sự đồng tình với hành động của Manila trong việc đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án quốc tế - điều mà Bắc Kinh đến nay vẫn tiếp tục bác bỏ mạnh mẽ.

 

“Ấn Độ đã bày tỏ rõ lập trường ủng hộ đối với việc đảm bảo tự do cho các tuyến đường biển và đương nhiên là đảm bảo luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật Biển phải trở thành nền tảng cho việc giải quyết hòa bình bất kỳ cuộc tranh chấp nào nếu chúng nảy sinh. Tất nhiên, giải quyết thông qua tòa án quốc tế là một câu trả lời”, ông Khurshid đã nói như vậy với các nhà ngoại giao trong nước và nước ngoài tại Bộ Ngoại giao Philippines khi ông có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Ấn Độ ở đây.

 

Với những bước đi và phát biểu của giới chức Ấn Độ trong mấy ngày qua, New Delhi được cho là đang cố gắng duy trì một chính sách nước đôi khéo léo trong vấn đề Biển Đông sao cho có thể giữ mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và các nước còn lại đang có tranh chấp ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (theo The Diplomat)

Ý kiến bạn đọc