Trung Quốc "toát mồ hôi" trước vũ khí Mỹ - Nhật?

09:02, 24/09/2013
|

(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang thúc đẩy kế hoạch mua một loạt chiếc máy bay được ví là “hung thần chiếm đảo” có tên là MV-22 Osprey. Cùng với chiến đấu cơ F-35 thiện chiến, máy bay không người lái Global Hawk hiện đại và hệ thống radar X-band tinh vi, sự có mặt của những chiếc máy bay vận tải tối tân Osprey sẽ tạo thành một dàn vũ khí “khủng” trên biển, khiến Trung Quốc phải “toát mồ hôi” vì lo ngại.
 

Ảnh minh họa

Hung thần chiếm đảo Osprey.


Osprey là loại máy bay máy bay vận tải cánh quạt nghiêng do Mỹ chế tạo. Chiếc máy bay này đạt tốc độ tối đa lên tới 530km/giờ - gần gấp đôi tốc độ của cũng những chiếc trực thăng vận tải khác hiện nay. Tầm hoạt động của Osprey đạt mức 3.900km, gấp 5 lần tầm hoạt động của những chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight mà Mỹ đã xóa sổ ra khỏi lực lượng để nhường chỗ cho các phi đội Osprey thiện chiến, tối tân. Trực thăng Osprey được xem là phương tiện tốt nhất để có thể nhanh chóng triển khai quân đến những điểm nóng tiềm năng.
 
Với những đặc điểm trên, Osprey được ví là “hung thần chiếm đảo”. Thứ vũ khí này được xem là vô cùng quan trọng để Nhật Bản chuyển từ chiến lược đối phó với mối đe dọa trên mặt đất từ Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh sang chiến lược phòng thủ linh hoạt hơn dựa vào khả năng triển khai quân nhanh chóng nhằm đối phó với mối đe dọa đối với lãnh thổ Nhật Bản ở dãy đảo phía tây nam nước này.
 
Trong những năm gần đây, Tokyo nhìn nhận mối đe dọa đối với họ là từ Trung Quốc sau khi hai nước này rơi vào một cuộc đối đầu gay gắt và quyết liệt kéo dài suốt nhiều tháng qua vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Trong đề xuất về ngân sách quốc phòng cho năm 2014 được trình lên hồi tuần này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm kiếm một khoản tiền lên tới 100 triệu yên để nghiên cứu khả năng mua những chiếc máy bay Osprey. Nếu tất cả  bước đi diễn ra một cách thuận lợi, Nhật Bản sẽ mua tới 20 chiếc máy bay 20 của Mỹ vào năm 2015. Osprey có thể cất cánh thẳng đứng giống như một chiếc trực thăng nhưng lại bay giống như một chiếc máy bay tiêu chuẩn.
 
Máy bay Osprey có thể chở 32 binh lính với khối lượng hàng hóa tối ưu lên tới hơn 9 tấn, gấp 4 lần so với những chiếc trực thăng đang được quân đội Mỹ thay thế. Osprey cũng có thể hoạt động từ tàu sân bay và có thể tiếp nhiên liệu trên không.
 
Osprey là một trong một loạt vũ khí mà Nhật Bản đang hướng tới nhằm chuẩn bị khả năng sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa tiềm năng từ Trung Quốc.
 
Trước đó, Tokyo đã đặt hàng một loạt máy bay đánh chặn tối tân F-35 của Mỹ để thay thế cho phi đội già cỗi F4 Phantoms. F-35 được đánh giá là một trong 10 máy bay chiến đấu đáng gờm nhất thế giới hiện nay. Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển. Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc và cơ động bậc nhất thế giới, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Máy bay F-35 được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
 
Ảnh minh họa

F-35.


Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp; 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
 
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới. Vì thế, F-35 được rất nhiều nước thèm muốn.
 
Nếu có F-35 trong tay, Nhật Bản sẽ vượt Trung Quốc về máy bay tàng hình. Hiện tại, Trung Quốc đang đổ tiền đầu tư vào việc phát triển máy bay chiến đấu tàng hình J-20.
 
Ngoài Osprey và F-35, Nhật Bản cũng đang hướng tới việc triển khai máy bay do thám Global Hawk ở biển Hoa Đông sớm nhất vào năm 2015 bên cạnh hai phương tiện đổ bộ.
 
Global Hawk do Hãng Northrop Grumman chế tạo. Đây là loại máy bay được đánh giá là “sự kỳ diệu” của công nghệ Không quân Mỹ. Global Hawk là máy bay do thám không người lái thế hệ mới, hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Chiếc máy bay này có khả năng chụp, thu thập, truyền về căn cứ các hình ảnh địa hình, vật thể, trận địa với độ phân giải cực cao. Global Hawk cũng có thể nghe trộm đường truyền tín hiệu và ghi lại các hoạt động dưới mặt đất.
 
Ảnh minh họa

Global Hawk.


Global Hawk dài 13,54m, có sải cánh 35,41m và cao 4,62m. Trọng lượng rỗng của máy bay là 3.851kg. Tốc độ tối đa là 800 km/h với trần bay khoảng 20 km. Loại máy bay do thám hiện đại này có khả năng bay liên tục 24 tiếng trước khi hết nhiên liệu và quan sát cả một vùng rộng lớn khoảng 100.000km2, sau đó ghi hình các mục tiêu.
 
Những máy bay do thám không người lái Global Hawk được trang bị thiết bị cảm biến tích hợp nâng cao (EISS) với hệ thống radar độ phân giải cao giúp máy bay có thể nhìn xuyên qua những đám mây dày đặc và hoạt động hiệu quả trong tình trạng bão cát, cho phép phát hiện những vật thể có chiều dài khoảng 30cm khi đang bay ở độ cao 20km.
 
Tokyo hy vọng, những chiếc máy bay cánh quạt nghiêng Osprey, máy bay không người lái Global Hawk và chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 sẽ giúp nước này bảo vệ các quần đảo ở xa.
 
Mới đây nhất, Nhật Bản tuần trước vừa thông qua kế hoạch lắp đặt một hệ thống radar X-band - một trong những hệ thống radar cảnh báo sớm hiện đại nhất trên thế giới, có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo tên lửa đạn đạo của đối phương. Hệ thống này có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi rời bệ phóng 10 giây nhằm giúp các tên lửa đánh chặn khai hỏa kịp thời cùng vạch ra hành trình đạn đạo dựa trên dữ liệu từ tên lửa đối phương để tiêu diệt nó sớm ngay cả trên phần đất kẻ thù. Công ty Raytheon chế tạo hệ thống radar trên cho biết, nó có thể phát hiện ra một vật thể chỉ bằng quả bóng chày từ cách xa 4.700km.
 
Ảnh minh họa

Radar X-band.


Mỹ, Nhật đang lên kế hoạch tạo dựng một hệ thống radar hình vòng cung có thể bao phủ cả Triều Tiên, Trung Quốc và thậm chí là cả Vùng lãnh thổ Đài Loan. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của Bắc Kinh.
 
Những bước đi của Tokyo trong thời gian qua phản ánh chính sách ngày càng quyết liệt và cứng rắn của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đối với Trung Quốc trong bối cảnh hai nước đang đối đầu nảy lửa vì cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc