Tranh chấp biển đảo: Trung Quốc tìm cách cô lập láng giềng

09:42, 02/09/2013
|

(VnMedia) - Trong khi Philippines và Nhật Bản có những bước đi nhằm làm dịu quan hệ căng thẳng với Trung Quốc thì Bắc Kinh lại tìm cách cô lập hai nước này trong khu vực.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Vương Nghị đang cấp tập thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao sôi động trong khu vực.


Nhật Bản, Philippines "chìa tay" với Trung Quốc

Trong những tuần gần đây, cả Philippines và Nhật Bản đều có một số động thái nhằm hàn gắn lại mối quan hệ đang sứt mẻ với Trung Quốc. Mới đây, Tư lệnh quân đội Philippines - ông Emmanuel Bautista đã cam kết tiếp tục theo đuổi chính sách tránh đối đầu ở Biển Đông đồng thời tuyên bố sẵn sàng xem xét cho tàu thuyền Trung Quốc sử dụng cảng Subic.
 
"Nhiều tàu thuyền nước ngoài thường ghé thăm các cảng của chúng tôi và chúng tôi luôn hoanh nghênh điều đó. Đây là một phần trong chính sách ngoại giao quân sự của chúng tôi”, ông Bautista đã nói như vậy trên tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam, ám chỉ đến Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN).
 
Đáng chú ý hơn, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hồi tháng trước còn tuyên bố, ông chấp nhận lời mời của Trung Quốc đến tham dự lễ khai mạc triển lãm Trung Quốc-ASEAN ở Nam Ninh trong những ngày đầu tháng 9. Ông Aquino bày tỏ mong muốn gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm này.
 
Nhật Bản thậm chí còn có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện quan hệ với nước láng giềng sau thời gian dài đối đầu quyết liệt vì tranh chấp ở biển Hoa Đông. Một loạt các quan chức cũng như cựu quan chức Nhật Bản đã lặng lẽ đến thăm Trung Quốc trong mùa hè vừa qua. Mặc dù rất ít chi tiết xung quanh những chuyến thăm này được tiết lộ nhưng rõ ràng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang cử các đại diện, phái đoàn sang Trung Quốc để hàn gắn lại quan hệ song phương.
 
Bản thân ông Abe cũng nhiều lần kêu gọi tiến hành các cuộc họp thượng đỉnh giữa Lãnh đạo hoặc Ngoại trưởng hai nước Trung-Nhật. “Tôi nghĩ, chúng ta nên tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai bên hoặc là một cuộc họp giữa ngoại trưởng hai nước càng sớm càng tốt. Tôi cho rằng, những cuộc họp như thế nên được thúc đẩy mà không cần đưa ra điều kiện tiên quyết gì”, ông Abe đã nói như vậy hồi cuối tháng 7.
 
Các quan chức khác của chính quyền Thủ tướng Abe cũng đưa ra những lời phát biểu tương tự và Tokyo luôn bày tỏ sự lạc quan về một cuộc gặp như vậy.
 
Trung Quốc lạnh nhạt

Tuy nhiên, đáp lại những hành động thiện chí muốn cải thiện quan hệ của Tokyo và Manila, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ lạnh nhạt.
 
Mới đây, hồi cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo, Tổng thống của họ buộc phải hoãn chuyến thăm đến Trung Quốc trong tuần này bởi Bắc Kinh đã yêu cầu điều đó. Chính phủ Trung Quốc phủ nhận đã mời Tổng thống Aquino đến dự triển lãm ở Nam Ninh.
 
Bắc Kinh cũng liên tục khước từ những lời kêu gọi tiến hành họp thượng đỉnh cấp lãnh đạo và ngoại trưởng với Tokyo. Gần đây nhất, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Li Baodong đã tuyên bố, việc tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở St. Petersburg, Nga, trong thời gian sắp tới là điều gần như không thể.
 
Ông này nói, “một cuộc gặp gỡ song phương liên quan đến các nhà lãnh đạo hai nước không chỉ là để chụp ảnh và bắt tay. Đó phải là một cơ hội cho hai nhà lãnh đạo tìm ra một giải pháp cho các vấn đề”, ông Li cho biết tại một cuộc họp báo hồi đầu tuần trước. Theo giải thích của Thứ trưởng Li, một cuộc gặp Trung-Nhật vào thời điểm căng thẳng như thế này chẳng giúp được gì.
 
Hành động bác bỏ những động thái thiện chí của Philippines và Nhật Bản không phải là dấu hiệu Trung Quốc từ bỏ hay tránh các hoạt động ngoại giao trong khu vực. Ngược lại, cường quốc số 1 Châu Á lại đang tăng cường chiến dịch “ve vãn” các nước trong khu vực kéo dài từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Vương Nghị đã có chuyến thăm Đông Nam Á kéo dài 6 ngày. Trong khi cảnh báo các nước ASEAN cần phải thực tế, không nên hấp tấp, vội vã trong quá trình giải quyết tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh đã thể hiện sự sẵn sàng trong việc khởi động tiến trình đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ở khu vực biển này.
 
Tuần trước, Trung Quốc còn nhất trí hợp tác với Việt Nam để giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa hai nước. Tuần này, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ đến thăm Trung Quốc để dự cuộc triển lãm ở Nam Ninh – nơi mà Tổng thống Aquino bị từ chối.
 
Tiếp đó, sau các cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc vào biên giới Ấn Độ hồi đầu năm nay, Bắc Kinh đang thúc đẩy tiến trình làm dịu nhẹ cuộc tranh chấp giữa hai nước ở đây. New Delhi cách đây hai tuần thông báo, Trung Quốc đã gửi cho họ một bản phác thảo thỏa thuận hợp tác song phương ở khu vực biên giới. Hai bên được cho là sẽ ký kết thỏa thuận này khi Thủ tướng Manmohan Singh đến thăm Trung Quốc vào tháng 10.
 
Các quan chức Trung Quốc cũng đã có chuyến thăm đến Triều Tiên sau một thời gian dài không thực hiện hoạt động này. Cùng với đó, mối quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng Trung-Mỹ đang được cải thiện đáng kể trong mùa hè này. Tuần vừa rồi, Bộ trưởng Chang Wanqua đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Cuộc gặp này diễn ra sau khi ông Chang vừa có chuyến thăm Mỹ và hai bên đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung.
 
Trong khi thực hiện những hoạt động ngoại giao dồn dập, sôi động với một loạt các nước láng giềng cũng như với Mỹ, Trung Quốc lại thể hiện sự lạnh nhạt trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản và Philippines. Bước đi này được cho là nhằm để cô lập Nhật Bản và Philippines. Nói theo cách khác, Trung Quốc hy vọng sẽ giảm được mối quan ngại trong khu vực về sức mạnh ngày càng gia tăng cùng sự cứng rắn, quyết liệt của họ trong các cuộc tranh chấp thông qua việc thể hiện rằng cuộc tranh chấp giữa họ với Nhật Bản và Philippines chỉ là ngoại lệ còn nước này nói chung vẫn có mối quan hệ hữu hảo, tích cực với những nước còn lại trong khu vực.
 
Mục tiêu trong chính sách của Trung Quốc là nhằm đổ lỗi cho Tokyo và Manila đã gây căng thẳng trong khu vực, giảm các hoạt động đối đầu với Trung Quốc đồng thời gây khó khăn cho nỗ lực của Philippines và Nhật Bản trong việc hợp tác với các nước khu vực nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo.


Kiệt Linh - (theo The Diplomat)

Ý kiến bạn đọc