(VnMedia) - Giữa lúc Mỹ đang cấp tập chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Syria dựa trên cái cớ trừng phạt chính quyền Syria về tội sử dụng vũ khí hóa học thì một tờ báo vừa “tung” tin gây sốc rằng, cho đến thời điểm này, Mỹ hoàn toàn chưa chứng minh được về sự liên quan trực tiếp giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 vừa rồi.
Ảnh minh họa. |
Khi mà Mỹ đe dọa tiến đánh Syria thì các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh cũng đang phải nỗ lực điều tra xem ai là người ra lệnh thực hiện cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học thảm khốc, khiến 1.400 người thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi cuối tháng 8.
Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa Tổng thống Assad và các thành viên trong nội bộ cầm quyền của ông này với cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học mà phương Tây đang nhăm nhăm đổ lỗi cho họ. Một số nguồn tin từ Mỹ cho biết, giới chuyên gia tình báo không chắc chắn về việc liệu Nhà lãnh đạo Syria có biết về vụ tấn công đó trước khi nó được phát động hay không hay ông này chỉ được thông báo sau khi nó đã xảy ra.
Trong khi giới chức Mỹ luôn miệng khẳng định Tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học dù ông này thậm chí không ra lệnh trực tiếp thì họ cũng không thể cung cấp thông tin đầy đủ về chuỗi lệnh liên quan đến vụ tấn công ngày 21/8 ở Ghouta, phía đông thủ đô Syria. Đây chính là kẽ hở lớn nhất trong những thông tin mà Mỹ gọi là bằng chứng về vụ việc. Khi mọi thứ còn chưa rõ ràng, Mỹ đã tính đến chuyện tiến đánh Syria để trừng phạt nước này. Diễn biến đó khiến người ta nhớ đến cuộc chiến Iraq cách đây 10 năm. Mỹ đã phát động cuộc xâm lược vào Iraq năm 2003 dựa trên cái cớ quốc gia Trung Đông này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, sau này, người ta kết luận rằng, cáo buộc Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt là sai lầm.
Từ bài học của Iraq, giới tình báo Mỹ cùng với chính quyền Tổng thống Obama đang nỗ lực tìm cách dựng lên một cái cớ vững chắc nhất có thể về cái mà họ gọi là một cuộc tấn công bằng chất sarin gây tê liệt thần kinh, khiến 1.400 người chết.
Trong lúc này, chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn khẳng định, chính phe nổi dậy người Sunni mới là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học kinh hoàng hôm 21/8 vừa rồi. Nga cũng cho rằng, Washington chưa có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh quân của ông Assad phát động cuộc tấn công nói trên. Moscow tin rằng, vụ việc đó là hành động “khiêu khích” của phe nổi dậy Syria nhằm lôi kéo sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, đặc biệt là của Mỹ, vào nước họ.
Xác định được tướng lĩnh hay nhà lãnh đạo nào của Syria ra lệnh phóng rocket có chứa chất độc hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus sẽ giúp ông Obama thuyết phục được những người dân vốn đã quá chán ngán với những cuộc chiến tranh và các thành viên quốc hội đầy hoài nghi để họ ủng hộ cho kế hoạch tấn công trừng phạt ông Assad.
“Bằng chứng tốt nhất”
Theo ông Bruce Riedel – một cựu chuyên gia tình báo Mỹ về khu vực Trung Đông và thỉnh thoảng đóng vai trò là cố vấn cho Nhà Trắng, thông tin về vai trò của Hội đồng Nghiên cứu và Khoa học Syria (SSRC) hiện đang là bằng chứng đáng nói nhất mà Mỹ có trong tay lúc này.
"Bằng chứng tốt nhất cho thấy có sự liên quan giữa chính quyền cấp cao của Syria với cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21/8 là sự dính líu của SSRC – trung tâm khoa học tạo ra chương trình vũ khí hóa học và quản lý nó. SSRC chịu sự quản lý của văn phòng Tổng thống và có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với ông Assad”, ông Riedel cho biết.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại cung cấp thông tin, ông Amr Armanazi – một quan chức Syria được xác định là Giám đốc của SSRC và là đối tượng bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào diện bị trừng phạt cách đây 1 năm, không trực tiếp liên quan đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hồi cuối tháng 8 mới đây.
Phần lớn những cáo buộc của Mỹ về việc chính quyền Assad chịu trách nhiệm cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ban đầu đều dựa vào thông tin được cung cấp từ các nhân chứng, những nhóm phi chính phủ và hàng loạt đoạn băng video được tung lên YouTube.
Cho đến thời điểm này, các quan chức Mỹ vẫn chưa trình ra trước công chúng bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến các mẫu khoa học hay các thông tin tình báo để chứng minh chất độc sarin gây tê liệt thần kinh được sử dụng trong cuộc tấn công đó và chính phủ Syria là lực lượng sử dụng nó.
Mỹ cũng chưa đưa ra được bất kỳ cái tên cụ thể nào trong giới tướng lĩnh Syria mà họ nghĩ là thủ phạm bật đèn xanh cho vụ tấn công vào Ghouta.
Tuy nhiên, các nguồn tin an ninh từ Mỹ và các đồng minh cho biết, họ tin rằng, các đơn vị quân đội của Syria chịu trách nhiệm ở khu vực xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đã phải chịu áp lực lớn từ giới tướng lĩnh đòi họ phải nhanh chóng quét sạch những chiến binh nổi dậy ngoan cố ra khỏi đây để họ có thể tiến tới các điểm nóng khác, trong đó có thành phố Aleppo.
Trong khi đó, một tài liệu mất của chính phủ Mỹ tổng kết những thông tin, dữ liệu thu thập được từ tình báo kết luận, chính phủ Syria “đã cố ý chỉ đạo” cuộc tấn công nhưng họ chưa tìm được bằng chứng về người ra lệnh phát động cuộc tấn công này. Những thông tin này của Mỹ có được là nhờ dựa vào việc chặn đường dây liên lạc của giới chức Syria, trong đó một quan chức được cho là biết về vụ tấn công đã xác nhận chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Nga bác bỏ hoàn toàn bằng chứng chỉ dựa vào việc chặn đường dây liên lạc này.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc