Nga, Syria “song kiếm hợp bích”, Obama thoái lui

07:33, 11/09/2013
|

(VnMedia) - Sau khi Nga đưa ra đề xuất có tính đột phá, theo đó đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế hoặc tiêu hủy hoàn toàn nó, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã nhanh chóng lên tiếng hưởng ứng nhiệt thành lối thoát đầy tính khả thi này.

Ảnh minh họa

 Tổng thống Obama đã buộc phải thoái lui trong kế hoạch tiến đánh Syria


Đề xuất của Nga cùng với sự nhất trí của Syria đã đón nhận sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, thậm chí là cả người dân và chính quyền Mỹ, bởi đó là một giải pháp hòa bình có tính khả thi, có thể giúp tháo gỡ tình hình Syria mà không cần dùng đến vũ lực.
 
Diễn biến trên đã đặt Tổng thống Barack Obama vào tình thế khó có thể tiến lên trong kế hoạch tiến đánh Syria. Có thể nói, Nga và Syria đã “song kiếm hợp bích”, tạo ra một “tuyệt chiêu” khiến ông Obama buộc phải thoái lui, lùi bước.
 
Nga, Syria “song kiếm hợp bích”
 
Hôm 9/9, Nga đã bất ngờ đưa ra một đề xuất tháo gỡ “mớ bòng bong” đang rối tung lên về tình hình Syria. Theo đó, Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đề xuất này nhanh chóng được giới quan chức quốc tế và nhiều nước nhiệt liệt hoanh nghênh bởi họ cho rằng, đó là một hướng đi tích cực và có tính khả thi. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho “cuộc đối đầu” mang tầm quốc tế liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hơn 1.400 người chết.
 
Giới chức ở Mỹ cũng phải lên tiếng thừa nhận tính tính cực và đột phá trong giải pháp của Nga nhưng nước này vẫn chưa chịu từ bỏ ý định tấn công Syria. Một số quan chức Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, đã lên tiếng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng chính quyền Syria chịu nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế kiểm soát.
 
Rõ ràng, đề xuất của Nga đẩy Mỹ vào thế bí, khó có thể ra tay với Syria. Tuy nhiên, chính quyền Obama vẫn cố tìm kẽ hở là sự hợp tác từ phía Tổng thống Assad để có được cái cớ can thiệp vào Syria. Nhưng có vẻ như Mỹ tiếp tục thất bại trong nỗ lực này khi ngày hôm qua (10/9), Ngoại trưởng Syria đã lên tiếng bày tỏ sự sẵn sàng của chính quyền Syria trong việc giao nộp kho vũ khí hóa học cho quốc tế và tham gia vào hiệp ước quốc tế về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học.
 
“Theo sáng kiến của Nga, Syria sẽ từ bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học”, Ngoại trưởng Walid Muallem cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình vệ tinh Al-Mayadeen.
 
Damascus sẽ kê khai và nộp lại toàn bộ các cơ sở vũ khí hóa học đồng thời ngừng sử dụng loại vũ khí này. “Chúng tôi sẵn sàng giao nộp các cơ sở vũ khí hóa học cho đại diện của Nga cùng với các nước khác và Liên Hợp Quốc”, ông Muallem khẳng định.
 
Trong khi đó, Nga đang tích cực triển khai kế hoạch của nước này. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ sớm trình ra một kế hoạch chi tiết có tính “khả thi” để đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cũng lên tiếng cảnh báo, sáng kiến của Nga chỉ có thể thành công nếu Mỹ và các đồng minh cam kết không sử dụng vũ lực.
 
Rất khó để có thể bắt buộc bất kỳ nước nào, trong đó có Syria, đơn phương giải giáp vũ khí nếu nước khác dùng vũ lực chống lại họ, ông Putin phát biểu đồng thời nói thêm rằng, giới chức Nga sẽ “làm việc với các đối tác Mỹ và Syria”. “Tôi nhắc lại lần nữa, tôi hy vọng rằng, đây sẽ là một bước đi tích cực nhằm tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”, ông Putin nhấn mạnh.
 
Obama thoái lui
 
Trước đề xuất của Nga và sự hưởng ứng nhiệt liệt của Syria, Tổng thống Obama rõ ràng bị đẩy vào tình thế không thể ra tay với chính quyền của Tổng thống Assad.
 
Ông chủ Nhà Trắng trước đó đã nói rằng, đề xuất của Nga là mang tính tích cực và đột phá. Ông này cũng khẳng định Mỹ ưu tiên giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo nước Mỹ vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về việc Syria sẽ sẵn sàng nộp vũ khí hóa học. Với lý do trên, chính quyền của ông Obama vẫn tiếp tục các nỗ lực tập hợp, tìm kiếm sự ủng hộ cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria.  
 
Rõ ràng, nếu Syria không chịu giao nộp khu vũ khí hóa học của nước này thì Mỹ vẫn có cớ để tiếp tục thúc đẩy kế hoạch tiến đánh Syria. Tuy nhiên, với sự hưởng ứng của chính quyền Syria với đề xuất của Nga, chính quyền Obama hoàn toàn không thể tiến thêm được bước nào.
 
Nếu Mỹ không có câu trả lời tích cực cho đề xuất của Nga và thiện chí của chính quyền Syria thì nước này dễ dàng bị lên án bởi giới chức Mỹ thường xuyên tuyên bố ưu tiên cho lựa chọn ngoại giao và hơn nữa họ đã từng tuyên bố nếu chính quyền Syria nộp kho vũ khí hóa học, kế hoạch tiến đánh Syria “chắc chắn” sẽ được dừng lại.
 
Trước diễn biến mới từ phía chính quyền Syria, Tổng thống Obama hôm qua đã phải kêu gọi các nghị sĩ Mỹ hoãn bỏ phiếu cho kế hoạch tiến đánh Syria. Thay vào đó, Mỹ sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận ngoại giao về việc thu giữ và kiểm soát kho vũ khí hóa học của Syria.
 
Theo các Thượng nghị sĩ Mỹ có cuộc gặp với Tổng thống Obama ngày hôm qua, ông chủ Nhà Trắng đã nói, việc để ngỏ khả năng tiến đánh Syria là điều cần thiết để gây sức ép buộc chính quyền của ông Assad phải từ bỏ vũ khí hóa học. Tuy nhiên, ông này cho biết, cần phải có thêm thời gian cho các cuộc hội đàm giữa Mỹ và Nga về một giải pháp ngoại giao thay thế.
 
“Tổng thống rõ ràng tin rằng, việc đe dọa dùng vũ lực có hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng và nó đã tạo ra đề xuất mới của phía Nga. Tôi nghĩ, ông ấy lo lắng về việc Quốc hội sẽ làm suy yếu quyền của ông ấy trong việc đe dọa dùng vũ lực bởi nếu ông ấy không nhận được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện, ông ấy sẽ ít nhiều mất đi uy thế của mình. Đó là cách hiểu của tôi”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Susan Collins cho biết sau cuộc họp Quốc hội ngày hôm qua.
 
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Obama, Quốc hội Mỹ sẽ không tiến hành cuộc bỏ phiếu về kế hoạch trừng phạt Syria trong tuần này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc