(VnMedia) - Tổng thống Vladimir Putin hôm qua (6/9) đã công khai tuyên bố, Nga sẵn sàng ra tay trợ giúp Syria trong trường hợp nước này phải đối mặt với một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài. Tuyên bố cứng rắn và thách thức này của ông Putin chẳng khác nào một lời cảnh báo sắc lạnh rằng Nga sẵn sàng “nghênh chiến” với Mỹ.
Cuộc nội chiến ở Syria chứng kiến mâu thuẫn và sự bất đồng sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga, Trung ủng hộ chính quyền Syria và bên kia là các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn cho phe nổi dậy. |
Tại cuộc họp báo diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở St. Petersburg, khi được một phóng viên hỏi rằng, liệu Nga có sẵn sàng giúp đỡ Syria nếu quốc gia Trung Đông này phải hứng chịu một cuộc tấn công từ bên ngoài hay không, Tổng thống Putin đã trả lời: “Liệu chúng tôi có giúp Syria không ư? Chắc chắn là chúng tôi sẽ trợ giúp Syria như chúng tôi đang làm bây giờ”.
Theo lời ông chủ điện Kremlin, Moscow đang hoàn thành hợp đồng cung cấp vũ khí cho Damascus và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với Syria. Nga sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí và viện trợ nhân đạo cũng như tiếp tục phát triển mối quan hệ kinh tế với Damascus trong trường hợp phương Tây tiến hành chiến dịch không kích vào nước này.
“Tôi hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với Syria trong các lĩnh vực nhân đạo như cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân đang trong tình cảnh khó khăn”, ông Putin cho hay.
Trước khi diễn ra hội nghị G20 trong hai ngày vừa qua, Tổng thống Putin tiết lộ, Nga đã cung cấp vũ khí cho Damascus, trong đó có các bộ phận của hệ thống tên lửa tối tân S-300, theo các hợp đồng mà hai nước đã ký kết từ trước đó. Tuy nhiên, Syria chưa nhận được những hệ thống S-300 hoàn chỉnh. S-300 là thứ vũ khí phòng không tối tân hàng đầu thế giới. Nếu có trong tay những tên lửa loại này, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có thể gây khó khăn rất nhiều cho phương Tây trong chiến dịch can thiệp quân sự vào đất nước Syria.
Theo Nhà lãnh đạo Nga, những lời cáo buộc về vấn đề sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hành động khiêu khích của phe nổi dậy nhằm lôi kéo sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ đất nước Trung Đông. Đó là một sự khiêu khích của những chiến binh nổi dậy “đang mong chờ có được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Ý tôi là, họ muốn có được sự trợ giúp từ những nước đang ủng hộ cho họ ngay từ những ngày đầu của cuộc nổi dậy. Đó chính là bản chất của hành động khiêu khích”, ông Putin nói.
Tổng thống Putin tái khẳng định lại lập trường, việc sử dụng vũ lực chống lại một quốc gia có chủ quyền chỉ được thực hiện trong trường hợp vì mục đích phòng vệ hoặc là dưới sự cho phép của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trước đó, ông này đã nói, một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria là bất hợp pháp, là hành động xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền.
Mỹ, Nga tiếp tục chia rẽ sâu sắc trong vấn đề Syria
Trong ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Nga hôm qua, người ta vẫn không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu thu hẹp khoảng cách nào trong sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ, về vấn đề can thiệp quân sự vào Syria mặc dù chủ đề này đã được bàn thảo suốt từ đầu giờ sáng.
Lập trường của Tổng thống nước chủ nhà – ông Putin và người đồng cấp Mỹ Obama vẫn không hề có sự thay đổi qua hai ngày diễn ra hội nghị và qua rất nhiều các cuộc đối thoại, gặp gỡ.
Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Putin vẫn kiên quyết khẳng định lập trường phản đối đến cùng việc Mỹ có ý định can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng ở Syria mà không được sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ông này tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi về cáo buộc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học.
“Chúng tôi không đồng ý với nhau. Tôi không đồng ý với quan điểm, lập luận của ông ấy và ông ấy cũng không đồng tình với tôi”, Tổng thống Putin đã nói như vậy sau các cuộc hội đàm với người đồng cấp Obama.
Trong khi đó, Tổng thống Obama cho biết, cộng đồng quốc tế đang “rơi vào bế tắc” trong vấn đề Syria. Ông này đã lên tiếng chỉ trích “sự tê liệt” của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mỹ vẫn khăng khăng cho rằng, chính quyền của ông Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học thảm khốc hôm 21/8, khiến 1.400 dân thường thiệt mạng. “Khi xảy ra tình trạng vi phạm trắng trợn quy định về việc cấm sử dụng vũ khí hóa học thì cộng đồng quốc tế quan trọng này lại bị tê liệt. Điều đó đã tạo nên một thế giới nguy hiểm hơn. Nếu chúng ta không hành động, điều đó có ý nghĩa gì?”, ông chủ Nhà Trắng phát biểu.
Theo giải thích của ông Obama, một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế vào Syria lúc này sẽ giúp hạn chế khả năng sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Assad. Ông này cũng nhấn mạnh thêm, “sẽ không có Iraq thứ hai, không lính bộ binh và không có một cuộc chiến dài lâu ở đây”.
Hội nghị G20 vốn có truyền thống tập trung vào các vấn đề kinh tế nhưng năm nay, chủ đề áp đạo lại là cuộc khủng hoảng ở Syria. Chương trình nghị sự G20 không hề có một cuộc gặp mặt nào giữa hai nhà lãnh đạo Obama và Putin nhưng hai ông này đã có cuộc gặp kéo dài 20 phút để bàn về tình hình Syria. Mặc dù được ông Obama miêu tả đó là cuộc đối thoại “chân thành và có tính xây dựng” nhưng cuộc gặp này trên thực chất chẳng đi đến đâu. Cả Nga và Mỹ vẫn khăng khăng giữ lập trường của mỗi nước trong vấn đề Syria.
Ý kiến bạn đọc