(VnMedia) - Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga hôm qua (24/9) tuyên bố, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria có thể đề cập đến Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó cho phép các nước dùng vũ lực hoặc trừng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Phát biểu đầy bất ngờ này khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Nga đã thay đổi lập trường, sẵn sàng mở đường cho Mỹ và phương Tây tiến đánh Syria.
Cả quân chính phủ và phe nổi dậy Syria đều bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học |
Trên thực tế, Moscow không hề thay đổi quan điểm mà nước này đã kiên định giữ vững trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đưa ra phát biểu trên nhưng nhấn mạnh biện pháp vũ lực chỉ được dùng đến khi chính quyền Syria vi phạm thỏa thuận vũ khí hóa học.
Phát biểu trước Quốc hội Nga, ông Ryabkov cũng lên án gay gắt lập trường “phi lý” của Mỹ và các đồng minh phương Tây khi tìm cách đe dọa chính quyền của ông Assad trong nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho hay, các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc sẽ trở lại Damascus trong ngày hôm nay (25/9) để điều tra về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bên ngoài thủ đô Syria. Đây là vụ tấn công mà phương Tây đổ lỗi cho chính quyền Syria gây ra trong khi Nga tin rằng đó là âm mưu của phe nổi dậy nhằm lôi kéo sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào cuộc nội chiến ở đất nước Trung Đông này.
Việc đưa hay không đưa Chương 7 vào nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Syria đã trở thành chủ đề tranh cãi nóng bỏng giữa Nga và Mỹ kể từ sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận có tính đột phá ở Geneva hồi tháng này nhằm hủy bỏ kho vũ khí hóa học của Syria.
"Chương 7 chỉ có thể được đề cập đến như là một nhân tố trong các biện pháp chống lại những kẻ vi phạm nếu họ từ chối hợp tác, không tuân theo các nghĩa vụ hoặc nếu có ai đó sử dụng vũ khí hóa học, bất kể là ai", các hãng tin Nga dẫn lời ông Ryabkov cho biết.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, nghị quyết được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên nhằm mục đích vào việc củng cố các quyết định của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW).
"Không thể có chuyện bàn về một nghị quyết theo Chương 7 trong đó cho phép các nước tự động thực hiện biện pháp trừng phạt hoặc cao hơn là sử dụng vũ lực”, ông Ryabkov khẳng định trước Hạ viện Nga (Duma Quốc gia).
Theo Thứ trưởng Nga, chính quyền Assad đã thể hiện thiện chí trong việc tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận bằng cách tham gia vào công ước cấm sử dụng vũ khí hóa học. "Trong tình hình như vậy, những nỗ lực của Mỹ dưới sự ủng hộ tích cực của Anh và Pháp nhằm tìm cách thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết chứa đựng lời đe dọa trực tiếp đối với Syria là điều vô cùng phi lý. Có một điều không may là, sau cuộc họp ở Geneva, những cuộc tiếp xúc với Mỹ không diễn ra suôn sẻ như chúng tôi muốn”.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga sau đó đã nói rõ hơn về tuyên bố gây bất ngờ của ông trước đó về Chương 7 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc. Dù nói rằng nghị quyết sắp được Hội đồng Bảo an thông qua có thể đề cập đến Chương 7 nhưng ông Ryabkov vẫn khẳng định, “không cần thiết phải đưa” chương đó vào nghị quyết.
Như vậy, Nga vẫn duy trì lập trường rõ ràng của nước này là phản đối việc dùng vũ lực, can thiệp quân sự vào tình hình Syria. Cùng với Bắc Kinh, Moscow tin rằng, chỉ có biện pháp chính trị, ngoại giao mới có thể tháo gỡ cuộc khủng hoảng đáng lo ngại ở đất nước Syria.
Obama tiếp tục theo đuổi nghị quyết cứng rắn với Syria
Mặc dù đã chấp thuận đi theo con đường ngoại giao mà Nga đưa ra để giải quyết vấn đề Syria, Mỹ vẫn đặt sẵn trên bàn sự lựa chọn về quân sự. Tổng thống Barack Obama hôm qua tiếp tục lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết nói rõ về hậu quả mà Syria phải hứng chịu nếu nước này không giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học.
"Cuộc khủng hoảng ở Syria và sự bất ổn của khu vực đã đi vào giữa trung tâm của những thách thức lớn hơn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt”, ông Obama đã nói như vậy trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sáng ngày hôm qua (24/9).
Ông chủ Nhà Trắng kêu gọi các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết “bắt Syria phải chịu các hậu quả nếu không thực hiện đúng kế hoạch giao nộp kho vũ khí hóa học cho cộng đồng quốc tế”.
"Chính quyền Syria đã thực hiện bước đầu tiên bằng việc nộp bản kê khai kho vũ khí hóa học. Bây giờ, chúng ta cần phải đưa ra một nghị quyết mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an để xác minh rằng chính quyền của ông Assad đang tuân thủ nghiêm túc cam kết của họ. Và cần phải đưa ra những hậu quả nếu họ không làm như thế”, ông Obama nhấn mạnh.
Với những phát biểu trên của các quan chức hàng đầu hai nước Nga, Mỹ, người ta thấy rõ rằng, hai cường quốc hàng đầu thế giới vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria.
Cuộc nội chiến ở đất nước Syria ngay từ khi nổ ra đã chứng kiến mâu thuẫn sâu sắc giữa hai phe cường quốc với một bên là Nga, Trung Quốc và bên kia là các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Nếu như phương Tây luôn ủng hộ cho phe nổi dậy với mong muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad thì Moscow và Bắc Kinh quyết liệt phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài vào tình hình nội bộ Syria.
Nga và Trung Quốc đã 3 lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết do phương Tây đưa ra nhằm lên án chính quyền Assad, cáo buộc những nghị quyết đó thể hiện tính thiên vị khi chỉ “chĩa mũi tấn công” về phía chính phủ Syria mà không đả động gì đến phe nổi dậy – một lực lượng cũng phải chịu trách nhiệm về các cuộc bạo lực đẫm máu ở quốc gia Trung Đông này. Nếu phương Tây khăng khăng đòi đưa vấn đề sử dụng vũ lực vào nghị quyết mới sắp được đưa ra ở bỏ phiếu ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria thì khả năng thất bại của nghị quyết này là rất cao.
Ý kiến bạn đọc