Mỹ tiết lộ lý do can thiệp vào Biển Đông

11:26, 30/09/2013
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây đã tiết lộ lý do cường quốc quân sự số 1 thế giới can thiệp vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông là vì vùng biển này có liên quan rất chặt chẽ đến sự thịnh vượng của các nước bên ngoài.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Kerry


Bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi cuối tuần vừa rồi, Ngoại trưởng Kerry đã phát biểu rằng, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nên giải quyết các cuộc tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông hiện nay trên cơ sở không dùng đến những lời đe dọa hay vũ lực. Mỹ đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Indonesia để giúp đứng ra làm trung gian hòa giải cho các nước đang đối đầu nhau vì cuộc tranh chấp ở Biển Đông này.
 
Đông Nam Á là nơi có những cảng biển nhộn nhịp, sôi động nhất thế giới và những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, vì thế, sự ổn định ở đây có liên hệ mật thiết đến sự thịnh vượng của các nước bên ngoài, ông Kerry nhấn mạnh.
 
"Khu vực đó có liên quan đến tất cả thế giới. Đó là lý do tại sao Mỹ cam kết bảo đảm an ninh hàng hải, tự do đi lại trên các vùng biển và giải quyết các cuộc tranh chấp liên quan đến lãnh thổ đồng thời đạt được bộ quy tắc ứng xử liên quan đến vấn đề đó”.
 
Một bộ quy tắc ứng xử là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo tự do thương mại ở Biển Đông, ông Kerry cho biết trong cuộc họp với Ngoại trưởng các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
 
"Đó là lý do tại sao Trung Quốc và ASEAN nên càng sớm càng tốt đạt được một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc nhằm giải quyết các cuộc tranh chấp mà không dùng đến những lời đe dọa, sự ép buộc hay vũ lực", nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nhấn mạnh.
 
Ông Kerry cho biết, Tổng thống Barack Obama rất coi trọng ASEAN và khu vực Đông Á. Washington muốn mở rộng quan hệ kinh tế với các nhóm này. Ông chủ Nhà Trắng sẽ có chuyến thăm đến các nước Đông Nam Á vào đầu tháng 10 tới để tham dự Hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bali, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và có các cuộc gặp song phương với Malaysia, Philippines.
 
Mỹ muốn mở rộng quan hệ đối tác kinh tế với ASEAN bằng một thỏa thuận không có tính ràng buộc nhằm tạo điều kiện cho tự do thương mại và đầu tư trong khu vực.
 
Mỹ kêu gọi ASEAN đoàn kết trong vấn đề Biển Đông
 
Mỹ kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN hãy “cất chung tiếng nói” trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Theo lời Ngoại trưởng Kerry, một bộ quy tắc ứng xử nếu được đưa vào thực thi có thể giúp đảm bảo hòa bình và sự ổn định không chỉ trong khu vực mà còn vượt ra cả bên ngoài.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Malaysia, Việt Nam và Brunei. Tuy nhiên, các cuộc tranh chấp này ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN một cách khác nhau. Đây là điều làm cho tính khẩn cấp của một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giảm đi, nhà phân tích Châu Á – ông Michael Auslin cho biết.

"Các nước ASEAN không đồng lòng trong việc coi các cuộc tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề quan trọng nhất. Có một số nước nghĩ đó là vấn đề cấp thiết nhưng có những nước khác lại cho rằng nó chưa đến mức quan trọng”, ông Auslin nói.
 
Vẫn như mọi lần, Ngoại trưởng Kerry khẳng định, Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng quyết bảo vệ tự do hàng hải và thương mại ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
 
Liên quan cái gọi là chiến lược “chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ, cường quốc số 1 thế giới đang củng cố các mối quan hệ hợp tác về thương mại, quân sự với các nước Châu Á và điều đó đóng góp cho sự ổn định của khu vực, Ngoại trưởng Myanmar - ông Wunna Maung Lwin phát biểu.
 
"Chúng tôi đánh giá rất cao việc chính phủ Mỹ cam kết với một Đông Nam Á an toàn, mạnh mẽ và thịnh vượng. Lập trường tích cực của Mỹ sẽ giúp củng cố hòa bình, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực”, ông Lwin đã nói như vậy.
 
Như một phần trong các cuộc đối thoại bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc gặp riêng với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa. Jakarta được cho là đang đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
 
Trong khi đó, ông Daniel Russell - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Biển Thái Bình Dương, dẫn lời phát biểu của Tổng thống Obama cho biết, các nước có chủ quyền ở Biển Đông cần phải giữ bình tĩnh, kiềm chế và không nên giải quyết các cuộc tranh chấp theo lịch sử hay theo tình cảm dân tộc của mỗi nước. Mỹ có đủ khả năng và sự tự tin để giải quyết các vấn đề ở Châu Á, Trung Đông cũng như an ninh khu vực, ông Russell khẳng định.
 
Trong khi Mỹ tích cực tham gia vào vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc hoàn toàn không hoan nghênh vai trò của Mỹ. Bắc Kinh nhiều lần chỉ trích sự can thiệp của Washington vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa nước này với các nước láng giềng. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản Mỹ đứng đằng sau giúp đỡ cho đồng minh Philippines của họ trong việc củng cố sức mạnh quân sự để có thể đối phó với Trung Quốc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc