Hừng hực khí thế, phe nổi dậy Syria bị “dội nước lạnh”

09:34, 11/09/2013
|

(VnMedia) - Đang hừng hực khí thế chờ đợi một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ để chớp thời cơ phát động tổng tấn công trên toàn quốc, phe nổi dậy đã bị “tạt một gáo nước lạnh” khi Tổng thống Barack Obama quyết định hoãn kế hoạch ra tay, mở đường cho giải pháp ngoại giao mà Nga đưa ra.

 

Ảnh minh họa

 Đại tá Abdul Jabbar al-Oqaidi đang lớn tiếng chỉ trích đề xuất được cộng đồng quốc tế hoan nghênh của Nga.


Khỏi phải nói về việc phe nổi dậy Syria đã thất vọng và tức giận như thế nào. Đây không phải là lần đầu tiên phe nổi dậy Syria bị các đồng minh phương Tây đẩy vào thế tuyệt vọng. Các chiến binh nổi dậy từng rất trông chờ vào sự hậu thuẫn, giúp đỡ của các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhưng trong suốt cuộc nội chiến kéo dài 2,5 năm qua, mỗi lần phe nổi dậy cầu cứu là một lần họ thêm thất vọng bởi những lời cầu cứu đó thường rơi vào hư không.

 

Bước ngoặt đã đến với phe nổi dậy Syria sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 vừa rồi. Dựa trên cái cớ về việc phải trừng phạt chính quyền của Tổng thống Assad vì tội “bước qua lằn ranh đỏ”, Mỹ hối hả tìm kiếm, tập hợp sự ủng hộ và chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Syria . Diễn biến này đã được phe nổi dậy Syria đón nhận trong sự hồ hởi và tràn đầy hy vọng bởi họ đang phải chịu thất bại liên tiếp trước quân chính phủ. Phe nổi dậy tin rằng, với một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria , lực lượng của họ sẽ lật ngược thế cờ và nhanh chóng hạ gục được Tổng thống Assad.

 

Tin rằng thời cơ đã đến, phe nổi dậy đã chuẩn bị sẵn sàng để phát động một chiến dịch tổng tấn công trên khắp cả nước ngay khi Mỹ khai hỏa. Tuy nhiên, viễn cảnh mà phe nổi dậy Syria chờ đợi đã không đến, hay chính xác hơn là sẽ chưa đến trong thời gian trước mắt bởi Tổng thống Obama hôm qua (10/9) đã đích thân yêu cầu Quốc hội hoãn bỏ phiếu về việc có đánh Syria hay không để mở đường cho việc xúc tiến đề xuất được miêu tả là “tích cực và mang tính đột phá” của Nga.

 

Trước đó, hôm 9/9, Nga đã bất ngờ đưa ra đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đề xuất này đã nhanh chóng được chính quyền của Tổng thống Assad hưởng ứng. Syria tuyên bố sẵn sàng giao nộp, phá hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học của nước này đồng thời tham gia vào hiệp ước không sử dụng vũ khí hóa học. Diễn biến này đã buộc Mỹ phải thoái lui trong kế hoạch tiến đánh Syria .

 

Phe nổi dậy mất cơ hội lật đổ Assad?

 

Từ hồ hởi, lạc quan và hy vọng, phe nổi dậy rơi vào thất vọng, tuyệt vọng và tức giận. Liên minh chính của phe nổi dậy Syria hôm qua đã lên tiếng cảnh báo, Tổng thống Obama nên bác bỏ đề xuất của Nga về vấn đề vũ khí hóa học, nói rằng đề xuất đó sẽ ‘dẫn đến tình trạng đổ máu hơn nữa và tàn phá hơn nữa đối với nhân dân Syria”.

 

Liên minh Quốc gia Syria – lực lượng được phương Tây công nhận là đại diện chính thức duy nhất của Syria, cho rằng phương Tây nên tiếp tục xúc tiến kế hoạch tấn công quân sự vào chính quyền của Tổng thống Assad để cho họ một cơ hội kết thúc cuộc nội chiến kéo dài dài dẳng bao lâu nay.

 

"Một hành động vi phạm luật pháp quốc tế cần phải đối mặt với một hành động trả đũa quốc tế tương ứng. Tội ác chống lại loài người không thể được tha thứ bằng cách đưa ra những nhượng bộ về mặt chính trị hoặc bằng cách giao nộp vũ khí được sử dụng trong tội ác đó”, Liên minh Quốc gia Syria đã nói như vậy.

 

Mạnh miệng hơn, một tướng lĩnh thuộc phe nổi dậy Syria đã miêu tả kế hoạch của Nga trong việc yêu cầu chính quyền Syria giao nộp vũ khí hóa học để tránh một cuộc tấn công của phương Tây là “một thỏa thuận bẩn thỉu” và là một “hành động thao túng quốc tế”.

 

“Những gì đang xảy ra là một nỗ lực nhằm cứu Tổng thống Obama thoát khỏi cái cây mà ông ấy đã trèo lên, sau đó Nga sẽ để ông Obama ở đó và lấy cái thang đi”, Đại tá Abdul Jabbar al-Oqaidi – một chỉ huy cấp cao trong Quân đội Syria Tự do cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Al Arabiya.

 

Thu giữ kho vũ khí hóa học từ Tổng thống Bashar al-Assad “chỉ giúp Israel chứ không giúp gì người dân Syria . Tất cả những lời nói đao to búa lớn của cộng đồng quốc tế vừa qua chỉ là vì vũ khí hóa học chứ không phải vì những hành động thảm sát người dân của ông Assad bằng xe tăng và rocket”, ông Oqaidi chỉ trích. Ông này còn lớn tiếng kêu gọi người dân Syria đoàn kết cùng với phe nổi dậy và không trông chờ gì vào sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad.

 

Vị chỉ huy của phe nổi dậy Syria một lần nữa bác bỏ bất kỳ giải pháp chính trị nào cho cuộc khủng hoảng ở nước này trước khi Tổng thống Assad phải ra đi.

 

Phe nổi dậy Syria cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc chính quyền Assad sẽ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận giao nộp kho vũ khí hóa học. "Không ai biết chính xác trong tay ông Assad có bao nhiêu vũ khí hóa học và cũng không ai biết được liệu chính quyền có tái khởi động việc sản xuất vũ khí hóa học lại hay không”, ông Ibrahim Aslan – một phát ngôn viên của mặt trận Trung Tây ở Latakia thuộc Quân đội Syria Tự do, cho hay.

 

Tuy nhiên, phe nổi dậy và ngay cả Mỹ khó xoay chuyển được tình thế hiện nay bởi đề xuất của Nga được các nước trên thế giới hoan nghênh nhiệt liệt. Ngay cả người dân Mỹ cũng ủng hộ cho kế hoạch của Nga.

 

Một số nhà phân tích tin rằng, đề xuất mà Nga đưa ra có thể giúp giảm bạo lực ở Syria . “Đề xuất đó cung cấp cho chính phủ Nga và Mỹ một cái thang để trèo xuống, vì thế tiến trình hạ nhiệt ở Syria cũng sẽ được khởi động. Nếu Nga có thể buộc Syria giao nộp vũ khí hóa học thì chắc chắn Nga cũng có thể đưa chính quyền Assad đến một giải pháp chính trị”, ông Fawaz Gerges – Giám đốc Trung tâm Trung Đông thuộc trường Đại học Kinh tế London , nhận định.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc