G20: Obama “thua đau” trước ông Putin về Syria

07:13, 06/09/2013
|

(VnMedia) - Mặc dù xuất hiện nổi bật và hoành tráng nhất so với các nguyên thủ khác tại Hội nghị G20 ở St. Petersburg, Nga, ngày hôm qua (5/9) nhưng Tổng thống Barack Obama đã phải hứng chịu một “cú thua đau” trước người đồng cấp Vladimir Putin trong vấn đề đánh hay không đánh Syria.
 

Ảnh minh họa


 Tổng thống Putin (bên trái) và Tổng thống Obama tại hội nghị G20.


Trong khi các nguyên thủ khác đi trên những chiếc xe khiêm tốn hơn như Mercedes hay BMW thì Tổng thống Obama đến nơi diễn ra hội nghị G-20 trên chiếc xe Cadillac Escalade siêu sang và siêu hiện đại được báo chí đặt cho cái tên “Quái thú”. Đây là chiếc xe không khác gì một “pháo đài di động công nghệ cao”.
 
G20 năm nay được khai màn bằng cuộc tranh luận căng thẳng về vấn đề cấp bách nhất hiện nay là làm thế nào để đối phó với cuộc nội chiến ở Syria. Chủ nhà Putin và Tổng thống Obama có quan điểm và lập trường hoàn toàn đối lập nhau trong vấn đề này. Ông Obama đang nỗ lực kêu gọi và tập hợp sự ủng hộ cho một cuộc tấn công quân sự nhằm trừng phạt chính phủ Syria vì “tội” sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân. Trong khi đó, Tổng thống Putin phản đối bất kỳ chiến dịch can thiệp quân sự nào vào Syria nếu không có sự cho phép từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, miêu tả đó là hành động xâm lược bất hợp pháp vào một nước có chủ quyền. Tại G20, ông Putin đã không ngần ngại cáo buộc chính quyền của Tổng thống Obama nói dối nhằm tìm cớ cho một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông.
 
Tại cuộc họp G20 diễn ra chiều qua, ông chủ điện Kremlin đã giành thắng lợi lớn trước ông chủ Nhà Trắng khi hầu hết các nguyên thủ thế giới bày tỏ quan điểm gần với lập trường của ông Putin hơn là ông Obama. Ngoài Pháp, không lãnh đạo quốc gia nào sẵn sàng cầm vũ khí đứng bên cạnh Mỹ trên chiến trường Syria.
 
Có thể nói, cú giáng “đau” nhất cho nỗ lực tập hợp liên minh đánh Syria của Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G20 là từ các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu. Trong cuộc họp báo chiều ngày hôm qua, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu – ông Jose Manuel Barroso đã phát biểu rằng, cuộc xung đột ở Syria là “vết đen trên lương tri của thế giới” nhưng nhấn mạnh rằng Liên minh Châu Âu (EU) tin vào “một giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông này. Đứng cạnh ông Barroso, Chủ tịch EU Herman van Rompuy nhấn mạnh thêm: “Không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Syria. Chỉ có giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt tình trạng đổ máu khủng khiếp hiện nay”. Ông Rompuy cũng nói thêm rằng, trong số các thành viên EU, “chỉ có Pháp là sẵn sàng hợp tác” với Mỹ trong một chiến dịch tấn công vào Syria. Vì vậy, tuyên bố chung của Châu Âu tại hội nghị G20 là kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria bằng giải pháp chính trị, ông Rompuy nói. Đây cũng chính là quan điểm và lập trường mà Tổng thống Putin liên tục đưa ra trong những ngày gần đây.
 
Trong khi đó, Mỹ khẳng định, chiến dịch quân sự mà nước này đề xuất không nhằm để kết thúc cuộc chiến tranh ở Syria mà chỉ nhằm làm suy yếu năng lực của Tổng thống Assad trong việc triển khai vũ khí hóa học.
 
Ngoài nhận được sự ủng hộ của các nước Châu Âu, Nga còn có được sự đồng tình từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng phản đối việc Mỹ có ý định tiến đánh Syria. Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc – ông Zhu Guangyao phát biểu: “Chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với giá dầu mỏ”.
 
Thậm chí Giáo hoàng dường như cũng bước vào cuộc tranh luận về vấn đề Syria bằng một bức thư gửi đến G20 trong đó kêu gọi mọi người “gạt sang một bên những nỗ lực theo đuổi một giải pháp quân sự ở Syria”.
 
Cùng với đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tiếp tục nhắc lại quan điểm phản đối một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị.
 
Cho đến thời điểm này, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Obama chỉ nhận được sự ủng hộ của Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út.
 
Cách đây vài ngày, trước khi diễn ra hội nghị G-20, Tổng thống Putin đã phát biểu rằng, việc cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học là “hết sức phi lý” bởi quân của ông Assad đang thắng thế và họ thừa biết hậu quả của một cuộc tấn công như thế. Quan điểm này của Nga cũng đã nhận được sự đồng ý của lãnh đạo các nước đang phát triển lớn nhất. Được biết đến là nhóm BRICS, các nước gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã có cuộc gặp riêng rẽ tại hội nghị G20. 5 nguyên thủ của các quốc gia này đều bày tỏ quan điểm phản đối Mỹ trong vấn đề Syria.
 
Rõ ràng, khi các phái đoàn G20 tụ họp ở Cung điện Konstantin, Tổng thống Obama không phải là người “nổi tiếng nhất, được nhiều người bao vây xung quanh” trong khi lập trường của Tổng thống Putin lại nhận được sự ủng hộ rộng khắp.
 
Hội nghị G20 năm nay khá khác thường bởi nó diễn ra trong bối cảnh vấn đề xung đột ở Syria đang nóng bỏng và cấp bách hơn bao giờ hết. Ngày đầu tiên của G20 theo truyền thống thường là dịp để các nước tranh luận về vấn đề kinh tế thì lần này chủ đề thống trị lại là về Syria.
 
Washington đã không giấu diếm sự khó chịu trước việc Nga phản đối mạnh mẽ chiến dịch can thiệp quân sự của họ vào Syria. Trước khi đến tham dự hội nghị G20, Tổng thống Obama từng phát biểu với giới phóng viên rằng, quan hệ Nga-Mỹ đang “húc đầu vào tường”. Hai nhà lãnh đạo Obama và Putin không có kế hoạch gặp song phương tại hội nghị G20 lần này nhưng họ có thể có cuộc gặp không chính thức.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc