(VnMedia) - Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người dân trong nước và các nước bên ngoài về một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, Lầu Năm Góc Mỹ vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào đất nước Trung Đông trên quy mô lớn hơn rất nhiều do với dự định ban đầu. Đây là thông tin vừa được tiết lộ trên tờ Los Angeles Times số ra ngày hôm nay (9/9).
(Ảnh minh hoạ) |
Theo kế hoạch được sửa đổi, chiến dịch tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ sẽ kéo dài trong 3 ngày với kịch bản sẽ có đợt oanh kích thứ hai vào những mục tiêu mà loạt đạn ban đầu chưa thể phá huỷ, các nguồn tin giấu tên cho biết.
Hai sĩ quan của Mỹ cũng cho biết, Nhà Trắng “trong những ngày gần đây đã yêu cầu mở rộng danh sách mục tiêu nhiều hơn rất nhiều so với khoảng 50 mục tiêu mà kế hoạch ban đầu vạch ra”.
Các nhà lập kế hoạch của Lầu Năm Góc hiện đang đưa ra khá nhiều lựa chọn cho một kịch bản tấn công vào Syria. Cụ thể, những quan chức này đang cân nhắc khả năng triệu tập cả những chiếc máy bay ném bom của Không quân để hậu thuẫn cho chiến dịch tấn công bằng tên lửa hành trình đất đối không từ 5 chiếc tàu chiến đang lượn lờ áp sát Syria lúc này. Mỹ cũng tính đến khả năng sử dụng nhóm tàu sân bay tấn công thiện chiến đang đóng tại Biển Đỏ. Đội tàu này gồm tàu sân bay dẫn đầu cùng với một tuần dương hạm và 3 tàu khu trục.
"Sẽ có nhiều đợt oanh tạc và sau mỗi lần oanh tạc sẽ có đánh giá kết quả nhưng tất cả sẽ chỉ diễn ra trong vòng 72 giờ đồng hồ. Chúng tôi sẽ có thông báo rõ ràng khi hoàn thành xong mọi việc”, một sĩ quan có nguồn tin trong ban lập kế hoạch tiến đánh Syria của Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, bài báo trên tờ Los Angeles Times thừa nhận, một số sĩ quan trong quân đội Mỹ đang tỏ ra hoài nghi về việc dù có tiến hành một chiến dịch không kích mạnh hơn thì Mỹ cũng sẽ khó gây tổn hại lâu dài cho lực lượng của Tổng thống Assad. Một trong những sĩ quan này cho rằng, chiến dịch mà Mỹ định tiến hành ở Syria chỉ mạnh hơn một hành động “phô trương lực lượng” một chút nên không đủ để xoay chiều cuộc chiến ở Syria theo hướng có lợi cho phe nổi dậy.
Thông tin về việc chính quyền Tổng thống Obama mở rộng danh sách mục tiêu đã xuất hiện từ tuần trước khi hội nghị thượng định G20 đang diễn ra ở Nga. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này tại cuộc họp báo.
Quốc hội Mỹ sắp bỏ phiếu về kế hoạch đánh Syria
Mặc dù Lầu Năm Góc được cho là đã lên kế hoạch đầy đủ và chi tiết cho một chiến dịch tấn công vào Syria nhưng giới chức Mỹ vẫn đang phải nỗ lực tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch này.
Các nghị sĩ Mỹ sẽ bàn về việc có nên đánh Syria hay không khi Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại trong ngày hôm nay (9/9). Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu về vấn đề này vào cuối tuần.
Trong khi Nhà Trắng tin rằng kế hoạch của họ sẽ được Thượng viện phê chuẩn thì ông Obama đang phải đối mặt với một bức tường phản đối từ cả các nghị sĩ của cả Đảng Cộng hoà lẫn Đảng Dân chủ trong Hạ viện.
Nhà Trắng từ chối không cho biết liệu ông Obama có quyết định xúc tiến kế hoạch tiến đánh Syria nếu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu “không” với kế hoạch này.
Trong một nỗ lực cuối cùng thể hiện sự quyết tâm theo đuổi kế hoạch trừng phạt Syria, Tổng thống Obama chuẩn bị xuất hiện trên một loạt kênh truyền hình trước khi có một bài phát biểu trực tiếp với người dân trên cả nước vào ngày mai (10/9) nhằm lôi kéo sự ủng hộ cho chiến dịch ở Syria.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục kêu gọi các nước hành động khi ông này có cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh William Hague ở London trong buối sáng ngày hôm nay.
Phát biểu tại thủ đô Paris tại một cuộc họp báo trước khi rời đến London, Ngoại trưởng Kerry cho biết, hiện giờ đã có 12 nước chuẩn bị sẵn sàng cho hành động quân sự nhằm chống lại Syria. Theo lời ông này, những nước đó sẽ lần lượt thông báo về quyết định của họ trong vòng 24 giờ tới.
Ngoại trưởng Mỹ không loại trừ khả năng đưa vấn đề Syria trở lại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để tìm kiếm một nghị quyết sau khi nhóm điều tra của tổ chức quốc tế này hoàn thành báo cáo về cuộc điều tra mà họ tiến hành hôm 21/8 vừa rồi ở Damascus.
Mặc dù giới chức Mỹ cố tỏ ra lạc quan về việc hành động của họ nhận được nhiều sự ủng hộ nhưng trên thực tế, cả người dân trong nước và nhiều nước bên ngoài vẫn phản đối gay gắt việc Mỹ định tiến đánh Syria. Hầu hết các nước cho đến giờ vẫn không ủng hộ một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria. Ngay cả Liên minh Châu Âu (EU) cũng không đứng về phía Mỹ trong vấn đề này.
Trong nội bộ nước Mỹ, đa số mọi người đều phản đối nước họ dính líu vào tình hình Syria bởi hơn ai hết, người dân Mỹ đã quá chán ngán với chiến tranh. Mỹ đã lún sâu, mắc kẹt suốt hơn một thập kỷ qua trong hai cuộc chiến tranh mất mát và tốn kém ở Iraq và Afghanistan.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc