(VnMedia) - Cuộc nội chiến ở đất nước Syria càng lúc càng trở nên phức tạp và bế tắc khi cả quân của Tổng thống Bashar al-Assad lẫn phe nổi dậy đều đối diện với một nội bộ mâu thuẫn, đấu đá lẫn nhau. Nếu như ở phe nổi dậy, thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố đang lấn át các nhóm ôn hoà thì ở bên quân chính phủ, lực lượng Hezbollah và chiến binh Shia đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng.
Phe nổi dậy Syria |
Các chiến trường ở Syria hiện giờ đang phức tạp hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc nội chiến kéo dài đã hơn 30 tháng qua ở quốc gia Trung Đông này. Với việc các cường quốc đang tái khởi động nỗ lực thúc đẩy kế hoạch tiến hành một hội nghị hoà bình ở Geneva, người ta vẫn không rõ phe đối lập chống Tổng thống Assad sẽ cử đại diện là ai đi tham dự hay lực lượng nào sẽ nhận là đại diện của phe nổi dậy.
Bị mắc kẹt trong cuộc đấu đá nội bộ với các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan, lực lượng nổi dậy chính thống hay theo đường lối ôn hoà gần đây hầu như không giành được chiến thắng trong các cuộc giao tranh với quân chính phủ. Hai năm rưỡi trôi qua, mặt trận chung của phe nổi dậy được dựng lên từ buổi ban đầu giờ đã biến thành một chiến trường để nội bộ lực lượng này tranh giành lợi ích. Diễn biến này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lý do mà phe nổi dậy đứng lên cầm vũ khí chống lại chính quyền Assad.
Phe nổi dậy là tập hợp của hơn 1.000 đơn vị, và trong khi nhiều đơn vị vẫn đoàn kết vì sự nghiệp chung là lật đổ Tổng thống Assad thì nhiều đơn vị khác không hề có tính kỷ luật hoặc thậm chí còn không có ý muốn xây dựng một xã hội dân chủ, đa đảng nếu hoặc khi chính quyền của Tổng thống Assad bị lật đổ.
Các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan trong phe nổi dậy ngày càng mạnh và ngày càng đóng vai trò nổi bật hơn. Trong những ngày đầu của cuộc nổi dậy, nhóm Jabhat al-Nusra được xem là nhóm chiến binh mạnh nhất. Tuy nhiên, bắt đầu từ đầu năm nay, các nhóm chiến binh nước ngoài ồ ạt đổ về Syria và bắt đầu thành lập những đơn vị riêng rẽ, tự chiến đấu vì những mục đích riêng.
Những nhóm chiến binh mới có tư tưởng cực đoan hơn cả nhóm al-Nusra và đối đầu với các đơn vị thuộc Quân đội Syria Tự do (phe nổi dậy chính). Các nhóm chiến binh Hồi giáo tự áp đặt ý chí lên những cộng đồng không hề muốn sự có mặt của họ.
Trong khi đó, các đơn vị chính thống của phe nổi dậy buộc phải kiềm chế bởi họ không thể vừa chiến đấu với al-Qaida vừa giao tranh với quân chính phủ.
Mọi thứ cũng không ít phức tạp hơn ở bên phe chính quyền. Quân đội thường trực của Syria được bổ sung thêm lực lượng gồm nhóm Hezbollah ở Li-băng và các chiến binh Shia đến từ bên ngoài. Với ảnh hưởng và sức mạnh ngày càng gia tăng, hai lực lượng này cũng đang chiếm những vị trí ở tuyến đầu trong cuộc chiến ở Syria. Tình trạng này cũng dẫn đến những sự mâu thuẫn, đối đầu nhất định trong nội bộ của lực lượng quân chính phủ.
Mỹ kêu gọi Liên Hợp Quốc hành động với Syria
Trong lúc này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải hành động trong vấn đề vũ khí hoá học của Syria vào tuần tới và rằng, việc thực hiện thoả thuận của Nga-Mỹ về vấn đề huỷ bỏ vũ khí hoá học của Syria là vô cùng cần thiết.
"Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải chuẩn bị hành động vào tuần tới. Việc cộng đồng quốc tế đứng lên và lên tiếng mạnh mẽ nhất về tầm quan trọng của việc huỷ bỏ vũ khí hoá học của Syria là vô cùng cần thiết”, ông Kerry hôm qua (19/9) đã nói như vậy với các phóng viên.
Các phái đoàn đến từ 5 cường quốc lớn của Liên Hợp Quốc sẽ nhóm họp ở New York trước khi cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bắt đầu vào tuần tới để bàn thảo về kế hoạch đặt kho vũ khí hoá học của Syria dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế.
Nga và Mỹ đã đạt được nhất trí về thoả thuận trên vào tuần trước nhằm tránh cho Syria phải đối diện với một chiến dịch tấn công quân sự từ Mỹ. Theo thoả thuận này, Tổng thống Assad phải liệt kê toàn bộ kho vũ khí hoá học của nước này trong vòng một tuần và giao nộp lại cho cộng đồng quốc tế trước khi nó được tiêu huỷ vào giữa năm sau.
Mặc dù tìm được tiếng nói chung trong kế hoạch huỷ bỏ kho vũ khí hoá học của chính quyền Syria nhưng Nga và Mỹ vẫn mâu thuẫn sâu sắc với nhau về việc ai là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8. Ngoại trưởng Kerry hôm qua vẫn khăng khăng cho rằng, không có mấy sự hoài nghi về việc quân của ông Assad đã sử dụng vũ khí hoá học trong vụ tấn công hồi cuối tháng 8 đó.
Trong khi đó, Nga thẳng thừng bác bỏ cáo buộc của Mỹ, khẳng định không có bằng chứng để chứng minh quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học.
Mỹ vẫn muốn đặt lên bàn lựa chọn tấn công quân sự vào Syria để trừng phạt chính quyền Assad. Giới chức Mỹ mấy ngày gần đây đã cùng với các quan chức phương Tây kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết dựa trên Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó cho phép các nước dùng vũ lực để bảo vệ hoà bình. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ và phương Tây đã vấp phải sự phản đối của cả Nga và Trung Quốc. Moscow và Bắc Kinh tin rằng, chỉ có giải pháp hoà bình mới tháo gỡ được tình hình Syria.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc