Biển Đông sẽ chứng kiến cuộc “đấu võ” Trung-Mỹ?

08:50, 19/09/2013
|

(VnMedia) - Những cuộc tranh chấp nổi lên ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một loạt các nước láng giềng đã cho người ta thấy rõ mâu thuẫn về lợi ích an ninh và hàng hải giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ-Trung.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Sau nhiều cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông như vụ ở đảo Hải Nam năm 2001 liên quan đến một vụ đâm nhau giữa máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ và chiến đấu cơ F-8 của Hải quân Trung Quốc hay như vụ các tàu của Trung Quốc tiếp cận một cách đầy khiêu khích với tàu Impeccable của Hải quân Mỹ năm 2009, người ra đặc biệt quan ngại trước sự nổi lên của Trung Quốc và cách phản ứng của nước này. Việc Mỹ tăng cường tập trung vào Châu Á có thể dấn đến các cuộc đối đầu ở một môi trường mà “mỗi hành động đều có thể gây ra những hậu quả không lường trước được và gây ra những tác động ở lớp thứ hai, thứ ba”.

 

Khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton có bài phát biểu tại Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii hồi tháng 10 năm 2010, nữ chính khách này đã nhấn mạnh đến 3 nhân tố chính trong kế hoạch hướng tới Châu Á của Mỹ, đó là mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh, quan hệ của Mỹ với các đối tác trên khắp Châu Á-Thái Bình Dương và sự tham gia của Mỹ vào các thể chế đa phương trong khu vực như ASEAN, APEC và EAS.

 

Trong thời gian gần đây, người ta nói nhiều đến chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ do Tổng thống Barack Obama đưa ra. Bản thân ông Obama tự nhận mình là “Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ”. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói hay ho chứ trên thực tế Mỹ chẳng phải là đang trở về Châu Á bởi họ chưa bao giờ thực sự rời đi. Mỹ vẫn duy trì một sự hiện diện ở tuyến đầu về quân sự, chính trị và kinh tế trong khu vực Châu Á cũng như Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Nói tóm lại, Mỹ đang theo đuổi một chính sách mở cửa kinh tế và chính trị nhằm thực hiện việc mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài bán cầu phía tây của họ.

 

Biển Đông được đưa vào “cuộc chơi” giữa Mỹ và Trung Quốc bởi khu vực biển này thích hợp là một trong những bệ phóng cho Hải quân Trung Quốc – lực lượng vừa trải qua một chương trình hiện đại hóa nhanh và mạnh kể từ sau Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995–1996. Cuộc khủng hoảng khi đó đã bộc lộ một loạt điểm yếu trong năng lực của Trung Quốc. Quan hệ quốc tế diễn ra ở điểm giao nhau giữa chính trị và luật quốc tế.

 

Chắc chắn, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS quy định nhiều lĩnh vực trong hành vi ứng xử giữa hải quân các nước nhưng luật này lại không đả động gì đến các chiến dịch quân sự ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước bên ngoài. Điều đó đã tạo cho các nước tiến hành các hoạt động theo thông lệ và sau này người ta gọi thành luật tập quán. Điều này được thấy rất rõ qua hai vụ việc trước đây khi Mỹ và Trung Quốc có cách hiểu khác nhau trong hoạt động ở vùng EEZ. Trong khi Bắc Kinh cho rằng, họ có quyền quản lý các hoạt động quân sự của nước ngoài trong các vùng đặc quyền kinh tế của mình thì Mỹ lại không đồng ý như vậy.

 

Hồi đầu năm nay, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Không rõ đây là sự vô tình chỉ xảy ra một lần hay là dấu hiệu của một sự thay đổi chính sách từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Biển Đông không phải là vấn đề của chỉ riêng Mỹ và Trung Quốc mà liên quan cả đến việc các nước trong khu vực phản ứng như thế nào về các hành vi tương ứng của họ.

 

Việc tuyên bố các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có liên quan đến uy tín quốc gia trong tương lai của mỗi nước. Trong trường hợp của Mỹ là lợi ích trong vấn đề bảo đảm tự do hàng hải cho các tàu thuyền dân sự, quân sự cùng với nghĩa vụ liên quan đến các mối quan hệ đồng minh đối tác trong khu vực.

 

Trong trường hợp của Trung Quốc, nước này mong muốn, sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của họ sẽ được ủng hộ và bảo vệ bởi năng lực thể hiện sức mạnh, cụ thể là trong việc cung cấp nguồn lực và thương mại hàng hải. Trung Quốc tin rằng, điều này đòi hỏi một sự hiện diện mạnh hơn của Hải quân nước này trong khu vực. Vì thế, Biển Đông trở thành trung tâm để Trung Quốc củng cố, tăng cường sức mạnh hải quân và tiến tới đưa “hàng rào phòng thủ” vượt ra ngoài bờ biển của đại lục Trung Quốc.

 

Trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, các cuộc thảo luận về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước có liên quan như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan, chủ yếu là liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Chắc chắn, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt, hải sản dồi dào và phong phú trong khu vực cũng khiến cho vấn đề Biển Đông thêm phức tạp nhưng đầu tiên và trước hết, đây là một cuộc thảo luận về lợi ích của Mỹ và Trung Quốc.

 

Khi nhìn vào sự xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc, người ta thấy nổi bật nhất là sự hiện diện mang tính lịch sử của Mỹ trong khu vực thông qua các mối quan hệ liên minh, đối tác và sự quan tâm ngày càng lớn của Mỹ đến các tổ chức đa phương trong khu vực. Sự quyết liệt và hiếu chiến của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đang đẩy các nước láng giềng của nước này về phía Mỹ trong khi điều đó cũng gây ra nỗi lo ngại giữa những người Trung Quốc về việc Mỹ đang tìm kiếm một chính sách kiềm chế giống như họ đã làm với Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây. Những mâu thuẫn tiềm ẩn sẵn như vậy có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.


Kiệt Linh - (theo TWO)

Ý kiến bạn đọc