Báo Nhật: Trung Quốc củng cố bá quyền ở Biển Đông

15:45, 20/09/2013
|

(VnMedia) - Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản hôm nay (20/9) đã đăng tải một bài viết trong đó nói rằng, Trung Quốc ngày càng bộ lộ rõ ý định củng cố quyền bá chủ ở Biển Đông trong khi tìm cách trì hoãn tiến trình thiết lập một bộ quy tắc ứng xử nhằm tránh xung đột.

 

Ảnh minh họa

Quan chức hải quân hai nước Nhật Bản và Philippines trong cuộc gặp hồi đầu tuần ở Trụ sở Hải quân Philippines.


Trung Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa mới tiến hành những cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai bên về việc tiến tới tìm kiếm một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) với mục đích là để quản lý, kiểm soát hoạt động, hành vi của các nước liên quan ở Biển Đông, tránh xung đột.

 

Tuy nhiên, trong suốt các cuộc hội đàm, Bắc Kinh vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong vấn đề này và kết quả là hai bên chỉ quyết định được về việc tổ chức một cuộc họp của các chuyên gia, tờ báo của Nhật cho biết.

 

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trung Quốc đòi chủ quyền một cách thái quá và phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Điều này đã khiến không chỉ các nước láng giềng bất bình mà cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

 

Trong hơn một thập kỷ qua, các nước ASEAN đã nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận với Trung Quốc để thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra các cuộc xung đột vũ trang ở Biển Đông. Tuy nhiên, với sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội, Trung Quốc liên tục từ chối, né tránh một cuộc họp bàn về vấn đề này. Chỉ cho đến thời điểm vừa rồi, Bắc Kinh mới bất ngờ đồng ý ngồi xuống thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, thậm chí khi Trung Quốc đã đồng ý đến bên bàn đàm phán, nước này vẫn chỉ tìm cách đề nghị thảo luận về các vấn đề khác mà không tập trung trọng tâm vào một bộ quy tắc ứng xử thực sự, bài viết trên tờ Yomiuri Shimbun đã nhận định như vậy.

 

Theo tờ báo của Nhật Bản, ở Biển Đông, nếu không có một bộ quy tắc ứng xử giữa các nước có liên quan thì cuộc khủng hoảng sẽ trở nên ngày một nghiêm trọng. Điểm tập trung dễ bùng nổ xung đột nhất hiện nay là cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc.

 

Bãi cạn Scarborough đang chứng kiến cuộc tranh chấp chủ quyền nóng bỏng và quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines . Tàu hải quân của hai nước từng có cuộc đối đầu căng thẳng trong suốt 2 tháng hồi năm ngoái. Chính phủ Philippines cho biết, sau khi nước này rút tàu thuyền ra khỏi bãi cạn tranh chấp để tránh làm leo thang căng thẳng thì tàu thuyền của Trung Quốc đã tràn vào phong tỏa khu vực này và thả hàng chục khối đá bê tông xuống đây.

 

Hồi đầu năm nay, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc, đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế để xét xử theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Manila nhấn mạnh, việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough của họ là bất hợp pháp. Mới đây, Trung Quốc đã tổ chức một hội chợ, mời tất cả nguyên thủ của các nước ASEAN nhưng Tổng thống Philippines lại không được mời.

 

Bước đi trên của Trung Quốc được hiểu là một hành động đáp trả trước việc Philippines đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế.

 

Rất dễ hiểu về việc Philippines dưới sự gây sức ép của một nước lớn như Trung Quốc đã phải tăng cường mối quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, tờ Yomiuri Shimbun bình luận.

 

Trong khi tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ , Philippines cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm mở cửa cho quân Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ nước này. Có khả năng, căn cứ hải quân Subic – nơi từng là căn cứ chiến lược của Mỹ trong khu vực, sẽ lại một lần nữa được sử dụng để Mỹ triển khai quân ở đây.

 

Liên minh Mỹ-Nhật-ASEAN?

 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 12 năm ngoái, cũng đã tăng cường đến thăm các nước ASEAN và đề xuất kế hoạch cung cấp 10 tàu tuần tra cho Philippines .

 

Theo tờ Yomiuri Shimbun, đối với cả Nhật Bản và Mỹ - hai nước đang đối diện với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương, ý nghĩa của việc củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước thành viên ASEAN bằng cách cùng phối hợp hành động với những nước này không chỉ giới hạn ở vấn đề Biển Đông. Sự hợp tác đó còn giúp cho nỗ lực của Tokyo Washington trong việc kiềm chế Trung Quốc không bành trướng các hoạt động hải quân ra các khu vực khác nữa.

 

Quan điểm của tờ Yomiuri Shimbun rõ ràng là muốn kêu gọi sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản và ASEAN nhằm kiềm tỏa, hạn chế tham vọng trên biển của Trung Quốc.

 

Thời gian gần đây, người ta đã chứng kiến sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines . Tokyo Manila đều đang cùng có những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng với Bắc Kinh. Chính vì thế, việc hai nước này tìm đến với nhau là điều không có gì phải ngạc nhiên.

 

Mới đây, hồi đầu tuần, hai tàu chiến của Nhật Bản đã có chuyến thăm kéo dài 2 ngày ở một cảng của Manila . Chuyến thăm này được cho là nhằm để củng cố mối quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ hơn, gắn bó hơn giữa Hải quân Philippines và Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản.


Kiệt Linh - (theo Yomiuri Shimbun)

Ý kiến bạn đọc