Assad càng tự tin, phương Tây càng muốn đánh?

20:32, 05/09/2013
|

(VnMedia) - Giữa biển thông tin dồn dập về một chiến dịch tấn công của Mỹ nhằm vào Syria, Tổng thống Bashar al-Assad vẫn tỏ ra điềm tĩnh, tự tin đến mức ông này chỉ để một lực lượng bảo vệ an ninh rất mỏng xung quanh mình trong cuộc trả lời phỏng vấn một phóng viên người Pháp ở thủ đô Damascus hồi đầu tuần này. Bề ngoài tự tin cùng những phát biểu cứng rắn, đầy thách thức của ông Assad trong cuộc trả lời phỏng vấn đã chọc giận Tổng thống Pháp François Hollande, khiến ông này tuyên bố muốn đánh Syria hơn.

 

Ảnh minh họa

 Cuộc nội chiến ở Syria sẽ thêm phần thảm khốc nếu phương Tây quyết định tấn công vào đây.


“Bằng cách thể hiện sự tự tin thông qua việc không cần tăng cường sự bảo vệ cho bản thân, Tổng thống Syria muốn cho mọi người thấy rằng, ông chẳng cần phải đi trốn tránh ở đâu”, phóng viên George Malbrunot của tờ Le Figaro hôm 3/9 cho hay.

 

Cuộc gặp với phóng viên Malbrunot là cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây đầu tiên của ông Assad kể từ khi chính quyền của ông này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công vào phía đông thủ đô Damascus hôm 21/8 vừa rồi. “An ninh xung quanh dinh thự tổng thống đang ở mức tối thiểu. Tôi không hề bị lục soát gì cả. Tổng thống Bashar al-Assad đến chào tôi ở cổng ra vào. Chúng tôi cùng đi vào một văn phòng lớn được trang trí bởi những bức tranh. Ông Assad tỏ ra bình thản trong suốt cuộc phỏng vấn. Ông ấy không thể hiện dấu hiệu lo lắng rõ ràng nào nhưng ông ấy cũng có vẻ không yên trước cuộc đối đầu với Tổng thống Barack Obama”, phóng viên Malbrunot miêu tả.

 

Trong một đoạn trả lời phỏng vấn được công bố sau đó, Nhà lãnh đạo Assad cảnh báp Pháp về “hậu quả tiêu cực đối với những lợi ích của nước này” nếu Paris tham gia cùng Mỹ trong cuộc tấn công vào Syria . Ông Assad cũng cảnh báo, Trung Đông sẽ trở thành “một thùng thuốc súng” và thùng thuốc súng này sẽ “phát nổ” thành “một cuộc chiến tranh khu vực” nếu phương Tây phát động chiến dịch không kích vào Syria.

 

Ngay sau khi đọc toàn bộ bài trả lời phỏng vấn của ông Assad trên tờ Le Figaro, Tổng thống Pháp Hollande đã tỏ ra rất tức giận. Ông cáo buộc Tổng thống Assad “dối trá” và “đe dọa người dân Pháp”.

 

“Đọc xong bài phỏng vấn chỉ làm tôi tăng thêm quyết tâm” tiến đánh Syria , Nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố. Theo ông này, “mối đe dọa nghiêm trọng nhất là việc không hành động gì mà để ông ta tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học”.

 

Có vẻ như sự tự tin, thách thức của Tổng thống Assad đã khiến Tổng thống Hollande càng muốn đánh Syria hơn.

 

Các thành viên Quốc hội Pháp đã tranh luận về lựa chọn thực hiện một cuộc không kích vào Syria hôm thứ Ba vừa rồi (3/9) nhưng chưa bỏ phiếu về việc này. Tuy nhiên, Tổng thống Hollande được cho là sẵn sàng trì hoãn kế hoạch để đợi một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội trong một vài ngày tới, giống như người đồng cấp Obama của ông đã làm. Cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội Pháp có thể diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ bỏ phiếu vào tuần tới ở thủ đô Washington .

 

Tổng thống Hollande có quyền ra lệnh thực hiện một chiến dịch quân sự ngắn mà không cần có sự phê chuẩn của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Hollande hiểu rằng, việc Quốc hội Anh nói không với lựa chọn quân sự ở Syria và việc Tổng thống Obama quyết định đợi thêm ý kiến từ Quốc hội đặt Nhà lãnh đạo Pháp vào tình thế không thể khác được. Không có chuyện Pháp hành động một mình nếu Quốc hội Mỹ bác bỏ lựa chọn tiến hành không kích Syria . Giới chính khách đối lập của Pháp chỉ trích, điều đó trên thực tế có ý nghĩa rằng, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định liệu quân Pháp có tham gia chiến dịch ở Syria hay không chứ không phải là Quốc hội Pháp quyết định việc này.

 

Trong khi đó, 2/3 cử tri Pháp phản đối việc nước họ tham gia vào một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria .

 

Obama vượt qua cản trở đầu tiên nhưng đối mặt mâu thuẫn nội bộ

 

Trong khi Pháp đang hướng về phía Mỹ thì ở nước này, kế hoạch tiến đánh Syria của Tổng thống Obama đã vượt qua rào cản đầu tiên. Theo đó, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua (4/9) đã cho phép ông Obama sử dụng vũ lực để chống lại chính quyền Tổng thống Assad.

 

Với tỉ lệ ủng hộ 10/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho phép ông Obama tiến hành một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế không quá 90 ngày và không liên quan đến lực lượng bộ binh. Kế hoạch này sẽ còn phải cần đến sự thông qua của Hạ viện và Thượng viện Mỹ khi các cơ quan này nhóm họp trở lại vào tuần tới.

 

Cuộc bỏ phiếu sắp tới đánh dấu lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ tiến hành bỏ phiếu về một chiến dịch can thiệp quân sự ở bên ngoài kể từ hồi tháng 10 năm 2002 khi Quốc hội Mỹ cho phép Tổng thống George W. Bush đưa quân vào Iraq .

 

Mặc dù vượt qua được cản trở đầu tiên nhưng kế hoạch can thiệp vào Syria của ông Obama đang vấp phải sự hoài nghi của chính những người trong nội bộ Đảng Dân chủ của ông này. Đây được xem là một chướng ngại vật rất lớn mà Tổng thống Mỹ cần phải vượt qua trước khi muốn phát động các cuộc tấn công vào Syria .

 

Nhiều chính khách thuộc thành phần ủng hộ cốt lõi của Tổng thống Obama, đặc biệt là các thành viên thuộc cánh tự do của Đảng Dân chủ và các thành viên người Mỹ gốc Phi, đã bày tỏ sự thận trọng rất lớn trước kế hoạch đánh Syria hiện nay của Mỹ. Những người này cũng là những người phản đối mạnh mẽ các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

 

Dù đang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều chính khách chủ chốt của Đảng Cộng hòa đối lập nhưng Tổng thống Obama vẫn cần sự đồng tình của hàng chục thành viên của Đảng Dân chủ thì kế hoạch của ông mới có thể “đi qua” được Hạ viện.

 

Người của Đảng Dân chủ cho biết, họ đang đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc là đi ngược lại nguyện vọng của một Tổng thống rất được lòng dân và được tôn trọng trong các cuộc thăm dò dư luận hay là thách thức các cử tri ở nhà – những người luôn phản đối mạnh mẽ việc Mỹ can thiệp quân sự thêm vào một cuộc chiến ở bên ngoài.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc