(VnMedia) - Sự hiện diện quân sự trên khắp thủ đô Cairo và những vùng ngoại ô xung quanh tiếp tục được đẩy lên cao trong ngày hôm qua (18/8). Người ta có thể thấy hàng đoàn xe tăng kéo dài tràn ra quảng trường trung tâm và các khu vực kế cận. Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh quân đội Ai Cập thề không dung thứ cho tình trạng bạo lực.
Lãnh đạo quân đội Ai Cập - Tướng Abdel-Fattah al-Sisi hôm qua đã đưa ra một lời cảnh báo sắc lạnh rằng, ông này sẽ không dung thứ cho tình trạng bạo lực thêm nữa ở đất nước này sau mấy ngày xảy ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, các cuộc bạo lực ở Ai Cập đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 người và làm hàng nghìn người khác bị thương. Nhiều trong số các nạn nhân là người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo và Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi.
Tướng Sisi đưa ra tuyên bố trên khi lực lượng của ông này đang tràn vào thủ đô với mục đích dập tắt bất kỳ cuộc biểu tình đường phố nào.
Tổ chức Anh em Hồi giáo đã lãnh đạo đất nước Ai Cập trong một năm cho đến khi bộ máy cầm quyền này bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi tháng trước. Phong trào Hồi giáo ở đất nước Ai Cập đang đứng trước giai đoạn quyết định khi có thêm hàng trăm thành viên của họ bị bắt giữ đồng thời các tài khoản ngân hàng của nhóm này đang bị chính phủ lâm thời phong toả. Tổ chức Anh em Hồi giáo còn bị gán là một tổ chức khủng bố.
"Chúng tôi sẽ không ngồi yên nhìn đất nước bị phá huỷ, người dân bị làm hại. Chúng tôi sẽ không để họ đốt phá đất nước và doạ dẫm người dân”, Tướng Sisi – Lãnh đạo Lực lượng Vũ trang Ai Cập, đã phát biểu dõng dạc như vậy trên đài truyền hình quốc gia.
Hiện tại, quân đội đang tăng cường sự hiện diện quân sự dày đặc ở thủ đô Cairo và các vùng ngoại ô xung quanh. Hoạt động triển khai quân đội tiếp tục tăng lên trong ngày hôm qua. Người ta có thể nhìn thấy xe tăng tràn khắp các đường phố của thủ đô và những khu vực kế cận. Quảng trường Tahrir đã phải đóng cửa trong ngày thứ ba liên tiếp.
Thủ đô Ai Cập hiện giờ đang trở thành một chiến trường đẫm máu giữa những người ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Morsi và lực lượng quân đội đã lật đổ ông này. Cuộc khủng hoảng này chia cắt tình láng giềng của nhiều người dân ở thành phố hơn 18 triệu dân. Tình hình bạo lực ở Ai Cập đã leo lên đến đỉnh điểm từ hôm thứ Tư tuần trước (14/8) khi những người biểu tình giao tranh ác liệt với lực lượng binh lính. Hàng trăm người đã chết và hàng nghìn người bị thương. Những ngày sau đó, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và số người thương vong tiếp tục tăng cao.
Nếu diễn biến ở thủ đô Cairo vẫn theo chiều hướng hiện nay thì Ai Cập có khả năng rơi trở lại vào một cuộc hỗn loạn mới sau hai năm giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập.
Viễn cảnh nguy hiểm trong cuộc khủng hoảng ở Ai Cập
Khi tình trạng bạo lực ở Ai Cập diễn ra ngày một nghiêm trọng, một số nhà phân tích cảnh báo, đất nước này sẽ tiến dần tới một cuộc khủng hoảng “có sự can thiệp của quốc tế”. Điều này sẽ gây ra những hệ luỵ nguy hiểm.
Hồi cuối tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Ai Cập, kêu gọi chấm dứt bạo lực và hoà giải dân tộc. Động thái này được miêu tả là bước đầu tiên tiến tới việc “quốc tế hoá” cuộc khủng hoảng Ai Cập, giáo sư chiến lược Nabil Fouad cho hay.
Cuộc khủng hoảng Ai Cập có bị quốc tế hoá hay không phụ thuộc vào “chính phủ lâm thời và sự sẵn sàng của họ trong việc xoa dịu tình hình hiện nay hay là tiếp tục theo đuổi các kế hoạch cứng rắn”, ông Fouad – một cựu tướng trong quân đội, cho biết.
Theo ông Fouad, nếu chính phủ Ai Cập chọn giải quyết tình hình hiện nay bằng cách tiếp cận cứng rắn, điều đó sẽ dẫn đến sự leo thang ở cấp độ quốc tế.
"Yêu cầu của quốc tế trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị thông qua con đường hoà giải nên được xem xét và tôn trọng”, ông Fouad kêu gọi chính phủ lâm thời Ai Cập.
Ngày hôm qua, lãnh đạo Liên minh Châu Âu – ông Herman Van Rompuy và ông Jose Manuel Barroso cảnh báo quân đội Ai Cập và chính phủ lâm thời nước này rằng, họ sẽ xem xét lại mối quan hệ với Ai Cập nếu nước này không chấm dứt tình trạng bạo lực hiện nay.
Bạo lực leo thang sẽ gây ra “những hậu quả khôn lường” cho Ai Cập và các nước láng giềng, hai nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã nói thêm như vậy.
Cho đến thời điểm này, đã có Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Mauritius và Ecuador quyết định rút đại sứ của họ tại Ai Cập về nước. Trong khi đó, Pháp, Anh, Đức, Italia và Tunisia đã triệu hồi Đại sứ về để bàn bạc về tình hình ở Ai Cập.
Cũng theo Giáo sư Fouad, sự can thiệp của quốc tế vào Ai Cập đồng nghĩa với việc nước này sẽ phải chịu thêm “nhiều biện pháp trừng phạt” và bị cắt đứt các nguồn viện trợ. Thực tế này sẽ gây tổn thất thêm nữa cho nền kinh tế vốn đang ốm yếu của đất nước Ai Cập.
Đối với bản thân Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng đang tiến hành các cuộc biểu tình chống quân đội và chính phủ lâm thời, ông Fouad cho rằng, “viễn cảnh quốc tế hoá cuộc khủng hoảng” ở nước này cũng sẽ chẳng đem lại lợi ích chính trị gì cho tổ chức từng nắm quyền lãnh đạo đất nước Ai Cập một năm vừa rồi.
Để giải quyết hoà bình cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay đòi hỏi những nỗ lực và sự nhượng bộ từ cả hai phía: từ Tổ chức Anh em Hồi giáo, Tổng thống bị truất quyền Morsi cũng như chính phủ lâm thời và các lực lượng chính trị khác, ông Fouad nói thêm.
Dưới đây là một vài hình ảnh về sự hiện diện của quân đội Ai Cập ở thủ đô Cairo:
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc