(VnMedia) - Trong khi một số người dân và chính khách Mỹ coi sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc là một mối đe doạ thì một số hoạt động ngoại giao nhất định như việc nước này tăng cường tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc nên được Washington hoan nghênh. Sự tham gia đó của Trung Quốc có thể trấn an được phần nào nỗi quan ngại của Mỹ về cường quốc mới nổi này.
(Ảnh minh hoạ) |
Khi Trung Quốc ngày càng mạnh lên trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu, nước này có nhiệm vụ phải bảo đảm với thế giới, đặc biệt là Mỹ, về ý định và thiện chí của họ trong việc theo đuổi con đường trở thành một cường quốc có trách nhiệm. Để đạt được điều đó, Trung Quốc cần phải hội nhập hơn nữa vào cộng đồng quốc tế và đóng góp tích cực cho an ninh, hoà bình quốc tế thông qua các hoạt động như tham gia sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.
Xu hướng gần đây trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc liên quan đến các hoạt động gìn giữ hoà bình đang đi theo hướng trên. Ngày nay, trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đang là nước điều số lượng quân lớn nhất đi tham gia vào các lực lượng gìn giữ hoà bình trên khắp thế giới. Số quân của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn cả Mỹ - siêu cường số 1 thế giới.
Tính đến tháng 12 năm 2010, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) cử đi 1.955 sĩ quan và binh lính tham gia vào 9 lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc. Sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Trung Quốc gần đây ở Mali đã nhận được sự hoan nghênh lớn của các quan chức Liên Hợp Quốc không chỉ bởi vì sự thành công của sứ mệnh này trong việc giúp Mali tổ chức được một cuộc tổng tuyển cử hoà bình mà bởi nó còn tạo ra bước ngoặt mới trong bản chất tham gia sứ mệnh hoà bình của Trung Quốc. Nếu như trong giai đoạn đầu của sứ mệnh, Trung Quốc chỉ phái các nhân sự về hậu cần và y tế đến Mali thì sau này, cường quốc Châu Á đã thực sự đưa các lực lượng an ninh đến nơi đây để duy trì hoà bình. Một quan chức Trung Quốc từng tuyên bố: “Đây là bước đột phá lớn trong tiến trình tham gia gìn giữ hoà bình của đất nước chúng tôi”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có một số quan điểm khác với phương Tây trong việc đưa quân đến tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình ở các nước khác. Trong khi phương Tây sẵn sàng đưa lực lượng gìn giữ hoà bình vào nước khác nếu được chính nước chủ nhà chấp nhận thì Trung Quốc cho rằng, hoạt động đó cần phải được sự chấp thuận của cả các tổ chức khu vực. Trung Quốc không muốn hành động khi mà các nước hay các nhân tố trong khu vực công khai phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước khác.
Những người theo chủ nghĩa thực tế ở Mỹ vẫn liên tục xem Trung Quốc là mối đe doạ đối với an ninh và hoà bình thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc luôn nhấn mạnh nước này theo đuổi con đường phát triển hoà bình. Mặc dù quan ngại về Trung Quốc nhưng Mỹ thấy rằng, việc cường quốc Châu Á tích cực tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hoà bình là vô cùng quan trọng. Một chính sách như vậy không chỉ có thể củng cố thêm cho tuyên bố phát triển hoà bình của Trung Quốc mà còn ở mức độ nào đó giúp giảm nỗi lo ngại của Mỹ về tham vọng của Trung Quốc.
Kiệt Linh -
(theo Policymic)
Ý kiến bạn đọc