Trung Quốc đang đóng tiếp tàu sân bay mới?

10:32, 27/08/2013
|

(VnMedia) - Hồi đầu tháng này, một loạt những bức ảnh được đăng tải trên các diễn đàn quân sự của Trung Quốc cho thấy, nước này dường như đang đóng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên. Tuy nhiên, một số người cho rằng, thông tin trên có thể là nhầm.

Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, Trung tâm Thông tin Kanwa – một tổ chức tư vấn của Canada đã cung cấp một thông tin, trong đó khẳng định, những hình ảnh được tung lên diễn đàn quân sự không phải là một chiếc tàu sân bay. Thay vào đó, bản tin của Kanwa dựa trên các nguồn tin quân sự từ Ukraine cho rằng, chiếc tàu mà Trung Quốc đang đóng là tàu tấn công đổ bộ đầu tiên có thể mang theo những chiếc trực thăng và tàu đệm khí của nước này.

 

Nói cách khác, nếu thông tin trên được chứng minh là chính xác, Trung Quốc đang đóng một con tàu giống như loại tàu Đổ bộ Tấn công (LHA). Con tàu này không hoàn toàn giống với chiếc tàu khu trục trực thăng lớp Izumo mà Nhật Bản vừa trình làng hồi đầu tháng này và giới phân tích Trung Quốc gọi nó là “chiếc tàu sân bay trá hình”.

 

Theo Kanwa, chiếc tàu chiến đang được Trung Quốc đóng tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải có thể được đưa vào sử dụng sớm nhất là vào năm 2015. Tàu mới của Trung Quốc được cho là có trọng tải 35.000 tấn, khoảng gấp đôi trọng tải của 3 chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Type 071 mà Trung Quốc đang sở hữu hiện nay. Những con tàu này có trọng tải từ 17.000-20.000 tấn.

 

Tàu khu trục trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản được cho là có trọng tải từ 20.000-25.000 tấn.

 

Tàu LHA mới của Trung Quốc sẽ mang được 4 tàu đệm khí và tới 20 chiếc trực thăng, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin từ Kanawa cho hay.

 

Có lý do để tin rằng, thông tin do Kanwa cung cấp là chính xác. Thực vậy, hồi tháng 11 năm ngoái, một đô đốc Trung Quốc từng phát biểu trên đài truyền hình trung ương CCTV rằng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đang đóng một chiếc tàu tấn công đổ bộ có trọng tải 40.000 tấn, giống với tàu LHA của Hải quân Mỹ.

 

Theo China-Defense Mashup, Chuẩn Đô đốc Yin Zhuo đã nói: “WZ-10 và WZ-19 có thể sẽ được triển khai trên chiếc tàu tấn công đổ bộ trong tương lai của Trung Quốc. Và Trung Quốc hiện đang phát triển một thế hệ tàu tấn công đổ bộ mới có trọng tải 4.0000 tấn, giống tàu LHA của Hải quân Mỹ. Những chiếc trực thăng vận tải hạng nặng trên con tàu tấn công đổ bộ này sẽ được hộ tống bởi những chiếc máy bay được trang bị vũ khí như WZ-10 và WZ-19.”

 

Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc năm 2013 cho biết, “Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu một chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Type 081 mới trong vòng 5 năm tới.”

 

Rất tình cờ, thông tin trên được Kanwa đưa ra đúng thời điểm báo chí Trung Quốc đưa tin, chiếc trực thăng tấn công tự chế đầu tiên của nước này - WZ-10 vừa bắn thành công một quả tên lửa không đối không hồi tuần trước trong cuộc tập trận bắn đạt thật ở tỉnh Quảng Đông.

 

“Trực thăng tấn công quân sự hiện đại tự chế đầu tiên của Trung Quốc - WZ-10 đã lần đầu tiên phóng tên lửa không đối không và nó đã đánh chặn thành công các mục tiêu ở tầm thấp”, báo chí nhà nước Trung Quốc cho hay.

 

Vụ bắn tên lửa trên diễn ra hồi tuần trước trong cuộc tập trận ở bờ biển tỉnh phía nam Quảng Đông. Đây là cuộc thử nghiệm lớn nhất trong Lực lượng Không quân của quân đội.

 

Trung Quốc hiện giờ đang chuyển từ việc nhập khẩu hầu hết vũ khí từ Nga sang việc tự chế tạo vũ khí cho riêng mình. Đây là kết quả của quá trình bùng nổ kinh tế, phát triển kỹ thuật và việc tăng ngân sách quốc phòng hai con số suốt trong nhiều năm qua.

 

Trung Quốc được cho là đang bắt tay vào hai dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình riêng rẽ. Nước này cũng được cho là đang đóng ít nhất 2 tàu sân bay cùng với các tàu khu trục, tàu ngầm hạt nhân nội địa. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu những thiết bị then chốt trong các dự án vũ khí trên như động cơ của máy bay.

 

Giới phân tích tin rằng, việc Trung Quốc đóng những con tàu giống tàu sân bay và phát triển quân đội có liên quan nhiều đến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng hiện nay giữa nước này với một loạt nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc