Thế giới tuần qua: Tang tóc, đau thương

07:05, 19/08/2013
|

Hàng trăm người biểu tình ở Ai Cập đã chết trong một ngày sau những đụng độ với lực lượng an ninh ngày 14/8. Sự kiện đã khiến ngày 14/8 trở thành ngày đẫm máu nhất ở Ai cập trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, 18 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu ngầm INS Sindhurakshak của hải quân Ấn Độ không còn cơ hội sống sót sau vụ nổ gây chìm tàu. Siêu bão Utor hoành hành khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa…là những thông tin bạn đọc quan tâm tuần qua.

Ảnh minh họa

Người biểu tình ở Ai Cập chống lại lực lượng an ninh. Ảnh: Telegraph.co.uk


1. Tình hình Ai Cập đang hết sức nghiêm trọng, bạo loạn đã lan rộng trên khắp cả nước sau khi quân đội nước này dùng vũ lực giải tán những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi, làm hàng trăm người chết và bị thương. Ngày 15/8, Hội đồng Bảo an LHQ đã phải họp khẩn về những diễn biến mới nhất ở Ai Cập. Bạo lực và hỗn loạn ở Ai Cập không suy giảm mà còn tiếp tục tăng lên. Ngày 15/8 và 16/8, hàng nghìn người ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo tiếp tục đổ ra các ngả đường ở thủ đô Cairo và một số điểm nóng khác để biểu tình phản đối tình trạng khẩn cấp do quân đội áp đặt. Những người biểu tình đã tấn công, đập phá một số đồn cảnh sát, trạm kiểm soát an ninh, nhà thờ Cơ Đốc giáo, trụ sở cơ quan nhà nước, ném bom xăng vào lực lượng cảnh sát. Quân đội, cảnh sát được triển khai dày đặc ở Cairo. Nhiều tuyến phố quan trọng ở thủ đô đã được lệnh phong tỏa và được bảo vệ bằng xe bọc thép. Trong hai ngày 15 và 16/8 đã có thêm hàng chục người bị chết và bị thương.

 Ảnh minh họa

Nỗi đau đớn của một thanh niên bên xác những người biểu tình. Ảnh: news


Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế Ai Cập, số người thiệt mạng trong chiến dịch giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông Morsi diễn ra vào ngày 14/8 vừa qua đã lên tới 638 người. Sự kiện đã khiến ngày 14/8 trở thành ngày đẫm máu nhất ở Ai cập trong nhiều thập kỷ qua. Hàng nghìn cảnh sát với sự yểm trợ của xe bọc thép, lính bắn tỉa và xe ủi đã giải tán hai cuộc biểu tình ngồi ở Cairo, khiến 638 người ủng hộ ông Morsi thiệt mạng.
 
Lo ngại về tình trạng bạo lực, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập; một số Đại sứ quán nước ngoài tại Ai Cập đã quyết định đóng cửa. Nhiều biện pháp được các nguyên thủ châu Âu đề xuất nhằm không để cuộc khủng hoảng tại Ai Cập không leo thang.

 Ảnh minh họa

Người dân Campuchia bày tỏ ủng hộ CPP và Thủ tướng Hun Sen. Ảnh: AFP


2. Ngày 12/8, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa V, theo đó Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) cầm quyền giành được nhiều phiếu nhất, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập đứng thứ hai. Theo thông báo của NEC, Đảng CPP giành được 3.236.009 phiếu bầu, tiếp sau là Đảng CNRP giành được 2.945.676 phiếu bầu. Số phiếu còn lại thuộc về 6 đảng khác tham gia tranh cử lần này.
 
NEC cũng cho biết họ đã hoàn tất điều tra những cáo buộc sai  phạm trong bầu cử. Ngay sau công bố của NEC, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban an toàn bầu cử Campuchia, Sar Kheng đã kêu gọi mọi công dân Campuchia kiềm chế, không phản ứng đối với kết quả bầu cử Quốc hội, do Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) công bố bằng những hành động bạo lực, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số hành động chống đối, muốn gây bất ổn. Ngày 15/8, cảnh sát Campuchia xác nhận một quả bom tự chế đã phát nổ tối 14/8, do những kẻ chưa rõ danh tính gài vào hàng rào văn phòng CPP cầm quyền tại huyện Kong Pisey thuộc tỉnh Kampong Speu, song không gây thương vong.
 
3. Ấn Độ kỷ niệm lần thứ 67 Ngày Độc lập (15/8/1947/15/8/2013), trong cả niềm vui và nỗi buồn. Diễn văn chào mừng ngày Độc lập của Thủ tướng Manmohan Singh bày tỏ sự đau buồn trước vụ tàu ngầm INS Sindhurakshak của hải quân Ấn Độ vừa bị đắm trong một sự cố tại Mumbai ngày 13/8, với 18 binh sĩ hải quân bị kẹt trong con tàu có thể đã hy sinh. Liên quan tới vụ việc này, Thủ tướng Manmohan Singh cho rằng sự cố này càng trở nên đau buồn hơn khi hải quân Ấn Độ vừa đạt hai thành công lớn trong việc hạ thủy tàu hạt nhân đầu tiên INS Arihant và tàu sân bay đầu tiên INS Vikrant do chính Ấn Độ tự sản xuất.

Ngày 16/8, các thợ lặn của hải quân Ấn Độ đã tìm thấy 3 thi thể trong số 18 người mắc kẹt trong chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak, bị chìm sau một vụ nổ vào lúc nửa đêm 13/8. Hải quân Ấn Độ cho biết, 3 thi thể được tìm thấy trong điều kiện bị biến dạng nghiêm trọng do lửa cháy. Hải quân Ấn Độ khẳng định gần như chắc chắn không có bất kỳ cơ hội sống sót nào cho các thủy thủ đang bị mắc kẹt trong tàu ngầm này.
 
Theo kết quả điều tra ban đầu được công bố trên kênh truyền hình TV Times Now của Ấn Độ cho biết: Nguyên nhân gây ra vụ nổ đối với tàu ngầm INS Sindhurakshak đêm 13-8 có thể là do sự cố kỹ thuật. Tuy nhiên, ủy ban cấp cao điều tra vụ việc này hiện vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức.
 
4. Liên quan tới vụ bê bối sữa Fonterra nhiễm khuẩn, ngày 14/8, một lãnh đạo của tập đoàn sữa Fonterra đã từ chức. Trong một thông báo ngắn gọn, Fonterra cho biết, giám đốc điều hành phụ trách các sản phẩm sữa Niu Dilân của hãng, Gary Romano đã từ chức và quyết định đó có hiệu lực ngay lập tức. Fonterra không đưa ra lời giải thích nào về sự ra đi này và ông Fonterra. Dù chưa ghi nhận trường hợp nào phải điều trị vì nguy cơ trên nhưng Fonterra bị chỉ trích không xử lý tốt vụ bê bối khi công bố thông tin quá chậm trễ và đưa ra số liệu không đầy đủ. Thủ tướng John Key đã tỏ ra không hài lòng với cách Fonterra xử lý vụ bê bối. Ông John Key cho biết sẽ đến Bắc Kinh trong năm nay để đưa ra lời xin lỗi tới các khách hàng Trung Quốc, thị trường hàng năm bỏ ra 2,4 tỷ USD mua các sản phẩm sữa công thức trẻ em từ Niu Dilân. Trong một diễn biến khác, đã có thêm ba nước ngưng nhập sản phẩm của tập đoàn Fonterra.

5. Ngày 15/8, người phát ngôn Cơ quan Quản lý và Giảm nhẹ nguy cơ thiên tai Philippin Reynaldo Balido cho biết, số người chết do bão Utor quét qua quần đảo này đã lên tới 8 người. Hàng chục nghìn người mất nhà cửa và nhiều thị trấn đã bị phá hủy hoàn toàn. Mặc dù người dân đã ý thức được nguy hiểm và tiến hành sơ tán kịp thời, song sức tàn phá của siêu bão vẫn khiến hơn 83.000 người mất nhà cửa. Với sức gió mạnh tới 150km/giờ, bão cũng gây mưa lớn tại nhiều nơi ở Trung Quốc; làm tê liệt hệ thống giao thông; gây thiệt hại về kinh tế đối 600.000 người dân trên địa bàn cả hai tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye tại Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN
 
6. Những tín hiệu về hòa bình, hòa hợp hai miền Triều Tiên đang dần trở lại. Ngày 14-8, hai miền Triều Tiên đã tiến hành vòng đàm phán thứ 7 nhằm nối lại hoạt động tại khu công nghiệp chung Keasong. Kết quả, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận mở lại khu công nghiệp chung Kaesong bị ngừng hoạt động hơn 4 tháng qua. Tín hiệu càng rõ hơn khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye phát đi khi đề nghị Triều Tiên đàm phán nối lại việc đoàn tụ các gia đình bị li tán cũng như đề xuất hai miền Triều Tiên cùng xây dựng Công viên Hòa bình trong Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới, trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh Hàn Quốc (15/8/1945-15/8/2013).
 
Tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S. Ảnh: rian.ru
 
7. Ngày 14-8, các nước SNG gồm Nga, Belarus, Cadắcxtan, Tátgikixtan và Cưrơgưxtan bắt đầu tập trận phòng không "Hợp đồng tác chiến-2013". Người phát ngôn binh chủng Phòng không vũ trụ Nga Alexei Zolotukhin cho biết, cuộc tập trận diễn ra theo 3 giai đoạn và kéo dài tới hết ngày 12-9. 500 binh sĩ cùng hơn 100 đơn vị vũ khí phòng không vũ trụ, trong đó có các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại như: S-400 Triumph, S-300 Favorite, tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S sẽ tham gia cuộc tập trận. Các quốc gia tham gia hệ thống phòng không thống nhất SNG khác tham gia cuộc tập trận với tư cách quan sát viên.
 
8. Một tin vui đến với các nước Eurozone khi các số liệu công bố ngày 14-8 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,3%, điều này có nghĩa Eurozone đã chính thức thoát khỏi suy thoái kinh tế. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Olli Rehn nhận định các số liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế châu Âu đang dần lấy lại được động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Rehn, hiện vẫn còn hai trở ngại lớn mà Eurozone cần phải vượt qua, đó là tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp trong khi các dấu hiệu tăng trưởng vẫn mong manh.
 
Eurozone tạm thoát khỏi suy thoái kinh tế. Ảnh: TTXVN
 
9. Sau những gì mà “người lộ mật” Edward Snowden tiết lộ, Mỹ đã phải thành lập nhóm đánh giá thiệt hại tình báo liên quan tới vụ Snowden. Việc đánh giá chính xác thiệt hại sẽ giúp Mỹ từng bước giải quyết bê bối liên quan đến những tiết lộ về các chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), đồng thời tăng sự minh bạch trong các hoạt động của cộng đồng tình báo Mỹ. Nhóm đánh giá về Tình báo và Công nghệ truyền thông được đích thân Tổng thống Obama chỉ thị thành lập ngày 12-8 có nhiệm vụ đánh giá chính xác về việc triển khai các hoạt động tình báo trong điều kiện môi trường mới với sự tiến bộ về công nghệ truyền thông.
 
Trong một động thái mới nhất liên quan tới vụ Snowden, Thứ trưởng Quốc phòng Nga, ông Anatoly Antonov ngày 14-8 cho biết vụ Snowden sẽ không gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ về phòng thủ tên lửa.
 
Phía Nga cũng cấp phép thị thực nhập cảnh cho bố của Snowden cùng luật sư gia đình tới thăm thân. 


(Theo QĐND)

Ý kiến bạn đọc