Tàu sân bay hâm nóng các vùng biển Châu Á

06:32, 15/08/2013
|

(VnMedia) - Có lẽ, một trong những sự kiện đáng chú ý nhất thế giới trong những ngày vừa qua là việc Nhật Bản bất ngờ “khoe” tàu chiến khổng lồ và sau đó là sự ra mắt của chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của Ấn Độ. Như vậy, sau khi Trung Quốc trình làng tàu sân bay Liêu Ninh, hai nước láng giềng phía nam và tây nam của nước này là Nhật Bản và Ấn Độ cũng trang bị cho mình những chiếc tàu sân bay riêng. Phải chăng, cứ là nước lớn, là cường quốc thì đều phải có tàu sân bay để thể hiện sức mạnh và uy lực của mình? Hay đằng sau cuộc đua tàu sân bày này còn có một câu chuyện khác?

 

Ảnh minh họa

Ấn Độ tự hào trở thành một trong 5 cường quốc duy nhất của thế giới có thể chế tạo tàu sân bay "bá chủ đại dương".


Ấn Độ sánh ngang 4 cường quốc lớn

 

Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường sức mạnh cho quân đội hùng hậu của nước này bằng cách đẩy mạnh việc mua sắm vũ khí hiện đại đồng thời đầu tư mạnh tay vào hoạt động tự chế tạo vũ khí cho riêng mình. Không chỉ là nước mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới, Ấn Độ còn đang tích cực phát triển nền công nghiệp quốc phòng của riêng mình. Ngoài ra, Ấn Độ cũng bắt tay với Nga – cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, để chế tạo nhiều loại vũ khí thiện chiến.

 

Sau một thời gian dài thực hiện các chính sách hiện đại hóa và củng cố sức mạnh quân sự, hiện tại, Ấn Độ đã là một trong những cường quốc quân sự hàng đầu Châu Á.

 

Trong một nỗ lực nhằm tăng cường sức mạnh hải quân và tăng cường sự hiện diện trên biển, Ấn Độ hôm 12/8 đã chính thức trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên. Sự kiện tàu chiến INS Vikrant của Ấn Độ ra mắt tại xưởng đóng tàu Kochi ở bang phía nam Kerala đã đưa quốc gia Châu Á này vào câu lạc bộ những cường quốc ít ỏi có khả năng tự chế tàu sân bay – một loại vũ khí được mệnh danh là bá chủ đại dương bởi sức mạnh vượt trội của nó. Trước đó, mới chỉ có các cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh, Nga và Pháp có khả năng chế tạo tàu sân bay.

 

Tàu INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn, dài 260 mét, rộng 60 mét. Con tàu này lớn hơn gấp 5 lần so với bất kỳ con tàu nào khác được đóng tại Ấn Độ. Trong tương lai, các chiến đấu cơ như MiG-29K, Máy bay Chiến đấu Hạng nhẹ và Kamov 31 sẽ cất cánh từ tàu sân bay Vikrant.

 

Phát biểu tại buổi lễ trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - ông A.K. Antony tuyên bố, nước này cần phải xây dựng một lực lượng Hải quân hùng hậu, thiện chiến để có thể bảo vệ đất nước.

 

Sự ra đời tàu sân bay INS Vikrant đánh dấu một mốc mới trong con đường phát triển của Hải quân Ấn Độ. Dù tàu sân bay của Ấn Độ còn phải mất vài năm nữa mới có thể được đưa vào hoạt động chính thức nhưng cường quốc Châu Á này có thể tự hào là nước đầu tiên trong khu vực ghi tên mình vào câu lạc bộ các cường quốc có khả năng chế tạo tàu bá chủ đại dương.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên của Ấn Độ ra mắt đúng thời điểm Châu Á đang “căng như dây đàn” vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng lo ngại vì tham vọng trở thành cường quốc biển với những đòi hỏi chủ quyền quá đáng, lấn tận tới những vùng lãnh hải sát bờ biển của các nước khác. Sự quyết liệt, hung hăng trong các cuộc tranh chấp biển của Trung Quốc đã châm ngòi cho một cuộc đua vũ trang. Cụ thể, các nước láng giềng của Trung Quốc đang tăng cường mua sắm vũ khí mới để củng cố sức mạnh nhằm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Dù Ấn Độ không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc nhưng nước này vẫn tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Hải quân. Sở dĩ như vậy là do New Delhi lo ngại, sau Biển Đông, biển Hoa Đông, Trung Quốc sẽ dòm ngó đến cả Ấn Độ Dương. Hơn nữa, giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn có cuộc tranh đua “ngầm” nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực.

 

Nhật Bản thách thức Trung Quốc

 

Vài ngày trước sự ra mắt của chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của Ấn Độ, Nhật Bản cũng khiến các nước bất ngờ khi trình làng chiếc tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu được đặt tên là Izumo. Con tàu hùng dũng dài đến 250m với trọng tải 19.500 tấn này có thể mang tới 14 chiếc trực thăng.

 

Mặc dù tàu Izumo được xếp vào loại tàu khu trục trực thăng nhưng nó trên thực tế chẳng khác gì một chiếc tàu sân bay. Và theo các chuyên gia, trong tương lai không xa, các chiến đấu cơ sẽ cất cánh từ tàu Izumo. Sự kiện Nhật Bản trình làng chiếc tàu chiến trị giá 1,2 tỉ USD tại xưởng đóng tàu Yokohama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu chiến Izumo được đánh giá sẽ là “con át chủ bài” của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong thời gian tới.

 

Mặc dù Nhật Bản không khoa trương về con tàu khổng lồ của mình nhưng việc nước này chế tạo thành công một chiếc tàu tinh vi như vậy đã giúp giảm sự thách thức của Trung Quốc đối với quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản. Không nghi ngờ gì nữa, các xưởng đóng tàu Nhật Bản sau nhiều thập kỷ đóng được một số những con tàu thương mại lớn nhất, tinh vi nhất, đã có thể cho ra đời những tàu chiến hiện đại hơn thuộc lớp Izumo và tiến dần tới những con tàu sân bay toàn diện.

 

Về phần Trung Quốc, nước này đã trình làng chiếc tàu sây bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh từ năm 2011. Tuy nhiên, tàu sân bay của Trung Quốc thực chất chỉ là một con tàu cũ của Liên Xô được nâng cấp, đại tu lại. Sự ra đời của tàu Liêu Ninh chỉ mang tính biểu tượng bởi nó hoàn toàn chưa có khả năng chiến đấu. Bản thân các quan chức Trung Quốc cũng từng thừa nhận, tàu sân bay của họ chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, huấn luyện và đào tạo.

 

Trung Quốc rõ ràng không thể cảm thấy thoải mái khi hai nước láng giềng sát cạnh họ giờ đây đều đã có tàu sân bay hoặc là tàu chiến na ná tàu sân bay. Cuộc đua do Trung Quốc châm ngòi đã được Nhật Bản, Ấn Độ tham gia tích cực và không hề tỏ ra kém thế.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc