Siêu cường Mỹ hoảng loạn trước nguy cơ khủng bố

13:11, 08/08/2013
|

(VnMedia) - Những ngày này, người ta chứng kiến nước Mỹ - siêu cường hùng mạnh nhất thế giới, phải đóng cửa hàng loạt đại sứ quán và lãnh sự quán trên khắp thế giới vì lo ngại các cuộc tấn công khủng bố dù không rõ mối đe dọa đó có thành hiện thực hay không. Vì sao Mỹ lại rơi vào cơn hoảng loạn này và liệu có phải Mỹ đang phản ứng thái quá với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố?
 

Ảnh minh họa


Nước Mỹ lại đang sống trong nỗi ám ảnh về chủ nghĩa khủng bố.


Ban đầu, Mỹ chỉ dự định đóng cửa 22 đại sứ quán và lãnh sự quán của mình ở nước ngoài trong vòng một ngày – 4/8. Tuy nhiên, nước này đã quyết định kéo dài lệnh đóng cửa trên đến tận ngày 10/8 với số lượng cơ quan ngoại giao phải đóng cửa giảm đi. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi cảnh báo về hoạt động đi lại đối với các công dân Mỹ. Đây là những biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á.

 

Sự kiện đóng cửa hàng loạt cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài diễn ra sau khi giới tình báo Mỹ thu thập được thông tin về số lượng những cuộc tiếp xúc, liên lạc bất thường giữa các chiến binh khủng bố của tổ chức Al-Qaeda. Diễn biến này làm dấy lên nỗi lo sợ về khả năng xảy ra một chiến dịch tấn công khủng bố vào người Mỹ hoặc các lợi ích của nước Mỹ ở nơi nào đó trên thế giới trong những tuần sắp tới.

 

Xuất hiện trên chương trình Late Night (tạm dịch là Tối muộn) của đài truyền hình NBC với người dẫn chương trình Jay Leno tối hôm thứ Ba (6/8), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, quyết định đóng cửa tạm thời một loạt cơ quan ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới không phải là một phản ứng thái quá. "Điều tôi nghĩ đến đầu tiên khi thức dậy vào buổi sáng và điều tôi nghĩ đến cuối cùng trước khi đi ngủ là làm sao đảm bảo chắc chắn rằng, tôi đã làm tất cả mọi việc có thể để bảo vệ an toàn cho người dân Mỹ”.

 

Trong khi đó, ông Wayne White – cựu Phó Giám đốc Văn phòng Tình báo Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết, những mối nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố mà giới chứcMỹ đang nói đến chắc chắn phải “đáng tin cậy” bởi các đồng minh của Mỹ như Anh và Pháp đều cũng đã ra lệnh áp dụng một số biện pháp đề phòng.

 

Phản ứng của các chính phủ khác cho thấy, các nước hầu hết đều lo ngại về một cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra nhằm vào văn phòng ngoại giao của các cường quốc phương Tây ở Yemen , ông White cho hay.

 

Theo lời chuyên gia tình báo While, việc Washington cho sơ tán nhân viên ngoại giao ra khỏi Yemen, kêu gọi người Mỹ rời khỏi nước này và tăng các cuộc tấn công của máy bay không người lái ở đó đã cho thấy giới tình báo đang thu thập được nhiều thông tin nhạy cảm hơn ở Yemen , coi đây là điểm tập trung theo dõi và cảnh giác.

 

Chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Yemen dưới tên gọi Bán đảo Ả-rập (AQAP) hiện đang trở thành lực lượng nguy hiểm nhất của mạng lưới khủng bố khét tiếng thế giới. AQAP trong những năm gần đây cho thấy lực lượng này có khả năng phát động những chiến dịch tấn công khủng bố quy mô lớn ở Yemen . Bằng chứng là AQAP từng thực hiện một cuộc xâm nhập chết người vào quân đội Yemen và chiếm đóng một phần lãnh thổ phía nam nước này trong một giai đoạn dài.

 

Việc đóng cửa quá nhiều đại sứ quán Mỹ cùng lúc thời gian vừa rồi cho thấy, thông tin ban đầu mà tình báo thu thập được không cung cấp được mục tiêu chính xác mà lực lượng khủng bố đang nhắm tới.

 

Hiệu quả của những biện pháp đối phó trên là khác nhau. Trong một số trường hợp, các cuộc tấn công không được tiến hành. Trường hợp khác, các chính phủ đã ngăn chặn được kế hoạch tấn công khủng bố ngày khi chúng còn đang ở trong giai đoạn “trứng nước”. Trong trường hợp này, việc Mỹ thay đổi số lượng cơ quan ngoại giao phải đóng cửa và hướng trọng tâm vào Yemen cho thấy, các thông tin tình báo đã được thanh lọc.

 

Một lợi thế của Mỹ là bộ máy trung tâm cốt lõi của Al-Qaeda đã chịu tổn thất nặng nề đến mức nó phải dựa vào các chi nhánh ở xa như AQAP hay Maghreb để thực hiện các chiến dịch. Tình thế này buộc thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri phải liên lạc với các chi nhánh chịu gánh nặng về việc thực hiện chiến dịch theo những cách thức mà các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây có thể dễ dàng phát hiện ra hơn, chuyên gia White nhận định.

 

Công ty tình báo tư nhân Stratfor cho rằng, trong khi mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố vẫn còn thì nhiều lời cảnh báo được đưa ra chỉ là để đe dọa chứ không bao giờ được thực hiện.

 

Tuy nhiên, kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ở Benghazi khiến Đại sứ Mỹ thiệt mạng, Washington không thể không thận trọng. “Phản ứng thái quá là lựa chọn được ưa thích khi Mỹ phải đối mặt với nguy cơ có thể chịu hậu quả vì không chú ý đến những lời cảnh báo. Một điều cũng quan trọng cần phải nhớ là, những lời đe dọa được đưa ra từ những nơi mà bộ máy Al-Qaeda đang hoạt động tích cực như Yemen Libya nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác”, công ty Stratfor thừa nhận. Mỹ rõ ràng không muốn để xảy ra một Benghazi thứ hai.


Kiệt Linh - (theo THX)

Ý kiến bạn đọc