(VnMedia) - Để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt và lấn tới trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Philippines đang ra sức tăng cường sức mạnh hàng hải nước này bằng cách mua sắm vũ khí và trang thiết bị quân sự từ những cường quốc hàng đầu thế giới.
Mỹ giúp Philippines đào tạo lực lượng. |
Philippines hôm 3/8 cho biết, nước này đang mua một chiếc tàu của Hải quân Pháp để bổ sung cho lực lượng của họ ở Biển Đông - nơi đang chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Tàu "La Tapageuse" 26 tuổi có thể là chiếc tàu đầu tiên của Pháp mà Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines tiếp nhận khi họ phải đối đầu với một Trung Quốc ngày càng mạnh.
Chiếc tàu tuần tra dài 54,8 mét có giá 6 triệu euro (7,97 triệu USD) này sẽ được chuyển giao cho phía Philippines vào tháng 4 năm tới, thông báo của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết.
Con tàu của Pháp được trang bị hai khẩu đại bác và hai súng máy. Philippines đã tiến hành kiểm định con tàu trước khi quyết định mua lại nó. Tàu La Tapageuse được đánh giá là có thể hoạt động tốt trong vòng 20 năm tới, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết.
Theo Chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines – Chuẩn Đô đốc Rodolfo Isorena, “tàu của Pháp là một con tàu đa chức năng và nó sẽ đóng góp rất nhiều cho hạm đội của chúng tôi, đặc biệt trong các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ”.
Ngoài tàu La Tapageuse, Philippines cũng đang “hoàn tất” với chính phủ Pháp hợp đồng mua 4 con tàu dài 24m mới tinh và một con tàu đa năng dài 82m, ông Isorena cho biết.
Những con tàu trên sẽ được bàn giao cho Philippines trong quý đầu của năm 2015, thông báo của Philippines cho hay nhưng không cho biết cụ thể giá trị của hợp đồng.
Ông Isorena cũng cho biết thêm, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines còn được củng cố sức mạnh bằng việc đón nhận thêm 10 tàu tuần tra đa chức năng hiện đại theo một chương trình viện trợ của Nhật Bản.
Philippines nhận tàu chiến lớp Hamilton thứ hai từ Mỹ
Chiếc tàu chiến lớp Hamilton thứ hai của Hải quân Philippines từ Mỹ đã đến khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của Philippines sáng sớm ngày hôm qua (2/8). Theo dự kiến, con tàu này sẽ cập cảng ở căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở tỉnh phía bắc Zambales trong ngày hôm nay (3/8), một quan chức cấp cao của chính phủ Philippines cho biết.
Phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines – bà Abigail Valte cho biết, Tổng thống Benigno S. Aquino III sẽ trực tiếp chủ trì buổi lễ đón chính thức chiếc tàu chiến mới thứ hai mang tên BRP Alcaraz vào thứ Ba tới (6/8).
Con tàu trên đã thực hiện chuyến hải trình kéo dài gần một tháng từ San Diego, California, đến Philippines với chặng dừng chân ở Hawaii và Guam, bà Valte cho hay.
Việc Philippines mua chiếc tàu chiến thứ hai từ Mỹ là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa của Lực lượng Vũ trang nước này.
Chiếc tàu chiến thứ hai được đặt tên theo tên của ông Ramon Alcaraz – một thành viên của Hải quân Philippines từng chiến đấu bên cạnh lực lượng Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Trước đó, Philippines cũng đã mua chiếc tàu chiến lớp Hamilton đầu tiên - BRP Gregorio del Pilar từ Mỹ hồi tháng 5 năm 2011.
Philippines sắm hai chiếc tàu chiến lớp Hamilton với mục đích là để giúp Hải quân nước này thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông.
Sở dĩ Philippines cấp tập, hối hả nâng cấp sức mạnh cho Hải quân và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này là vì họ đang có cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông. Cuộc đối đầu này được châm ngòi từ sự kiện tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám Trung Quốc có cuộc va chạm ở khu vực bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông hồi tháng 4 năm ngoái.
Sau vụ va chạm trên, hai nước Philippines và Trung Quốc rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trong suốt thời gian hơn một năm qua, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực sau cuộc đối đầu căng thẳng nói trên.
Điều đáng nói là, Trung Quốc hiện giờ đang kiểm soát bãi cạn Scarborough, khiến ngư dân Philippines lao đao, khốn khổ vì mất đi ngư trường đánh cá truyền thống. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Hiện tại, Philippines cũng đang lên tiếng tố cáo về việc Trung Quốc đưa tàu hải quân của nước này hiện diện gần bãi cạn Second Thomas. Bãi cạn này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện đang nằm trong sự kiểm soát của Philippines.
Hồi tháng 1, Philippines đã quyết định đưa các cuộc tranh chấp giữa họ với nước láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Manila tuyên bố muốn thức thách thức tính pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đưa ra. Theo yêu sách phi lý đó, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, mở rộng đến tận những khu vực nằm sát bờ biển của các nước láng giềng. Đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và vì thế nó vấp phải sự phản đối dữ dội của các học giả, các chuyên gia trên toàn thế giới.
Quân đội Philippines là một trong những lực lượng yếu nhất khu vực. Vì thế, nước này cần phải củng cố sức mạnh quân sự của mình bằng cách tăng cường mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự đồng thời đẩy mạnh hoạt động huấn luyện, đào tạo lực lượng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc