Nóng rực cuộc đua vũ trang ở Châu Á

19:32, 10/08/2013
|

(VnMedia) - Tham vọng trên biển cùng những chiến lược, hành động đầy quyết liệt của Trung Quốc nhằm đạt được tham vọng của nước này đã châm ngòi cho một cuộc đua vũ trang ở Châu Á. Tuần này, người ta chứng kiến cuộc đua này mỗi lúc một nóng lên khi các nước láng giềng của Trung Quốc thi nhau mua sắm và trình làng vũ khí mới với tuyên bố là nhằm để phòng vệ.

 

Ảnh minh họa


Sự kiện Nhật Bản trình làng tàu chiến Izumo đã gây xôn xao dư luận những ngày qua.


Philippines cấp tập mua sắm vũ khí

 

Vốn là nước sở hữu một trong những quân đội yếu nhất khu vực và lại phải đương đầu với một nước láng giềng khổng lồ như Trung Quốc, không khó để nhận thấy Philippines đang là nước tích cực nhất trong cuộc đua mua sắm vũ khí để tăng cường sức mạnh cho lực lượng nước này.

 

Hồi đầu tuần, Manila đã thông báo kế hoạch mua một chiếc tàu của Hải quân Pháp để bổ sung cho lực lượng của họ ở Biển Đông. Đây là chiếc tàu đầu tiên mà Philippines mua của Pháp – một nước cũng được đánh giá là cường quốc quân sự hàng đầu của thế giới.. Chiếc tàu La Tapageuse sẽ được đưa vào làm nhiệm vụ tuần tra ở những vùng biển mà Philippines đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc.

 

Chiếc tàu mới dài 54,8 mét có giá 6 triệu euro (7,97 triệu USD) này sẽ được chuyển giao cho phía Philippines vào tháng 4 năm tới. Về mặt trang bị vũ khí, tàu mà Philippines mua của Pháp sẽ có hai khẩu đại bác và hai súng máy. Mặc dù đã 26 tuổi nhưng tàu La Tapageuse được đánh giá là có thể hoạt động tốt trong vòng 20 năm tới.

 

Ngoài tàu La Tapageuse, Philippines cũng đang tích cực hoàn thiện thủ tục để ký với chính phủ Pháp hợp đồng mua 4 con tàu dài 24m mới tinh và một con tàu đa năng dài 82m. Lực lượng của Philippines theo kế hoạch sẽ đón nhận những chiếc tàu mới hiện đại từ Pháp vào quý đầu của năm 2015.

 

Vài ngày sau khi thông báo hợp đồng mua một tàu tuần tra của Pháp , Philippines cũng chính thức tiếp nhận chiếc tàu chiến lớp Hamilton thứ hai từ Mỹ. Hôm 6/8 vừa rồi, Philippines đã tiến hành một buổi lễ long trọng và rầm rộ để đón chiếc tàu chiến lớn thứ hai vào hạm đội của nước này. Đích thân Tổng thống Benigno Aquino đã đến chủ trì buổi lễ chào đón con tàu dài 115m này tại Alava Wharf, gần căn cứ cũ của Hải quân Mỹ. Phát biểu tại buổi lễ, ông Aquino tuyên bố, chiếc tàu chiến mới lớp Hamilton của Hải quân Philippines sẽ giúp cho lực lượng này có đủ năng lực để tăng cường thực hiện các chuyến tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế 370km của nước này.

 

Việc Philippine mua thêm tàu chiến từ Mỹ nằm trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự của nước này. Tàu chiến mới sẽ giúp “xóa đi hình ảnh xưa cũ về một quân đội thiếu thiết bị và gây khó cho binh lính”, Tổng thống Philippines đã tuyên bố đầy tự tin như vậy.

Như vậy, hiện tại, trong hạm đội của Philippines đang có hai tàu chiến của Mỹ. Trước đó, vào năm 2011, Philippines từng đón nhận chiếc tàu lớp Hamilton đầu tiên từ Washington. Với việc nâng cấp và tái trang bị súng máy cũng như các vũ khí hạng nặng khác, tàu mà Philippines mua của Mỹ có trị giá khoảng 15 triệu USD.

 

Ngoài việc mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự từ Philippines , Philippines còn sắp đón nhận thêm 10 tàu tuần tra đa chức năng hiện đại theo một chương trình viện trợ của Nhật Bản.

 

Hồi tháng 5 vừa rồi, Tổng thống Aquino đã thông báo một chương trình nâng cấp cho quân đội Philippines có trị giá lên tới 1,8 tỉ USD. Theo chương trình này, Philippines sẽ mua sắm những vũ khí hạng nặng mới gồm một phi đội hoặc 12 chiến đấu cơ, hai tàu khu trục và một hệ thống radar giám sát bầu trời trước năm 2016.

 

Sở dĩ Philippines cấp tập, hối hả nâng cấp sức mạnh cho Hải quân vàLực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này là vì họ đang có cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông. Với sức mạnh của mình, Trung Quốc đang lấn lướt, gây sức ép với nước láng giềng Philippines nhỏ bé hơn. Điều đó thúc đẩy Philippines phải tăng cường sức mạnh hàng hải với mục tiêu được tuyên bố là nhằm xây dựng “năng lực phòng vệ đáng tin cậy ở mức tối thiểu”.

 

Nhật Bản bất ngờ trình làng tàu chiến “khủng”

 

Cuộc đua vũ trang ở Châu Á tuần này đặc biệt nóng lên bởi sự ra mắt đầy bất ngờ của chiếc tàu chiến khổng lồ của Nhật Bản. Đúng ngày Philippines đón chiếc tàu chiến lớn thứ hai từ Mỹ thì Nhật Bản cũng trình làng chiếc tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu hùng dũng dài đến 250m với trọng tải 19.500 tấn này có thể mang tới 14 chiếc trực thăng.

 

Tàu chiến mới của Nhật Bản được đặt tên là Izumo và được xếp vào loại tàu khu trục trực thăng mặc dù nó chẳng khác gì một chiếc tàu sân bay – thứ vũ khí được ví là bá chủ của đại dương.

 

Giới chức Nhật Bản tuyên bố, tàu Izumo được dùng cho mục đích phòng vệ, đặc biệt trong hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm hay các nhiệm vụ giám sát biên giới biển hoặc phản ứng với các thảm họa thiên nhiên lớn.

 

Sự kiện Nhật Bản trình làng chiếc tàu chiến trị giá 1,2 tỉ USD tại xưởng đóng tàu Yokohama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu chiến Izumo được đánh giá sẽ là “con át chủ bài” của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong thời gian tới.

 

Sự ra đời của chiếc tàu chiến khổng lồ của Nhật đã đốt nóng thêm cuộc đua vũ trang căng thẳng trong khu vực Châu Á. Điều đó được thể hiện qua việc một tờ báo của nhà nước Trung Quốc lên tiếng kêu gọi, để đối phó với tàu của Nhật, Trung Quốc chỉ có thể phát triển những con tàu sân bay thực thụ riêng của mình. Trước đó, một vị tướng của Hải quân Trung Quốc cũng đã tuyên bố, nước này sẽ có hơn một chiếc tàu sân bay sau tàu Liêu Ninh vừa được đưa vào biên chế của Hải quân Trung Quốc cách đây không lâu. Được biết, chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đang được đóng tại một xưởng đóng tàu gần Thượng Hải.

 

Rõ ràng, những động thái quân sự dồn dập, cấp tập của Nhật Bản và Philippines trong thời gian qua đều là vì Trung Quốc và nhằm vào Trung Quốc. Việc Trung Quốc ngày một quyết liệt, hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải đã khiến hai nước Nhật Bản và Philippines không thể ngồi yên. Họ đã tìm cách củng cố năng lực quân sự để có thể sẵn sàng đối phó với nước láng giềng to lớn trong trường hợp cần thiết.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc