Nhật trình làng tàu chiến lớn nhất, Trung Quốc choáng

11:16, 07/08/2013
|

(VnMedia) - Nhật Bản hôm qua (6/8) đã trình làng chiếc tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Con tàu hùng dũng dài đến 250m với trọng tải 19.500 tấn và có thể mang tới 14 chiếc trực thăng này đã khiến Trung Quốc lo ngại.
 

Ảnh minh họa

 Đây là chiếc tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II.


Tàu chiến mới của Nhật Bản được đặt tên là Izumo và được xếp vào loại tàu khu trục trực thăng mặc dù nó được thiết kế chẳng khác gì một chiếc tàu sân bay.
 
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, tàu chiến khổng lồ mới của họ không được sử dụng với mục đích như tàu sân bay và sẽ không được dùng làm nơi cất cánh cho các chiến đấu cơ, đài truyền hình NHK đưa tin.
 
Giới chức Nhật Bản cho hay, tàu Izumo sẽ được dùng cho mục đích phòng vệ, đặc biệt trong hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm hay các nhiệm vụ giám sát biên giới biển. Con tàu mới cũng giúp củng cố năng lực triển khai nhân sự và các nguồn cung cấp trong trường hợp Nhật Bản phải đối phó với các thảm họa thiên nhiên quy mô lớn như động đất, sóng thần khủng khiếp năm 2011.
 
Sự kiện Nhật Bản trình làng chiếc tàu chiến trị giá 1,2 tỉ USD tại xưởng đóng tàu Yokohama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tàu chiến Izumo được đánh giá sẽ là “con át chủ bài” của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản trong thời gian tới.
 
"Tàu khu trục mới ra đời nhằm tăng cường khả năng đối phó với các tình huống khẩn cấp khác nhau ở gần Nhật Bản”, đài truyền hình NHK cho biết.
 
Phản ứng trước việc Nhật Bản trình làng tàu chiến lớn nhất thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II, Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng cảnh báo Tokyo không được có bất kỳ động thái nào nhằm mở rộng năng lực quân sự của nước này, tin từ Thời báo Hoàn cầu cho hay.
 
"Chúng tôi rất lo ngại trước việc Nhật Bản gần đây liên tục tăng cường sức mạnh của các thiết bị quân sự. Các nước láng giềng Châu Á của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế cần cảnh giác trước xu hướng này. Nhật Bản nên rút ra bài học từ quá khứ, tuân thủ nghiêm túc chính sách phòng vệ và thực hiện cam kết theo đuổi con đường phát triển hòa bình của nước này”, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
 
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Quần đảo này được cho là chứa các nguồn khoáng sản lớn và nguồn cá dồi dào đồng thời là nơi gần với các tuyến đường biển quan trọng. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu nổi lên dữ dội sau khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo này từ tay một người chủ sở hữu tư nhân. Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thuyền và cả máy bay chiến đấu vào khu vực tranh chấp để thách thức Nhật Bản. Tokyo đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Bắc Kinh đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây.

Trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc, Nhật Bản đã tỏ rõ thái độ cứng rắn, nhất quyết không chịu khoan nhượng. Đặc biệt, kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền hồi cuối năm ngoái, Nhật Bản đã giữ một lập trường quyết liệt trong cuộc đối đầu với nước láng giềng. Ông Abe đã thực hiện một loạt chính sách nhằm củng cố sức mạnh quân sự cho Nhật Bản để tăng cường khả năng đối phó với Trung Quốc. Ngoài đẩy mạnh việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị quân sự, gia tăng các hoạt động đào tạo, huấn luyện binh lính, Nhật Bản còn tính đến chuyện sửa đổi hiến pháp hòa bình để xây dựng một lực lượng quân đội mạnh. Cùng với đó, chính quyền của ông Abe còn cấp tập thiết lập, củng cố quan hệ liên minh với các nước có chung mối quan ngại với Trung Quốc. Tất cả những bước đi này của Tokyo đã khiến Bắc Kinh "đứng ngồi không yên".

Dưới đây là một vài hình ảnh về chiếc tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản:

 Ảnh minh họa

 Tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II đã được trình làng trong sự theo dõi đầy lo ngại của nước láng giềng Trung Quốc.

 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa
 
 Ảnh minh họa

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc