Nga khiến Mỹ mất mặt, quan hệ hai bên về đâu?

13:11, 03/08/2013
|

(VnMedia) - Việc Nga quyết định cấp quy chế tị nạn tạm thời cho “kẻ phản bội nước Mỹ” đã giáng thêm một đòn mạnh vào quan hệ vốn đã sứt mẻ, bầm dập giữa Moscow Washington . Tuy nhiên, cả hai siêu cường đều nhận thức được rằng, họ vẫn có lợi ích trong việc ngăn chặn quan hệ hai bên rơi vào một cuộc khủng hoảng kiểu thời Chiến tranh Lạnh, giới phân tích đã nhận định như vậy.

 

Ảnh minh họa

 Vụ Snowden đang khiến quan hệ Nga-Mỹ lao đao.


Mỹ sục sôi tức giận

 

Edward Snowden – cựu nhân viên CIA bị Mỹ gọi là “kẻ phản bội” vì đã tiết lộ thông tin mật của đất nước, hôm 1/8 đã nhận được quy chế tị nạn tạm thời ở Nga và đã có thể rời khỏi khu vực sân bay ở Moscow sau hơn một tháng trời bám trụ ở đây. Thông tin này đã châm ngòi cho một làn sóng tức giận trào lên trong giới quan chức Mỹ.

.

Nhà Trắng ngay lập tức bày tỏ “sự thất vọng cực kỳ” đối với hành động cấp quy chế tị nạn tạm thời cho “kẻ phản bội nước Mỹ”. Để trả đũa cho quyết định của Moscow , Washington tuyên bố sẽ xem xét lại kế hoạch họp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ trong tháng 9 tới.

 

Phản ứng từ Quốc hội Mỹ đối với quyết định của Nga thậm chí còn dữ dội hơn rất nhiều. Một loạt nghị sĩ then chốt đến từ cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lên tiếng kêu gọi xem xét lại mối quan hệ giữa hai cường quốc.

 

“Nga đã đâm sau lưng chúng tôi. Mỗi ngày Snowden được nhởn nhơ ngoài kia là một lần cú đâm đó lại xoáy sâu hơn”, Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer đã chỉ trích gay gắt như vậy.

 

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain nổi giận gọi động thái mới nhất của Nga là “một sự xúc phạm, một nỗ lực có chủ ý nhằm làm Mỹ mất mặt”. Trong tuyên bố của mình, ông McCain kêu gọi, Mỹ nên tăng cường ủng hộ nhân quyền và tự do dân sự ở Nga, đẩy mạnh phát triển hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Âu và thúc đẩy việc thực hiện mở rộng Tổ chức Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm cả Gruzia – nước láng giềng sát cạnh Nga.

 

"Bây giờ là lúc chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ mối quan hệ với nước Nga của ông Putin”, Thượng nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ nói thêm.

 

Rõ ràng, giới chức Mỹ không thể sục sôi tức giận khi bất chấp những lời thuyết phục, kêu gọi và kể cả dọa dẫm, Washington vẫn không thể làm Moscow thay đổi quyết định trong vấn đề liên quan đến Snowden. Nhà Trắng muốn Nga không cấp quy chế tị nạn cho Snowden mà đưa anh này trở về Mỹ để đối mặt với một phiên tòa xét xử tội làm gián điệp và ăn cắp thông tin mật. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin lại làm điều ngược lại, từ chối dẫn độ Snowden về Mỹ và cấp quy chế tị nạn tạm thời cho anh này.

 

Động thái của Nga đã bồi thêm một cú giáng vào quan hệ vốn không được êm đẹp giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới. Điện Kremlin ngày càng trở nên đối đầu với Nhà Trắng kể từ cuối năm 2011 – thời điểm chứng kiến những cuộc biểu tình lớn nhất ở Nga nhằm chống lại Tổng thống Putin. Moscow cáo buộc Mỹ đã kích động các cuộc biểu tình ở nước họ. Quan hệ Nga-Mỹ còn bị lung lay bởi vấn đề nhân quyền, lá chắn tên lửa và cuộc chiến ở Syria .

 

Liệu quan hệ Nga-Mỹ có sụp đổ vì vụ Snowden?

 

Nhà Trắng đang cân nhắc các hành động trả đũa Nga nhưng Mỹ được cho là có rất ít sự lựa chọn.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry sẽ có các cuộc gặp gỡ với những người đồng cấp Nga trong đầu tháng này. Giới chức Mỹ đang cân nhắc hoãn cuộc gặp này.

 

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ không muốn cuộc gặp trên bị hủy bỏ bởi Mỹ muốn giải quyết “một loạt vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia với phía Nga”, trong đó có vấn đề Afghanistan.

 

Một lựa chọn khác dành cho Mỹ là giảm việc sử dụng các tuyến đường vận chuyển từ Afghanistan qua Nga của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, động thái đó không thể gây được một áp lực đủ lớn đối với Nga. Không những thế, Mỹ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Pakistan – một đồng minh khó đoán định của Mỹ.

 

"Việc hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin sẽ là bằng chứng về hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ hai nước”, nhà phân tích Maria Lipman thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow , nhận định.

 

Tuy nhiên, “sẽ là sai lầm nếu nói quan hệ Nga-Mỹ sụp đổ” vì vụ Snowden. Các nhà phân tích tin rằng, cả Nga và Mỹ đều không muốn mối quan hệ của họ bị đổ vỡ vì cả hai bên đều cần nhau và đều có lợi ích trong việc duy trì sự hợp tác.

 

Washington cần Moscow để giải quyết một loạt vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran , nội chiến Syria và vấn đề cắt giảm vũ khí.

 

Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng từng khẳng định, “quan hệ Nga-Mỹ quan trọng hơn rất nhiều so với những lùm xùm liên quan đến Snowden”.

 

Điện Kremlin nhiều lần nhấn mạnh, họ không mời Snowden đến Nga và việc anh này đến sân bay Sheremetyevo ở thủ đô Moscow từ Hong Kong hôm 23/6 là hoàn toàn bất ngờ. “Nga không cần vấn đề Snowden nhưng nó cứ xảy ra”, ông Valery Garbuzov thuộc Viện Mỹ- Canada Moscow cho hay.

 

Trong một dấu hiệu cho thấy quan hệ Nga-Mỹ không bị ngắt quãng, Đại sứ Mỹ tại thủ đô Moscow – ông Michael McFaul hôm qua (2/8) đã có cuộc gặp với cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin - Yury Ushakov để bàn về những vấn đề liên quan đến Snowden cũng như Syria và kế hoạch lá chắn tên lửa, Đại sứ quan Mỹ cho biết.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc