Liệu "gọng kìm" Ấn Độ có khoá được Trung Quốc?

13:26, 13/08/2013
|

(VnMedia) - Hải quân Ấn Độ đã có một tuần sôi động. Lò phản ứng trong chiếc tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên của Ấn Độ - Arihant đã chính thức đi vào giai đoạn hoạt động ổn định hôm thứ Bảy (10/8). Tiếp đó, ngày hôm qua (12/8), Ấn Độ trình làng chiếc tàu sân bay tự chế đầu tiên – Vikrant. Các hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Hải quân Ấn Độ đang cấp tập triển khai kế hoạch hiện đại hoá và mở rộng hạm đội nhằm gây áp lực đối với Tuyến đường Vận tải trên biển của Trung Quốc (SLOCs) sau khi xảy ra một số cuộc tranh chấp, đụng độ giữa hai nước. 
 

 Ảnh minh họa

 Tàu sân bay tự chế đầu tiên mang tên Vikrant của Ấn Độ đã chính thức ra mắt ngày hôm qua. Tàu sân bay vốn được mệnh danh là bá chủ của đại dương. Vì thế, sự hiện diện của tàu Vikrant trong Hải quân Ấn Độ đã tạo thêm uy thế và sức mạnh cho lực lượng này.


Theo tạp chí Economist cho biết cách đây vài tháng, “lợi thế về sức mạnh hải quân của Ấn Độ có thể cho phép nước này chặn các chuyến hàng cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc thông qua Eo biển Malacca". Trong một bài báo khác trên tờ Tạp chí Nghiên cứu Chiến lược, nhà phân tích David Scott đã nhận định: "Trong trường hợp ở Eo biển Malacca, Ấn Độ có khả năng phong toả con đường tiếp cận dễ dàng của Trung Quốc vào Ấn Độ Dương. Đây là điều mà Trung Quốc thường gọi là Tình thế Tiến thoái Lưỡng nan ở Malacca".
 
Trong khi đó, ông Ajai Shukla – một phóng viên nổi tiếng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cho hay, “giới phân tích tin rằng, Hải quân Ấn Độ có thể đóng cửa các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương bất cứ khi nào họ thích” đồng thời trích dẫn câu nói của một chỉ huy hạm đội đã nghỉ hưu cho biết, “chỉ cần một vài chiếc tàu ngầm và một phi đội chiến đấu cơ ở Car Nicobar của Ấn Độ cũng có thể dễ dàng thực thi một lệnh phong toả ở khu vực”. Bản thân học thuyết hải quân đầu tiên của Ấn Độ được đưa ra năm 2004 cũng khẳng định, “việc nước này có được sự kiểm soát ở những hiểm lộ biển có thể giúp họ có được lợi thế trong cuộc đua toàn cầu”.
 
Hiểm lộ biển (choke point) là những điểm xung yếu nhất trên các Tuyến đường Vận tải trên biển (SLOCs). Đó thường là những eo tự nhiên nối liền các vùng biển, nơi các SLOC đi qua và hiểm trở đối với tàu qua lại vì tại những điểm này, các con tàu dễ bị tấn công, đánh đắm và khống chế nhất.
 
Dựa vào những đánh giá, phân tích ở trên, ông Raja Menon – một Chuẩn Đô đốc đã nghỉ hưu và cũng là một người cổ suý mạnh mẽ cho việc đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc biển trong các cuộc thảo luận về chiến lược, đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Ấn Độ về việc đã đầu tư nhiều cho hoạt động thiết lập một quân đoàn tấn công mới ở khu vực biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Theo ông Menon, New Delhi dường như đã không đánh giá được điểm yếu, điểm mạnh của Trung Quốc. Sức mạnh của Trung Quốc là mạng lưới hậu cần lớn mà họ đã thiết lập được ở Tây Tạng. Bằng cách tạo dựng một quân đoàn tấn công trụ cột ở biên giới đất liền, Ấn Độ lại đánh trúng vào thế mạnh của Trung Quốc.
 
Điểm yếu của Trung Quốc nằm ở Ấn Độ Dương, một thực tế mà thậm chí ngay cả Bắc Kinh cũng phải thừa nhận. Cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống chính trị và sự thịnh vượng về kinh tế đòi hỏi phải có nguồn lực, và Trung Quốc đang ngày càng dựa vào nguồn lực từ Châu Phi. Nguồn lực từ Châu Phi cung cấp cho Trung Quốc phải đi qua một loạt các tuyến đường biển SLOC ở Ấn Độ Dương. Hiện giờ, đó chỉ đơn thuần là những tuyến đường vận tải biển nhưng trong tương lai chúng sẽ chính là những tĩnh mạch của Trung Quốc. Như vậy, việc Bắc Kinh luôn có nỗi quan ngại mơ hồ ở Ấn Độ Dương là điều dễ hiểu nhưng mối đe doạ ở đây, theo các nhà chiến lược Trung Quốc, lại xuất phát chủ yếu từ phía Mỹ.
 
Việc New Delhi đổ tới khoảng 10 tỉ USD để củng cố năng lực cho Hải quân Ấn Độ ở các SLOC sẽ giúp tạo cho nước này một vòng vây, một chiếc “thòng lọng” xung quanh các tuyến đường của Trung Quốc thông qua Ấn Độ Dương. Như vậy, toàn bộ khu vực biên giới Himalayan có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Điều này có nghĩa là New Delhi có thể gây sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp biên giới trên đất liền thông qua sức mạnh trên biển.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản bác lại những luận điểm nói trên. Theo những ý kiến này, việc phong toả trên biển là một chiến dịch phức tạp. Thời gian để một chiến dịch như vậy thành công đến mức mà Trung Quốc cảm nhận được an ninh nguồn lực của họ bị đe doạ sẽ lâu hơn rất nhiều so với một chiến dịch giới hạn trên đất liền đủ để trừng phạt hay làm thay đổi Đường Kiểm soát Thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới. Chưa hết, nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược ngày càng lớn của Trung Quốc nhằm đề phòng trường hợp có những gián đoạn trên thị trường cũng sẽ là một “vũ khí” đáng kể đến của Trung Quốc trong kịch bản này.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang theo đuổi việc tìm kiếm những con đường vận tải Âu Á mới với mối liên hệ về năng lượng với Nga và qua vùng Trung Á tăng lên. Với chiến lược này, Bắc Kinh sẽ giảm dần sự phụ thuộc và SLOCs ở Ấn Độ Dương. Như vậy, New Delhi có thể sẽ gặp khó khăn trong việc khai thác vào điểm yếu này của Trung Quốc.


Kiệt Linh - (theo Diplomat)

Ý kiến bạn đọc