Biển Đông: Trung Quốc hung hăng, Mỹ càng "chọc tức"

07:05, 01/08/2013
|

(VnMedia) - Biển Đông là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp quyết liệt chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Tuy nhiên, với sự can sự của Mỹ, khu vực biển chiến lược này còn trở thành “đấu trường” để hai cường quốc hàng đầu thế giới “đọ sức”. Trong thời gian qua, người ta thấy, khi Trung Quốc càng hung hăng, quyết liệt trong tranh chấp ở Biển Đông thì Mỹ càng có nhiều động thái hậu thuẫn các cho các nước đối đầu với Trung Quốc. Những hành động chọc tức của Washington khiến Bắc Kinh “đứng ngồi không yên”.

 

Ảnh minh họa

 Trung Quốc càng hung hăng ở Biển Đông thì càng rơi vào thế bất lợi.


Từ những lời răn đe...

 

Chỉ trong khoảng vài tuần trở lại đây, hàng loạt quan chức ở cấp cao nhất của Mỹ đã không ngần ngại công khai đưa ra những lời cảnh báo, răn đe đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông cũng như những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước láng giềng.

 

Sau khi Tổng thống Tổng thống Barack Obama trực tiếp cảnh báo Trung Quốc không được dùng vũ lực trong các cuộc tranh chấp hàng hải thì tiếp đến, “phó tướng” của ông – Phó Tổng thống Joe Biden cũng lên tiếng hồi tuần trước.

 

Đề cập đến tranh chấp Biển Đông trước khi thực hiện chuyến công du đến Châu Á, Phó Tổng thống Biden cho biết: “Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực đầy triển vọng nhưng cũng chứa đựng những nguy cơ chính trị và sự bất ổn thực sự. Nhiều quốc gia đang trải qua quá trình cải cách kinh tế giúp họ tạo ra động lực mới. Tham vọng tăng lên đồng nghĩa với căng thẳng gia tăng. Việc các nước hiểu và nắm rõ hành vi nào có thể được cộng đồng quốc tế chấp nhận là điều vô cùng quan trọng. Điều đó có nghĩa là không có sự dọa dẫm, ép buộc và gây hấn. Tất cả các bên có liên quan đều cần phải cam kết giảm nguy cơ mắc sai sót và có những tính toán sai lầm”.

 

Theo Phó Tổng thống Mỹ, tự do hàng hải, tự do thương mại, tôn trọng luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như giải quyết các cuộc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là lợi ích của tất cả mọi người. “Đó là lý do tại sao tôi khuyến khích Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đưa ra những quy định, luật lệ rõ ràng là bước đầu tiên để quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp đó. Và Mỹ có lợi ích rất lớn trong việc chứng kiến điều đó diễn ra”, ông Biden cho hay.

 

Sau Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ, đến lượt Tướng hàng đầu của Mỹ cũng đưa ra lời cảnh báo về thái độ, lập trường hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp. Ông Herbert Carlisle – vị tướng chịu trách nhiệm giám sát Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho rằng, thái độ đó không chỉ có nguy cơ dẫn đến “những tính toán sai lầm” mà còn giúp Washington củng cố quan hệ với các nước khác trong khu vực.

 

Trong một diễn biến mới nhất, ngày hôm qua (31/7), Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết lên án việc dùng vũ lực, ép buộc và đe dọa ở Biển Đông.

.... đến những hành động cụ thể

 

Không chỉ dừng lại ở lời nói, trong những tuần gần đây, Mỹ còn liên tiếp có những hành động thể hiện sự can thiệp sâu hơn và trực tiếp vào Biển Đông, khiến Trung Quốc thực sự lo ngại và tức giận.

 

Hiện tại, Mỹ đã “tung” một loạt “sát thủ săn tàu ngầm” của Hải quân vào Biển Đông để thực hiện các chuyến tuần tra hàng hải, giám sát những hoạt động của Trung Quốc ở đây. Philippines đã lên tiếng xác nhận thông tin này.

 

Trước đó, hồi năm ngoái, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đề xuất Mỹ triển khai những chiếc máy bay do thám P3C Orion được ví là sát thủ săn tàu ngầm ở vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông bởi Philippines thiếu năng lực để giám sát các hoạt động ở khu vực này. Hiện giờ, Mỹ đã đáp ứng lời đề nghị của Manila .

 

Ngoài giúp Philippines giám sát nhất cử nhất động của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ còn tăng viện trợ quân sự hàng năm cho quốc gia Đông Nam Á này từ 30 triệu USD lên khoảng 50 triệu USD và chuẩn bị bàn giao tàu chiến lớp Hamilton thứ hai cho Manila để nước này củng cố năng lực đối phó với Trung Quốc.

 

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho biết, mức tăng viện trợ quân sự trên là mức lớn nhất mà Mỹ cung cấp cho họ kể từ khi quân Mỹ quay trở lại Philippines cách đây 13 năm. Kể từ năm 2002 đến giờ, Mỹ đã cung cấp cho đồng minh Châu Á tổng viện trợ quân sự lên tới 312 triệu USD. Hoạt động này đặc biệt được tăng cường khi Philippines rơi vào cuộc tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc từ hồi đầu năm ngoái.

 

Cùng với việc can dự sâu hơn và hỗ trợ tích cực hơn cho đồng minh Philippines trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ đồng thời cũng tích cực đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược hướng trọng tâm vào Châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện lớn hơn về mặt quân sự ở đây và dần khép chặt vòng vây xung quanh Trung Quốc.

 

Mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có chuyến công du đến Châu Á với các chặng dừng chân ở Ấn Độ, Singapore . Trong chuyến đi này, ông Biden đã không ít lần đề cập đến vấn đề Biển Đông. Ngay trước chuyến thăm của ông Biden, Singapore và Mỹ cũng vừa hoàn thành một cuộc tập trận hải quân chung, trong đó lực lượng Singapore đã lần đầu tiên bắn một tên lửa Harpoon từ một máy bay vào một mục tiêu là con tàu nhỏ trên Biển Đông.

 

Rõ ràng, Mỹ là cường quốc tham gia tích cực nhất vào các tranh chấp ở Biển Đông. Nước này tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải và giao thương ở các tuyến đường biển sôi động hàng đầu thế giới trên Biển Đông.

 

Những hành động trên của Mỹ đã chọc tức Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc càng tức giận, càng hung hăng trong tranh chấp thì Mỹ lại được hưởng lợi nhiều thêm. Chính một tướng Mỹ từng thừa nhận, cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông đã khiến các nước tiến lại gần Mỹ hơn.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc