(VnMedia) - Nhật Bản hôm qua (26/8) đã buộc phải ra lệnh cho các máy bay chiến đấu thiện chiến của nước này đi chặn đầu một chiếc máy bay quân sự của chính phủ Trung Quốc khi nó đang trên đường bay tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Thông tin này đã được xác nhận bởi Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một chiếc máy bay Y-12 của Trung Quốc đã bay lượn ở khu vực cách không phận trên quần đảo Senkaku đang nằm trong sự quản lý của Tokyo khoảng 100km. Đây là quần đảo mà Bắc Kinh cũng đang đòi chủ quyền và đang tìm cách giành quyền kiểm soát từ tay chính phủ Nhật Bản.
Ngay sau khi phát hiện ra chiếc máy bay quân sự của chính phủ Trung Quốc đang bay theo hướng đông nam từ phía bắc biển Hoa Đông, Nhật Bản đã nhanh chóng ra lệnh cho các phi cơ chiến đấu của mình cất cánh khẩn cấp để đi chặn máy bay Trung Quốc.
Khi ở khoảng cách 100km so với không phận Nhật Bản, chiếc máy bay Y-12 của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã quay đầu, hướng về phía bắc và bay trở lại đại lục Trung Quốc. Máy bay Y-12 đã không xâm nhập vào không phận vùng biển tranh chấp sau khi những chiếc chiến đấu cơ của Nhật Bản cất cánh trên bầu trời, các quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết nhưng từ chối không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo về việc máy bay quân sự Trung Quốc tìm cách tiếp cận không phận của họ kể từ hồi tháng 2 đến giờ.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản thường xuyên được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực lãnh hải và không phận xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Hồi tháng 12 năm ngoái, một chiếc máy bay tương tự của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cũng từng xâm phạm không phận ở khu vực quần đảo tranh chấp, khiến Nhật Bản phải phái máy bay chiến đấu F-15 đi đối phó. Đây cũng chính là vụ xâm nhập đầu tiên của máy bay Trung Quốc vào không phận Nhật Bản, chính phủ Nhật Bản cho biết trong thời điểm đó.
Vụ việc ngày hôm qua diễn ra sau khi 4 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc hướng về vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho hay.
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp quyết liệt một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo này nhưng Trung Quốc đang tìm cách phá vỡ thế nguyên trạng ở đây. Dãy đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông đang nằm trong tranh chấp này được cho là chứa đựng nguồn cá dồi dào và trữ lượng dầu khí lớn.
Quan hệ giữa nền kinh tế lới thứ hai và thứ ba thế giới đang xấu đi nghiêm trọng kể từ khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái từ tay một người chủ sở hữu tư nhân. Kể từ đó, tàu thuyền và sau đó là máy bay Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng lãnh hải và không phận xung quanh quần đảo tranh chấp, quấy nhiễu tàu thuyền Nhật Bản, gây ra nhiều cuộc đối đầu nguy hiểm.
Tokyo quyết liệt đối đầu với Bắc Kinh
Trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông, Nhật Bản đã quyết liệt đối đầu với Trung Quốc, nhất quyết không chịu nhượng bộ dù chỉ một bước. Sự cứng rắn của cả hai nước đã khiến cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông trở nên nóng bỏng nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột nhất trong khu vực.
Trong một động thái thể hiện sự cứng rắn không khoan nhượng của Nhật Bản trước Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng nước này – ông Itsunori onodera hôm qua đã tuyên bố, Nhật Bản có thể là lực lượng tham gia chính nếu có bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra ở Châu Á.
Cuộc khủng hoảng mà Nhật Bản đang đối mặt có thể dẫn tới tình huống mà nước này phải tham gia như một người chơi chính trong một cuộc xung đột. Vì thế, Nhật Bản cần có khả năng phòng vệ tốt để bảo vệ đất nước, Bộ trưởng onodera phát biểu tại một cuộc hội thảo ở thủ đô Tokyo. Để xây dựng năng lực phòng vệ đủ mạnh, Nhật Bản cần phải trang bị thêm thiết bị quân sự, máy bay, các hệ thống phòng thủ cũng như việc bảo vệ hệ thống mạng của mình, ông onodera nói thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tokyo cần phải lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
"Trung Quốc đang ngày càng tiến sâu hơn vào các vùng biển. Khi chưa sở hữu năng lực mạnh về quân sự, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế và đối thoại, gạt các tranh chấp lãnh thổ sang một bên. Nhưng khi nhìn thấy cơ hội, Trung Quốc thẳng thừng tiến lên. Đây là điều đang xảy ra và chúng ta nên rút ra bài học từ chuyện này”, Bộ trưởng onodera cho biết.
Ông onodera đang chuẩn bị tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng bắt đầu khai mạc vào ngày mai (28/8) ở thủ đô Brunei. Cuộc họp này sẽ thu hút sự tham gia của các Bộ trưởng Quốc phòng từ 10 nước thành viên ASEAN cùng 8 nước khác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Bộ trưởng onodera cho biết, ông sẽ “giải thích lại lập trường của Nhật Bản với các đối tác Châu Á” và rằng động cơ của Tokyo hoàn toàn là vì mục tiêu phòng thủ.
Thủ tướng Shinzo Abe trong năm nay đã tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, Nhật Bản làm điều này. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc