(VnMedia) - Giới lãnh đạo Trung Quốc đang gây sóng gió ở Thái Bình Dương khi tìm cách tăng cường sức mạnh hàng hải và vươn ra bên ngoài trong khi Nhật và Philippines cũng củng cố hạm đội riêng của mình. Tất cả diễn biến này tạo ra nguy cơ về một cuộc xung đột hàng hải, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (South China Morning Post) của Hồng Kông, Trung Quốc, dẫn lời các nhà phân tích hôm qua (9/8) cho biết.
|
5 tàu chiến của Trung Quốc đã lần đầu tiên thực hiện một chuyến đi vòng quanh Nhật Bản một cách đầy thách thức hồi tuần trước. Đây rõ ràng là một động thái phô trương sức mạnh nhằm phát đi thông điệp răn đe đối với nước láng giềng Nhật Bản. Cùng với đó, tàu thuyền Trung Quốc cũng thường xuyên tiến hành các chuyến tuần tra ở những khu vực lãnh hải mà Trung Quốc đang tranh chấp với một loạt nước láng giềng khác.
Trong thời gian vừa rồi, Trung Quốc cũng khiến người ta chú ý khi chính thức đưa chiếc tàu sân bay đầu tiên vào biên chế của Lực lượng Hải quân. Giới tướng lĩnh hải quân nước này còn tuyên bố sẽ chế tạo thêm nhiều tàu sân bay – những con tàu được ví là bá chủ của đại dương bởi sức mạnh siêu việt của chúng.
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng dùng năng lực quân sự mới làm đòn bẩy để đạt được những mục tiêu chiến lược về mặt chính trị”, ông Rick Fisher – một chuyên gia về quân sự của Châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế của Mỹ, đã nhận định như vậy.
Tham vọng cường quốc biển
Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không ngần ngại khẳng định một lần nữa mục tiêu của nước ông là trở thành một cường quốc biển. Trong khi đó, Washington tiếp tục tăng cường thúc đẩy thực hiện chiến lược “hướng trọng tâm” vào Châu Á bằng việc duy trì các căn cứ quân sự khắp khu vực và củng cố quan hệ liên minh bền chặt với một loạt nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và cả Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Bắc Kinh nhấn mạnh, nước này không thích thú với việc tìm kiếm vị trí “bá chủ” và những dự định của họ đều vì hòa bình. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, nguy cơ xung đột trong khu vực đang tăng lên. Việc một loạt tàu chiến Trung Quốc nghễu nghện đi qua Eo biển Soya, giữa Nhật Bản và Nga, xuyên đến Eo biển Miyako gần Okinawa, tạo nên một hành trình vòng quanh Nhật Bản sau khi đội tàu này vừa thực hiện một cuộc tập trận hải quân rầm rộ với Nga là một hành động khiêu khích.
Hải trình trên không chỉ là sự thách thức về mặt sức mạnh mà trong bối cảnh hiện nay, nó còn mang tính biểu tượng rõ ràng.
Tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc từng tuyên bố, các lực lượng của nước này đã “phá vỡ” cái mà họ gọi là “dãy đảo đầu tiên” – phần lãnh thổ kéo dài từ địa đầu phía bắc của Nhật Bản đến Philippines, chia đôi đại lục Trung Quốc với Thái Bình Dương.
“Bằng cách đưa tàu thuyền liên tục thực hiện các chuyến tuần tra qua những vị trí nhạy cảm, Trung Quốc muốn thể hiện với các nước láng giềng rằng họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình vượt ra bên ngoài biển của họ. Trung Quốc rõ ràng đang xây dựng một lực lượng hải quân thực sự có khả năng hoạt động ngoài khơi xa”, ông Jonathan Holslag ở Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại Brussels cho biết.
Theo lời ông Fisher, đối với Trung Quốc, “việc được thừa nhận là một siêu cường có thể triển khai lực lượng trên quy mô lớn đến Châu Phi và Châu Mỹ Latin sẽ là một ‘chiến thắng’ rất có ý nghĩa”.
Những cơn “sóng dữ”
Trung Quốc đã ít nhiều thành công trong các bước đi lấn tới trong tranh chấp biển. Bắc Kinh trên thực tế đang giành được quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, nằm cách Philippines chỉ khoảng 200km, từ hồi năm ngoái. Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép gần như hàng ngày ở Biển Đông với tham vọng đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng biển này.
Báo chí Trung Quốc những ngày gần đây đã công bố một loạt bức ảnh về những con tàu du lịch của nước này ngang nhiên đậu tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Song song với đó, tàu thuyền Trung Quốc cũng liên tục tuần tra, lượn lờ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông – nơi đang chứng kiến cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
“Hiện giờ, người ta có thể thấy, đang có một cuộc chiến tranh ngầm giữa lực lượng bảo vệ bờ biển mới thành lập của Trung Quốc với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Chúng ta có thể coi đây là một ‘trận đấu xô đẩy nhau’ và chưa có cú đấm nào được tung ra. Tuy nhiên, cuộc chiến là có thực và Trung Quốc đang càng ngày càng xô đẩy tàu thuyền Nhật Bản mạnh hơn”, nhà phân tích Fisher nhận định.
Một khi Bắc Kinh củng cố được năng lực của nước này, “Trung Quốc sẽ tìm cách tạo ra một ‘vụ việc’ để lấy cơ phát động một cuộc chiến tranh nhỏ trên biển mà họ nghĩ là họ có thể giành chiến thắng”, chuyên gia Mỹ dự đoán. Ông này cũng nói thêm rằng, “các bạn có thể chắc chắn một điều là Chủ tịch Tập Cận Bình hoàn toàn hiểu rõ nếu họ giành chiến thắng trong một cuộc chiến hạn chế, đúng lúc, ngắn gọn và kiên quyết thì điều đó có lợi như thế nào”.
Ý kiến bạn đọc