Ai Cập: Sự cuồng nộ, máu và nước mắt

18:55, 17/08/2013
|

(VnMedia) - Cách đây 2 năm, người dân Ai Cập từng tràn trề hy vọng về một “mùa xuân” dân chủ và tự do sau khi cuộc "Cách mạng Mùa xuân Ả-rập” của họ giành thắng lợi nhanh chóng. Tuy nhiên, hiện nay, những hy vọng đó gần như bị dập tắt khi đất nước Ai Cập lại một lần nữa chìm trong hỗn loạn, bạo lực, sự cuồng nộ, máu và nước mắt. Thậm chí, tình trạng bất ổn hiện nay còn ở mức độ đáng lo ngại hơn rất nhiều so với thời kỳ diễn ra cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập.
 

Ảnh minh họa

Ai Cập đang trong tình trạng hỗn loạn.


Kể từ sau khi quân đội tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ ở Ai Cập hồi tháng trước, nước này bắt đầu rơi vào tình trạng bất ổn, căng thẳng. Sự bất ổn này đã leo thang lên đỉnh điểm vào ngày 14/8 khi các cuộc biểu tình biến thành những cuộc đụng độ đẫm máu giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.
 
Các cuộc giao tranh ác liệt xảy ra trên khắp đất nước Ai Cập khi chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn mở chiến dịch “càn quét” người biểu tình bằng vũ khí hạng nặng. Cuộc đàn áp của chính phủ đã khiến hơn 2.000 người thương vong, trong đó số người thiệt mạng lên tới vài trăm chỉ trong vòng một ngày. Hành động mạnh tay của chính phủ đã gây ra làn sóng tức giận trong những người biểu tình. Hôm qua (16/8), những người ủng hộ ông Morsi đã tiến hành hàng loạt cuộc biểu tình và họ gọi đó là “Ngày Cuồng nộ”.
 
Nhiều nguồn tin cho biết, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ngày hôm qua lên tới hơn 100 người. Như vậy, tổng số người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Ai Cập và người biểu tình từ hôm Thứ Tư (14/8) đến ngày hôm qua (16/8) đã lên tới gần 750 người. Trong khi đó, số nạn nhân bị thương lên tới con số hàng ngàn. Chỉ riêng con số thương vong trong vài ba ngày qua đã vượt xa tổng số thương vong trong những cuộc biểu tình trong hơn 2,5 năm qua ở đất nước Ai Cập. Những con số thương vong khủng khiếp đó đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng chính trị lần này ở Ai Cập.
 
Thách thức lệnh giới nghiêm từ 7h tối của chính phủ lâm thời, những người biểu tình tiếp tục đụng độ với lực lượng an ninh trong suốt đêm ngày hôm qua và đến sáng nay (17/8), tình hình căng thẳng vẫn chưa hề dịu đi. Những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi tuyên bố, họ sẽ còn tiếp tục các cuộc biểu tình.
 
Hàng loạt diễn biến trên khiến người ta nghi ngờ về khả năng đảm bảo an ninh, trật tự của chính quyền lâm thời Ai Cập.
 
Pháp và Đức đã kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn cấp giữa Ngoại trưởng các nước thành viên Châu Âu để bàn cách đối phó với tình trạng bạo lực kinh hoàng ở Ai Cập. “Số người thiệt mạng và bị thương ở Ai Cập đang gây choáng váng. Trách nhiệm đối với thảm kịch này đặt lên vai chính phủ lâm thời cũng như giới lãnh đạo chính trị trong nước”, bà Catherine Aston – nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu, cho biết.  
 
Không chỉ người dân Ai Cập mà người dân trên khắp thế giới cũng bị sốc trước mức độ kinh hoàng của những cuộc đụng độ đẫm máu cũng như tình trạng thương vong trong mấy ngày liên tiếp vừa qua ở đất nước này. Một thanh niên trẻ Ai Cập đã đặt câu hỏi với một người bên cạnh đang theo dõi cuộc chiến ở Quảng trường Ramses rằng: “Chúng ta đang đi đến đâu vậy? Có phải chúng ta sẽ mãi chiến đấu chống lại nhau như thế này hay không?”. Đây cũng chính là câu hỏi mà nhiều người dân thế giới đang đặt ra cho đất nước Ai Cập. Liệu đất nước này sẽ đi về đâu và liệu tình trạng bạo lực này có chấm dứt được hay không khi mà các phe phái đối lập tiếp tục tranh đấu với nhau?


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc