Văn hóa và trí tuệ đang bị lãng quên ở thế kỷ Châu Á?

19:45, 13/07/2013
|

Thế kỷ châu Á, hay thế kỷ Thái Bình dương, đã trở thành một cụm từ phổ biến để nhấn mạnh tới động lực kinh tế và sự dịch chuyển quyền lực chính trị. Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa và trí tuệ dường như bị lãng quên khi bàn đến thế kỷ này. Và đó là sự khập khiễng giữa một bên là những giá trị hữu hình với bên kia là giá trị vô hình nhưng vô cùng quan trọng.

Trong 25-50 năm nữa, ba xu hướng ở châu Á sẽ phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa và cuộc cách mạng thông tin, kéo theo sự thay đổi về đường hướng nhận thức và liên kết khu vực. Khu vực vẫn bị chia thành Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á và Tây Á, song những nỗ lực chung hiện nay như mô hình ASEAN+, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á sẽ đưa hợp tác khu vực lên cấp độ lớn hơn là liên Á.

 

Rồi nhân tố sức mạnh toàn cầu sẽ được phân chia công bằng hơn giữa các cường quốc mới nổi và đã hình thành, rồi châu Á sẽ trở thành bộ phận rất quan trọng sau đó. Châu Á sẽ không còn dễ tính hay tự hài lòng với vị trí ít ảnh hưởng của mình trong kinh tế toàn cầu, hay bị coi là theo đuôi các mô hình phương Tây. Trong mối quan hệ song phương và đa phương, các nước châu Á sẽ đòi có tiếng nói lớn hơn trong việc hình thành các quy định và lên chương trình nghị sự cho hoạt động của khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh này, ảnh hưởng ngày càng tăng của G20 và cuộc cải cách của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới cho thấy vai trò ngày càng tăng của châu Á trong các vấn đề quốc tế.

 

Châu Á sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào dòng chảy thế giới. Trong 25-50 năm nữa, vị thế của châu Á sẽ thay đổi, không phải chỉ nhận, hoặc dễ thích nghi văn hóa phương Tây. Châu Á sẽ có những đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực này. Ví dụ, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar đã vạch ra nhân tố cơ bản để cùng tồn tại hòa bình, các nước Đông Nam Á đã xây dựng Phương thức đồng thuận trong ASEAN. Với văn hóa trí tuệ và truyền thống có được từ quá trình phát triển, châu Á sẽ cho thế giới thấy nhiều cách nhìn nhận độc đáo dưới dạng các ý tưởng, nguyên tắc và giá trị. Nói cách khác, đó là những giá trị vô hình.

 

Cùng với việc đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu và an ninh quốc tế, các nước châu Á cũng sẽ cung cấp cho thế giới các mô hình chủ nghĩa địa phương đa dạng. Tính thực dụng và sự tổng hòa sẽ là hai nhân tố chủ chốt của chủ nghĩa địa phương châu Á mới. Tính thực dụng của châu Á sẽ giúp các nước quy tụ vào một cộng đồng châu Á, từ tiến trình ASEAN+ tới các thành viên rộng mở hơn nhiều dựa trên việc xây dựng tính đồng thuận. Không giống như các tổ chức khu vực khác như Liên minh châu Âu, “Chủ nghĩa châu Á mới” bao gồm các thành viên phi châu Á như Mỹ, Australia và New Zealand. Sự tổng hòa này chứng tỏ châu Á tôn trọng lịch sử, vị thế hiện tại và sự phát triển trong tương lai của các thành viên. Bằng cách dựa vào chủ nghĩa gia tăng hơn là sự ép buộc, “Chủ nghĩa châu Á mới” cũng có lợi cho sự chuyển giao hòa bình hệ thống quốc tế và quản lý toàn cầu hiệu quả hơn.

 

Thế kỷ châu Á sẽ chứng kiến một châu Á hội nhập về văn hóa với thế giới, không giống các khu vực khác thường bị một nền văn hóa đơn lẻ thống trị. Châu Á nổi tiếng về sự đa dạng văn hóa và tôn giáo cũng như khả năng điều tiết những sự khác biệt trong các lĩnh vực này. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng với đầy rẫy những lo toan và xung đột, sự tổng hòa các nền văn hóa châu Á có thể đóng vai trò cầu nối giữa các vùng miền và người dân, theo cách mà vốn dĩ địa chính trị và kinh tế không thể làm được.

 

Thế kỷ châu Á hứa hẹn tạo ra các chuẩn mực đạo đức và các giá trị mới, coi đây là phương tiện để giải quyết những thách thức trong tương lai. Tính phổ biến và đặc biệt của chuẩn mực giá trị và đạo đức là vấn đề luôn được đem ra tranh luận, và trong khi các bên không thể thuyết phục nhau thay đổi các giá trị và đạo đức cốt lõi, họ nhất trí tạo ra những chuẩn mực mới. Ví dụ, các giá trị của châu Á có tầm quan trọng rất lớn đối với các lĩnh vực phi vật chất, như sự cần cù, đạo đức công việc, sự gắn kết gia đình và sự đồng thuận. Những điều này sẽ đóng góp đáng kể cho giá trị chia sẻ, một nhân tố quan trọng trong ngoại giao toàn cầu và các mối quan hệ quốc tế.

 

Cuối cùng, thế kỷ châu Á sẽ giúp cộng đồng quốc tế đúc kết được giá trị lớn hơn của sự uyên thâm. Điều đó sẽ giúp chúng ta tiếp cận những thách thức toàn cầu từ cách nhìn bao quát hơn. Nhiều cơ chế khu vực đang dựa trên những mối lo ngại về kinh tế, chính trị hay an ninh, và trong khi cần phải đưa những lo ngại đó lên mức cộng đồng khu vực và quốc tế, được xây dựng để đối mặt với những thách thức có thể xảy ra trong 25-50 năm nữa, thì họ lại không làm vậy. Rõ ràng khi nói về thế kỷ châu Á, chúng ta nên để ý hơn tới các xu hướng dài hạn, cân bằng giữa yếu tố vô hình và hữu hình. Xây dựng sự đồng thuận, chia sẻ các giá trị và hội tụ những giá trị đạo đức thực sự rất cần thiết khi cả châu Á và thế giới đang phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn.


Linh Phạm

Ý kiến bạn đọc