(VnMedia) - Đối thủ táo bạo nhất và khó chịu nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á chính là Philippines. Xét về tương quan lực lượng, Philipines không phải là đối thủ của Trung Quốc trong một cuộc đọ sức tay đôi. Philippines có ngân sách quốc phòng chỉ bằng 1/4 chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc. Hải quân của Philippines được trang bị toàn vũ khí cũ kỹ, lạc hậu từ thời những năm 1970.
Philippines tập trận chung với Mỹ ở Biển Đông. Hoạt động này thường khiến Trung Quốc tức giận và khó chịu. |
Giới phân tích nhận định chiến lược của Philippines trong việc chống lại cường quốc Châu Á có thể thành công mà cũng có thể phản tác dụng. Tuy nhiên, đây thực sự là một thử thách vô cùng quan trọng khi mà các nước nhỏ hơn đang tranh cãi với nhau về việc liệu nên cử xử với Trung Quốc như là một đối tác kinh tế thiết yếu hay là một “kẻ gây hấn” nguy hiểm trên biển hoặc cả hai.
Philippines không hoàn toàn xem Trung Quốc là một mối đe doạ bởi thương mại giữa hai nước vẫn đang phát triển. Manila thỉnh thoảng cũng tỏ ra thận trọng, đáng chú ý nhất là việc nước này huỷ bỏ kế hoạch khoan dầu đầy khiêu khích ở nơi có thể trở thành giếng dầu lớn nhất của họ. Tuy nhiên, các nhà phân tích chú ý đến một loạt bước đi và động thái gần đây cho thấy, Manila ngày càng sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh. Philippines đã tạm ngừng hoặc huỷ bỏ nhiều thoả thuận phát triển phụ thuộc vào nguồn viện trợ to lớn của phía Trung Quốc.
Hồi đầu năm nay, Philippines đã chính thức đưa tranh chấp của nước này với Trung Quốc ở Biển Đông ra giải quyết tại toà án quốc tế bất chấp sự phản đối dữ dội của Bắc Kinh. Gần đây, Philippines đã tăng quân đến quần đảo tranh chấp, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trang bị vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội còn đang yếu và thiếu của họ đồng thời bàn thảo kế hoạch cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân cũng như hải quân của họ. Tổng thống Benigno Aquino III tuyên bố, đất nước Philippines cần bảo vệ lãnh thổ hàng hải của mình khỏi “những kẻ bắt nạt”.
Các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á đã có từ nhiều thế kỷ nay nhưng Trung Quốc trong những năm gần đây đang trở nên ngày một hiếu chiếu, hung hăng nhằm giành giật những khu vực tranh chấp. Trung Quốc đang có “trận chiến” quyết liệt với Nhật Bản vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc cũng khiến các nước láng giềng bất bình, tức giận khi công khai đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bằng cách đưa ra yêu sách đường 9 đoạn phi lý hay còn gọi là đường lưỡi bò.
Có ít nhất 3 nước khác và một vùng lãnh thổ đang có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc gồm Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan. Chủ quyền ở Biển Đông không chỉ được cho là vấn đề tự tôn dân tộc mà đây còn là khu vực giàu tài nguyên với trữ lượng dầu khí khổng lồ đồng thời nó còn mang ý nghĩa chiến lược rất lớn
Tuy nhiên, các nước và vùng lãnh thổ có lý do để xử lý vấn đề tranh chấp một cách thận trọng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Brunei phụ thuộc vào Trung Quốc như là một thị trường xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, Lãnh đạo Vùng lãnh thổ Đài Loan Mã Anh Cửu đang thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ với đại lục.
Một số người Philippines cho rằng, nước họ phù hợp hơn các nước khác trong việc chơi trò cứng rắn với Trung Quốc. Philippines có mối quan hệ gắn bó, sâu sắc với Washington, xuất phát từ thời thuộc địa.
Giới phân tích chính trị tin rằng, chiến lược về Trung Quốc của Philippines do Ngoại trưởng Albert del Rosario hoạch định ra. Ông này từng theo học ở Đại học New York và từng là Đại sứ của Philippines tại Washington. Tổng thống Aquino được cho là hoàn toàn ủng hộ chính sách của ông Rosario.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Rosario từng kêu gọi Philippines “đứng trên lập trường của lòng yêu nước. Đó là cái gì của chúng ta là của chúng ta. Có thể chúng ta đang bị thử thách. Và khi chúng ta bị thử thách thì rất có thể mọi người đều cần phải hy sinh”, ông Rosario nói.
Thiện chí sụp đổ
Cách đây vài năm, Trung Quốc cũng đã cố làm bạn với Philippines và gần như đã thành công. Lý do thất bại cho thấy những hạn chế trong quyền lực mềm mà Bắc Kinh đang thực hiện thông qua các thỏa thuận đầu tư và viện trợ. Trung Quốc đã thực hiện quyền lực mềm ở Philippines vào thời điểm khi quốc gia này đang đặt ưu tiên cho việc mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài.
Dưới thời Tổng thống trước đây của Philippines - Gloria Macapagal Arroyo, Bắc Kinh đã “dội” mưa viện trợ với những khoản vay lên tới hơn 2 tỉ USD cho Manila. Một số trong khoản tiền viện trợ này được đầu tư vào các dự án đường xá. Thêm 330 triệu USD khác được chi vào việc xây dựng mạng lưới băng thông rộng kết nối 25.000 văn phòng ở các thành phố. Khi tiền chảy vào như mưa, Philippines đã từng ký cái mà Tổng thống Arroyo khi đó gọi là một “bước đột phá về ngoại giao” – một thỏa thuận trong đó cho phép Trung Quốc thăm dò các vùng tranh chấp gần bờ biển Philippines với hy vọng sẽ tiến hành các dự án phát triển dầu khí chung.
Tuy nhiên, thiện chí trên đã nhanh chóng bị sụp đổ. Thỏa thuận băng thông rộng được đánh dấu bởi nạn tham nhũng, lại quả và đút lót tràn lan. Thỏa thuận thăm dò chung ở Biển Đông vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các chính khách đối lập ở Philippines. Nhiều chính khách nổi tiếng cáo buộc Tổng thống Arroyo thời đó đã vi phạm hiến pháp khi “bán rẻ” lãnh thổ của mình đi.
Dưới áp lực trong nước, Nhà lãnh đạo Arroyo đã phải cho ngừng dự án thăm dò ở Biển Đông năm 2008. Thất bại này đã mở ra một thời kỳ căng thẳng sau đó vì tranh chấp ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila.
Ý kiến bạn đọc