Trung Quốc: Miệng nam mô, bụng...?

21:08, 04/07/2013
|

(VnMedia) - Tại hội nghị ASEAN diễn ra cuối tuần qua, Trung Quốc đã khiến các nước bất ngờ khi thể hiện sự mềm mỏng, nhún nhường khác thường trong vấn đề Biển Đông. Lý do khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ được cho là nhằm để chống lại nỗ lực của Mỹ trong việc tìm kiếm ảnh hưởng nhiều hơn ở khu vực Châu Á.
 

 Ảnh minh họa

 Ngoại trưởng Trung Quốc tại hội nghị ASEAN


Trong hội nghị ASEAN diễn ra ở Brunei, Trung Quốc đã đồng ý sẽ tiến hành đàm phán với hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á vào tháng 9 tới nhằm đưa ra các quy định giúp tránh xung động ở các vùng biển đang “dậy sóng” vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ.
 
Động thái trên phản ánh cách tiếp cận mềm mỏng hơn, mang tính hoà giải hơn của Trung Quốc sau khi nước này liên tiếp có những hành động hung hăng, hiếu chiến nhằm tranh giành chủ quyền ở những vùng tranh chấp thuộc Biển Đông. Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đã đẩy một số nước láng giềng của nước này tiến gần hơn về phía Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách thiết lập ảnh hưởng ở Châu Á trong khi Mỹ đang thực thi chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào khu vực này. Vì thế, Washington sẵn sàng chìa tay ra với các nước đồng minh như Philippines.
 
“Trung Quốc đang chuyển từ hình thức ‘làm ít hơn, can dự ít hơn’ sang “làm nhiều hơn, can dự nhiều hơn. Sự thay đổi này báo hiệu khả năng sẽ có một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có các thành viên ASEAN”, ông Gary Li – một nhà phân tích cấp cao thuộc IHS Maritime ở London cho biết.
 
Tham dự hội nghị ASEAN đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình tiếp nhận chức Chủ tịch nước Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã miêu tả Trung Quốc và ASEAn như là “những thành viên trong một gia đình lớn”. Ông này cam kết sẽ nâng cấp thoả thuận thương mại Trung Quốc-ASEAN đồng thời thúc đẩy tiến trình đàm phán về quan hệ đối tác kinh tế khu vực.
 
Dịu giọng
 
Cách đây một năm, Trung Quốc vẫn còn hung hăng cảnh báo các nước tránh đề cập đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong các hội nghị ASEAN đồng thời tuyên bố sẽ chỉ bắt đầu đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông “khi điều kiện chín muồi”.
 
Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc đã nhanh chóng đồng ý tiến hành đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với ASEAN trong hội nghị giữa hai bên vào tháng 9 tới.
 
Bắc Kinh có thể đang áp dụng lập trường mềm mỏng hơn với giọng điệu thân thiệu hơn với mục đích nhằm cô lập Philippines trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng nhưng cuộc đối đầu với Philippines là căng thẳng nhất và quyết liệt nhất. Manila đang ra sức củng cố mối quan hệ quốc phòng với Nhật Bản và Mỹ để giúp họ đối phó lại với Trung Quốc. Những bước đi đầy cứng rắn và thách thức gần đây của Philippines khiến Bắc Kinh thực sự nổi giận.
 
Trung Quốc đã “quay sang tấn công ASEAN bằng sự mềm mỏng, duyên dáng đồng thời tố cáo chính Philippines gây rối ở Biển Đông”, ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc thuộc trường Đại học Nottingham ở Anh, cho biết.
 
Phản ứng trước những bước đi trên của Trung Quốc, Philippines hồi cuối tuần vừa rồi đã ra một tuyên bố nói rằng, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở hai vùng tranh chấp mà nước này tuyên bố thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông đe doạ đến hoà bình trong khu vực. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng, ông Vương Nghị đang tìm cách tạo ấn tượng tốt trong hội nghị ASEAN đầu tiên kể từ khi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc tiếp nhận quyền lực.
 
“Đó là một chính phủ mới và họ phải làm như vậy”, ông Rosario đã nói như vậy về các tuyên bố của Trung Quốc.
 
Đối trọng Mỹ
 
Ngoài mục tiêu cô lập Philippines, sự dịu giọng của Trung Quốc tại hội nghị ASEAN còn được cho là để nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bỏ lại đằng sau những cuộc họp kéo dài với các nhà lãnh đạo Palestine và Israel để đến tham dự diễn đàn ASEAN và củng cố thêm cam kết của Mỹ với khu vực Châu Á.
 
“Tôi ở đây”, ông Kerry đã nói như vậy khi trả lời một câu hỏi về việc liệu có phải ông này đang tập trung vào Trung Đông nhiều hơn là Châu Á hay không. “Tôi muốn các bạn tin tưởng tuyệt đối rằng, trong 3 năm rưỡi sắp tới của chính quyền Obama, các bạn sẽ nhìn thấy một cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong việc tiếp tục theo đuổi các nỗ lực tái cân bằng trong khu vực”.
 
“Trung Quốc biết rõ rằng họ đang ở thế bất lợi khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản củng cố mối quan hệ liên minh gắn bó dựa trên vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Vì thế, Trung Quốc đã đưa ra một quyết định chiến lược để làm đối trọng với ảnh hưởng quân sự và chính trị lớn hơn của Mỹ trong khu vực”, ông Kim Han Kwon, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc ở Viện Nghiên cứu Chính sách Asan của Hàn Quốc, nhận định. Quyết định chiến lược đó chính là sự thay đổi thái độ với ASEAN. Bắc Kinh hiểu rằng, nếu để ASEAN nghiêng về phía Mỹ, thế bất lợi của họ sẽ còn tăng lên nhiều hơn nữa.


Kiệt Linh - (theo Bloomberg)

Ý kiến bạn đọc