Trung Quốc mềm mỏng hơn về Biển Đông?

09:00, 02/07/2013
|

(VnMedia) - Trái với dự đoán của giới phân tích, Trung Quốc hôm 30/6 đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán chính thức với 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm tránh xung đột vào tháng 9 tới. Đây là một thành công bất ngờ của hội nghị ASEAN bởi cách đây 1 năm, Trung Quốc vẫn còn từ chối đàm phán về bộ quy tắc này. Việc Trung Quốc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán ít nhất cũng cho thấy cường quốc số 1 Châu Á này đã ít nhiều chịu nhượng bộ trước ASEAN.
 

 Ảnh minh họa

 Ngoại trưởng Trung Quốc tại hội nghị ASEAN


Hội nghị ASEAN ở Brunei với một trong những trọng tâm chính là vấn đề Biển Đông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông đang leo thang, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines. Trước thềm hội nghị, với những diễn biến không thuận chiều trong cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila cùng những lời đe dọa, cảnh báo đầy cứng rắn của giới quan chức và báo chí Trung Quốc, người ta ít hy vọng về một kết quả khả quan trong việc thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Thậm chí, có nhà phân tích còn tin rằng, Trung Quốc sẽ tìm cách câu giờ, trì hoãn tiến trình này để có thêm thời gian tập hợp đủ ảnh hưởng cũng như sức mạnh trước khi gây sức ép buộc các nước có tranh chấp ở Biển Đông phải thoái lui trước họ.
 
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra. Ngày hôm qua, Trung Quốc đã đồng ý tiến hành “các cuộc tham vấn chính thức” với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (CoC) được đề xuất nhằm kiểm soát, quản lý các hành động của hải quân các nước trong khu vực biển nóng bỏng bởi các tranh chấp này. Các cuộc đàm phán về CoC sẽ diễn ra tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc vào tháng 9 tới. Đây là một bước đi mà Ngoại trưởng Thái Lan ca ngợi là “rất có ý nghĩa”.
 
Hai bên đã đồng ý cùng nhau đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng ASEAN với Trung Quốc sau một cuộc họp đặc biệt của ASEAN về vấn đề Biển Đông vào tháng 8 tới ở Thái Lan.
 
"Chúng tôi đã nhất trí hợp tác hàng hải để biến những vùng biển xung quanh thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu như vậy với giới phóng viên ở Brunei.
 
"Cả Trung Quốc và các nước ở ven Biển Đông đều đang nỗ lực tạo sự ổn định ở khu vực biển này. Tôi tin, bất kỳ hành động nào của các nước có liên quan đi ngược với xu thế đó đều sẽ không được các nước khác ủng hộ và cũng sẽ không thành công", ông Vương Nghị cho biết.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc còn dùng những từ có cánh để miêu tả về quan hệ giữa nước này với ASEAN. Ông Vương Nghị nói: “Các nước ASEAN và Trung  Quốc là hàng xóm thân thiết và chúng ta giống như thành viên của một gia đình lớn. Chúng tôi tin rằng, một ASEAN đoàn kết, thống nhất, năng động và thịnh vượng là lợi ích của Trung Quốc”.
 
Việc Trung Quốc đồng ý đàm phán với ASEAN về một loạt quy định nhằm tránh xung đột ở Biển Đông đã giành được sự khen ngợi từ các nhà ngoại giao, thậm chí kể cả khi Philippines vừa cảnh báo về sự “quân sự hóa ngày càng tăng” của Trung Quốc ở  Biển Đông.
 
Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul đã ca ngợi mối quan hệ “mạnh mẽ” giữa khối ASEAN với Trung Quốc. Các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là “một tiến trình đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và thận trọng. Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm mạnh mẽ của các bên, tiến trình đó sẽ không bị kéo dài”, ông Surapong đã nói như vậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc