Trung Quốc có “chương trình tên lửa đạn đạo đa dạng và phát triển nhanh nhất thế giới”, với kho đầu đạn hạt nhân ngày càng nhiều và có thể vươn tới Mỹ, theo báo cáo tình báo mới nhất của Lầu Năm Góc.
Trong kho tên lửa của Trung Quốc có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, cho phép bắn tới mục tiêu ở một số khu vực của Mỹ gần bờ biển nước này, Trung tâm Tình báo Vũ trụ và Không gian Quốc gia Mỹ viết trong báo cáo đánh giá vừa được đưa ra, Bloomberg đưa tin hôm qua. Một số loại vũ khí của Trung Quốc được “thiết kế đặc biệt để phòng ngừa can thiệp quân sự vào các xung đột khu vực”, báo cáo viết.
Trung Quốc đang tích cực mở rộng kho tên lửa trong khi Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: China Defense. |
Trung Quốc đang chế tạo, thử nghiệm nhiều loại tên lửa mới, nâng cấp các hệ thống cũ, thành lập nhiều đơn vị tên lửa và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có khả năng vươn tới Mỹ “có thể được tăng lên hơn 100 chỉ trong vòng 15 năm tới”, báo cáo viết.
Trung Quốc đang thúc đẩy chương trình tên lửa theo kế hoạch hiện đại hóa quân đội, với ngân sách dành cho quốc phòng tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2006. Nhật Bản, Philippines gần đây liên tục bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong khu vực, trong khi Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương.
Báo cáo quốc phòng Nhật Bản đưa ra hôm 9/7 nói rằng, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi tình hình khu vực bằng cách sử dụng vũ lực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp lại rằng, Nhật Bản “đang loan tin về cái gọi là mối hiểm họa Trung Quốc, khiến khu vực trở nên căng thẳng”.
Tham vọng của Iran và Triều Tiên
Kết luận về Trung Quốc là một phần của báo cáo khảo sát tình hình phát triển của công nghệ và xu hướng tên lửa đạn đạo, trong đó có cả đánh giá về Triều Tiên, Iran, Ấn Độ và Pakistan.
Trung tâm Tình báo Không gian và Vũ trụ Quốc gia, có trụ sở tại căn cứ không quân Wright-Patterson ở bang Ohio, là đơn vị cung cấp thông tin tình báo vũ trụ hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Báo cáo của cơ quan này nhắc lại đánh giá lâu nay của cộng đồng tình báo rằng, Iran có thể phát triển và thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ vào năm 2015.
Báo cáo còn điểm lại lịch sử phóng tên lửa gần đây của Iran và việc Tehran thay đổi tên lửa tầm trung Shahab-3 có thể vươn tới Israel. “Iran có chương trình phát triển không gian và tên lửa đạn đạo tham vọng, và sẽ tiếp tục nỗ lực tăng tầm xa, khả năng tiêu diệt và độ chính xác”.
Các đơn vị quân sự của Iran “tiếp tục luyện tập với cường độ cao” nhằm đạt tới “các kỹ năng chiến đấu sắc bén và phát triển chiến thuật”, báo cáo viêt.
Báo cáo cũng viết rằng, Triều Tiên gần đây giới thiệu tên lửa di động Hwasong-13 và sẽ tiếp tục phát triển tên lửa Taepo Dong-2 “có khả năng vươn tới Mỹ nếu được chế tạo thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”. Theo đánh giá của tình báo Mỹ, Triều Tiên hiện có nhiều tên lửa tầm ngắn và đang phát triển tên lửa tầm trung. Cả tên lửa Hwasong-13 và Taepo Dong-2 đều có tầm xa cực đại ít nhất là 5.500 km.
“Những nỗ lực nhằm tiếp tục phát triển Taepo Dong-2 và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được giới thiệu gần đây cho thấy quyết tâm của Triều Tiên nhằm đạt tới năng lực phóng các thiết bị vào không gian và tên lửa đạn đạo tầm xa. Triều Tiên đã xuất khẩu nhiều hệ thống tên lửa đạn đạo và có khả năng sẽ tiếp tục làm điều đó”, báo cáo viết.
Ngày 10/7, trong buổi phỏng vấn với CNN (Mỹ) ngay trước khi Diễn đàn Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung diễn ra tại Washington, Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói rằng, các mối đe dọa đối với châu Á-Thái Bình Dương xoay quanh chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng Mỹ không nên dùng cớ này để gia tăng hiện diện quân sự trên khắp khu vực. “Tôi không nghĩ Mỹ nên phản ứng mạnh mẽ với một mối đe dọa như vậy. Sự gia tăng sức mạnh trong các liên minh quân sự Mỹ hoàn toàn không cân xứng với mối đe dọa thực sự này”, ông Thôi nói. |
Ý kiến bạn đọc