Trung - Ấn: Sau đối đầu nghẹt thở đến “đọ” vũ khí

09:29, 12/07/2013
|

(VnMedia) - Chính phủ Ấn Độ hôm qua (11/7) thừa nhận, binh lính nước này đã rơi vào một tình huống “mặt đối mặt” đầy nguy hiểm với quân lính Trung Quốc ở khu vực biên giới Chumar trong vụ xâm nhập mới nhất của phía Trung Quốc hôm 17/6 vừa rồi.

 

 Ảnh minh họa

 Khu vực biên giới căng thẳng giữa Trung Quốc - Ấn Độ


Như vậy, đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một thời gian ngắn, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ có cuộc đối đầu nghẹt thở ở khu vực biên giới tranh chấp. Trước đó, hồi tháng 4, binh lính Trung Quốc đã táo tợn kéo vào khu vực do Ấn Độ kiểm soát và dựng trại lên ở đó. Ngay lập tức phía Ấn Độ cũng dựng trại ở khu vực đối diện, cách nhau khoảng 30m, tạo ra một tình huống “chạm trán” nguy hiểm kéo dài suốt gần 3 tuần ở Daulat Beg Oldi (DBO), phía đông Ladakh.

 

Tuy nhiên, trong vụ việc mới nhất hồi tháng 6 vừa rồi, theo các nguồn tin chính thức, binh lính Trung Quốc đã rút đi nhanh chóng sau khi có một số hành động đập phá ở đây.

 

Chumar vốn là một khu vực đặc biệt nhạy cảm và gây khó chịu cho binh lính Trung Quốc, bởi đây là nơi duy nhất Trung Quốc không thể tiếp cận trực tiếp được trên đường biên giới kéo dài giữa hai nước. Bắc Kinh rất sợ viễn cảnh Ấn Độ bất ngờ đánh úp họ từ khu vực Chumar chiến lược này.

 

Cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 21 ngày giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Daulat Beg Oldi (DBO) chính là được châm ngòi từ sự kiện New Delhi xây dựng một tháp quan sát ở Chumar. New Delhi sau đó đã phải dỡ bỏ tháp quan sát của mình trước khi cuộc đối đầu trên được giải tỏa.

Tuy nhiêu, sau khi dỡ bỏ tháp quan sát và các boongker phòng thủ, quân đội Ấn Độ đã cho lắp đặt một loạt hệ thống máy quay để theo dõi các hoạt động của binh lính Trung Quốc ở đường biên giới hai nước. Động thái này của New Delhi đã khiến quân đội Trung Quốc nổi giận. Và đây rất có thể là lý do khiến binh lính Trung Quốc hôm 17/6 đã ngang nhiên thực hiện một cuộc xâm nhập vào khu vực Chuma, đập phá một số pháo đài quan sát đồng thời cắt đây điện của những máy quay được đặt tại chốt biên phòng.

 

Binh lính Trung Quốc còn cướp đi một máy quay và chỉ vừa mới trả lại hôm 3/7 vừa rồi sau khi New Delhi lên tiếng phản đối gay gắt.

 

Nguồn tin từ Ấn Độ cho biết, nhóm binh lính Trung Quốc đã có cuộc đối đầu nghẹt thở với nhóm tuần tra của quân đội Ấn Độ. Rất may, cuộc đối đầu này diễn ra rất ngắn ngủi bởi phía Trung Quốc đã nhanh chóng rút về căn cứ của họ.

 

Trung, Ấn “tung” vũ khí tập trận

 

Sau cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới, Trung Quốc và Ấn Độ lại “rủ” nhau tập trận chung để cải thiện quan hệ, tăng cường sự tin tưởng vốn thiếu trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu khu vực Châu Á này.

 

Cuộc tập trận giữa Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều cuộc tập trận trong khu vực. Và đây cũng là cuộc tập trận không quân, hải quân chung đầu tiên giữa hai nước láng giềng khổng lồ.

 

Theo báo chí Trung Quốc, Hải quân và Không quân Trung-Ấn sẽ diễn tập chung với nhau trong thời gian sắp tới, mặc dù ngày giờ chính xác diễn ra cuộc tập trận chung chưa được ấn định. Trước mắt, cuộc tập trận chung đầu tiên về bản chất chỉ mang “tính cơ bản” và hai nước Trung, Ấn sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung lớn hơn sau đó.

 

Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ mới chỉ bắt đầu tập trận chung với nhau từ hồi năm 2007.

 

Thông báo về kế hoạch tập trận chung mới nhất được đưa ra sau một loạt các hoạt động ngoại giao sôi động giữa quan chức hai nước thời gian gần đây. Hồi tháng 5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa có chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Khắc Cường kể từ khi ông tiếp nhận vị trí mới hồi đầu năm nay. Sau đó, hồi tuần trước, ông A.K. Antony vừa trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Ấn Độ đến thăm Trung Quốc trong 7 năm trở lại đây.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyến thăm ngoại giao hữu nghị sôi động trên, quan hệ Trung-Ấn cũng vấp phải một số vấn đề căng thẳng. Hồi năm ngoái, Bắc Kinh từng khiến New Delhi bực mình, nổi giận khi đưa vào hộ chiếu mới hình bản đồ có cả đường biên giới tranh chấp giữa hai nước vào phần lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Sau sự kiện trên, từ tháng 4 đến tháng 6, binh lính Trung Quốc và Ấn Độ liên tiếp có cuộc đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp.

 

Tất cả những diễn biến cho thấy một điều, dù hai nước Trung, Ấn nỗ lực tăng cường hợp tác với nhau thì giữa họ vẫn tồn tại nhiều sự nghi kỵ, kình địch và mâu thuẫn. Bắc Kinh cảm thấy bất an trước mối quan hệ Ấn-Mỹ, trong khi New Delhi hoài nghi sự gắn bó giữa Trung Quốc và Pakistan. Hai cường quốc hàng đầu Châu Á còn cạnh tranh quyết liệt với nhau về ảnh hưởng chính trị trong khu vực cũng như các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế ở mỗi nước.

 

Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ còn có cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài và đã từng leo thang thành một cuộc chiến tranh năm 1962. Bất chấp 15 vòng đàm phán cấp cao đã diễn ra, Trung Quốc và Ấn Độ đến nay vẫn chưa thể giải quyết được cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới giữa hai nước.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc