(VnMedia) - Hàng đoàn tên lửa, xe tăng thiện chiến cùng đội hình binh lính đều tăm tắp đã rầm rộ diễu hành qua trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng trong buổi lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 60 năm ngày kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc diễu binh quy mô lớn này là dịp để Triều Tiên phô trương sức mạnh quân sự với mục đích khiến kẻ thù lo sợ đồng thời tập hợp sự ủng hộ của người dân đối với Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un.
Kho tên lửa của Triều Tiên gây ra mối quan ngại lớn đối với các nước láng giềng cũng như các cường quốc phương Tây. |
Khi ông Kim Jong Un bước lên lễ đài ở quảng trường Kim Nhật Thành để theo dõi lễ diễu binh, cả biển người ở dưới đã hò reo vang dội, vẫy cờ và hoa. Khi một loạt chiếc chiến đấu cơ bay lượn trên bầu trời cùng những chiếc trực thăng mang theo biểu ngữ ghi tên ông Kim Jong Un, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã vỗ tay và quay sang trò chuyện với ông Lý Nguyên Triều- Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Quân đội Triều Tiên vốn có truyền thống sử dụng những cuộc diễu binh hoành tráng để thể hiện lòng trung thành với các nhà lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, đây cũng thường là dịp để các nhà phân tích và lập chính sách trong khu vực và trên thế giới có cơ hội theo dõi màn trình diễn, phô trương vũ khí, khí tài của Triều Tiên.
Ngày hôm nay, Triều Tiên đã tập hợp và trình diện một loạt tên lửa, trong đó có tên lửa KN-08. KN-08 được cho là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Triều Tiên và nó có thể bắn tới Mỹ. Một số nhà phân tích nghi ngờ, tên lửa KN-08 xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 4 năm ngoái vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển và những tên lửa loại này được trình làng chỉ là một phiên bản giả mạo.
Cuộc diễu binh ngày hôm nay còn chứng kiến những đoàn xe tải chở binh lính ôm theo những chiếc balô có biểu tượng cảnh báo về chất phóng xạ. Với màn trình diễn này, Bình Nhưỡng dường như một gửi thông điệp đến các “kẻ thù” của họ rằng, họ có thể tạo ra vũ khí hạt nhân hay “bom bẩn” mang phóng xạ, ông Shin In-kyun – một chuyên gia quân sự quản lý Mạng lưới Quốc phòng Triều Tiên – một nhóm chuyên nghiên cứu các vấn đề quân sự, cho biết.
“Triều Tiên đang muốn khoa trương sức mạnh về mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của họ”, ông Shin nhận định.
Lần gần đây nhất Triều Tiên tiến hành tổ chức một cuộc diễu binh quân sự rầm rộ là vào tháng 4 vừa rồi trong bối cảnh căng thẳng khu vực đang leo thang vì vụ phóng tên lửa tầm xa của nước này hồi tháng 12 năm ngoái và vụ thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 đầu năm nay. Vào thời điểm đó, các tướng lĩnh Triều Tiên từng cảnh báo, lực lượng của họ sẵn sàng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như tấn công hạt nhân phủ đầu nước Mỹ. Bình Nhưỡng khẳng định, các phi công của họ sẽ “chất đầy bom hạt nhân thay vì là nhiên liệu để trở về và sẽ tấn công vào các thành trì của kẻ thù”.
Cho đến giờ, giới tình báo Mỹ vẫn có những quan điểm khác nhau về năng lực hạt nhân của Triều Tiên, về việc liệu nước này đã tiến đến đâu trong khả năng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để đưa lên những tên lửa loại đó. Một số nhà phân tích cho rằng, việc phô trương sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên là nhằm để tập hợp sự ủng hộ của dân chúng nước này đối với Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đồng thời là để tăng vị thế của nước này trong các cuộc đàm phán với Washington và đồng minh.
Tuy nhiên, nỗi quan ngại về năng lực tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã tăng lên kể từ khi nước này phóng thành công một tên lửa 3 giai đoạn hồi tháng 12 năm ngoái và tuyên bố đã có trong tay phương tiện tấn công hạt nhân nhẹ hơn và nhỏ hơn sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa rồi.
Cùng xuất hiện trong cuộc diễu binh ngày hôm nay còn có tên lửa di động Musudan. Loại tên lửa tầm trung này được cho là có thể vươn tới lãnh thổ
Trong bài phát biểu tại lễ diễu binh, Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae, Giám đốc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đã kêu gọi xây dựng một lực lượng quân đội mạnh để ủng hộ “nhiệm vụ khẩn cấp của đất nước là xây dựng nền kinh té và tăng cường mức sống cho người dân”. Lần này, người ta không thấy giới lãnh đạo Triều Tiên đưa ra lời đe dọa hạt nhân hay tên lửa nào nhằm vào “các nước kẻ thù” của họ. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un không phát biểu tại lễ diễu binh lần này.
Ý kiến bạn đọc