Thái Lan trợ giá gạo: chương trình tốn kém?

16:09, 18/07/2013
|

Sau khi thắng cử tháng 7.2011, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và chính phủ của bà đã thực hiện một trong những lời hứa lúc tranh cử: thực hiện chương trình trợ giá gạo, một chương trình có quy mô rộng lớn, trị giá hàng tỷ euro. Tuy nhiên gần đây, chương trình này bị giới kinh tế và các nhà kỹ trị làm việc trong các bộ phụ trách ngành tài chính chỉ trích mạnh mẽ vì nông dân không được hưởng lợi từ một chương trình rất tốn kém, trong khi tham nhũng thì đầy rẫy.

 

Theo chương trình trợ giá mới được áp dụng, Chính phủ Thái Lan mua lại gạo của nông dân với giá trên lý thuyết cao hơn 50% so với giá thị trường. Giá một tấn gạo được Nhà nước mua với giá 15.000 baht, trong khi giá thị trường chỉ là 10.000 baht. Đây thực chất là hình thức hỗ trợ sản xuất, có điều là hỗ trợ rất lớn, vì Thái Lan là nước sản xuất gạo đứng đầu thế giới. Phần lớn các nhà trồng lúa khá hài lòng và tìm cách tăng số vụ mùa trong năm, có khi đến 4 vụ mỗi năm, như ở vùng đồng ruộng phía bắc Bangkok.

 

Về mặt thu phục lòng dân, chương trình này khá hữu hiệu khi được cử tri đánh giá cao. Nhưng vấn đề là Chính phủ Thái Lan đã hoàn toàn không ước tính đúng mức chi phí thực hiện dẫn đến khoản thua lỗ rất lớn, từ 4 đến 6 tỷ euro. Mặt khác, chính quyền đã không bán được số gạo mua lại này ra thị trường thế giới, nơi mà giá đang sụt giảm. Nói một cách đơn giản, Chính phủ Thái mua gạo với giá cao nhưng lại bị buộc phải bán lại với giá thấp hơn giá mua rất nhiều. Hậu quả là chính phủ Thái quyết định trữ gạo với hy vọng giá sẽ tăng lên. Hiện có đến 18 triệu tấn gạo trong các kho chứa tại Thái Lan. Thế nhưng, chất lượng gạo dự trữ ngày càng xấu đi, giá trị tính ra giảm bớt 20% mỗi năm. Và Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới trong những năm trước đây, nay đã bị tuột xuống hạng 3, đứng sau Ấn Độ và Việt Nam .

 

Một thất bại quan trọng khác của chương trình trợ giá lúa gạo là người nông dân, đối tượng hướng đến của chương trình, lại không thực sự được hưởng lợi do tình trạng thiếu minh bạch và tham nhũng trong quá trình thực hiện. Về lý thuyết, Chính phủ phải mua gạo của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường. Nhưng trên thực tế, những người đi mua gạo cho chính phủ không mua với giá chính phủ quy định là 15.000 baht/tấn. Viện cớ gạo xấu hay gạo ẩm, họ đề nghị một cái giá thấp hơn, và đút vào túi riêng phần chênh lệch.

 

Viên chức ở Bộ Tài chính Thái Lan đặc trách kế toán của chương trình trợ giá gạo đã công nhận rằng kế hoạch bị tham nhũng đục khoét một cách dễ dàng ở mọi khâu, chẳng hạn như việc những người trung gian của chính phủ nhập gạo với giá thấp từ Campuchia, rồi bán lại cho chính phủ Thái Lan với giá rất cao. Danh sách nông dân tham gia chương trình trợ giá lại do những người trung gian - phần đông là người Thái gốc Hoa - lập ra, vì thế rất dễ bị thao túng.

 

Một mặt yếu kém khác là giới nông dân nghèo ở Thái Lan không được tham gia vào chương trình trợ giá gạo này, vì điều kiện được hưởng chế độ trợ giá là phải canh tác một diện tích lớn. Hệ quả là các khoản chi phí to lớn cho chương trình trợ giá - lấy từ tiền thuế của dân - lại góp phần giúp giới nông dân khá giả sở hữu nhiều hécta ruộng đất, tăng thêm lợi tức.

 

Hơn nữa, chương trình trợ giá này đã khuyến khích nông dân làm nhiều vụ mùa mỗi năm, càng nhiều càng tốt. Hệ quả là họ sử dụng rất nhiều thuốc diệt sâu, diệt cỏ, phân bón hóa học, hoặc là làm thêm rẫy để chuẩn bị ruộng cho những vụ mùa mới. Những thứ đó rất có hại cho môi trường.

 

Chính phủ Thái Lan có vẻ vô cùng bối rối trước hiện tượng chệch hướng của chương trình trợ giá gạo. Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã thông báo giảm giá mua ấn định cho một tấn gạo. Ngay lập tức nông dân đã phản ứng mạnh mẽ, đe dọa biểu tình ở các tỉnh cũng như ở Bangkok . Rốt cuộc chính phủ phải lùi bước và giữ giá mua ở mức 15.000 baht/tấn cho đến tháng 9 tới đây. Thực tế, Chính phủ Thái đã trở thành “tù nhân” của chính chương trình họ đề ra: không thể hủy bỏ, cho dù kế hoạch này không những không sinh lời mà lại còn dẫn đến thua lỗ lớn trong khi người nông dân khó khăn vẫn hoàn khó khăn.


Nam Đô

Ý kiến bạn đọc