Trong bài phân tích vừa đăng trên Nhân dân Nhật báo, giáo sư Li Xing, khoa chính trị và quan hệ quốc tế, ĐH Bắc Kinh, cho rằng giai đoạn hiện nay sức mạnh quân sự vẫn là yếu huyệt của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế hiện nay đang thảo luận sôi nổi và rộng rãi ý tưởng thành lập liên minh Á – Âu, một khái niệm mới về hội nhập, được Liên bang Nga đưa ra nhằm mục đích tăng cường ưu thế của các quốc gia thuộc khu vực Liên xô cũ, tăng cường ảnh hưởng chiến lược trên khu vực phía tây Đại Tây dương, đồng thời thúc đẩy tiến trình hội nhập vào hệ thống kinh tế của châu Á – Thái Bình dương. Các nước tham gia vào Liên minh Á – Âu theo giả thiết sẽ là các nước láng giềng của Liên bang Nga ở phía Tây và phía Bắc, đồng thời việc tổ chức một liên minh như vậy trong một giai đoạn thời gian sẽ là chủ đề chính của chính sách đối ngoại Liên bang Nga, chính vì vậy Trung Quốc đã có những quan tâm sâu sắc đến ý tưởng này.
Tác giả của bài viết tin rằng, những triển vọng cho việc thành lập một liên minh như vậy khá mơ hồ, tồn tại nhiều biến số ngẫu nhiên. Trong trường hợp này, Trung Quốc – như vẫn thường nói – hiểu được những gì đang xảy ra, nhưng không tham gia và can thiệp, duy trì sự cẩn trọng, nhưng không để các sự kiện xảy ra mà không có sự quan tâm, theo dõi tiến trình diễn biến sự việc, nhưng không bị lôi cuốn vào những phân tích và đánh giá nhận xét sâu sắc và có tính phê phán.
Những nguyên nhân cơ bản cho phương pháp tiếp cận này tương đối nhiều. Thứ nhất, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội, sự kiện tạo ra một Liên minh Á-Âu - là một phần của quá trình phát triển tự nhiên của lịch sử, hóa thân vào trong một khu vực cụ thể.
Thứ hai, hội nhập sâu của các nước trong khu vực Á-Âu, được thực hiện trên cơ sở ổn định trong lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực an ninh quốc gia sẽ cho phép các nước trong khu vực đi đến một chính sách kinh tế đối ngoại chung, thúc đẩy các nước cùng phát triển các tiêu chuẩn và hệ thống pháp luật chung, từ đó làm tăng hiệu quả hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Chi phí cho những thủ tục hành chính sẽ giảm đi, tăng cường và bổ xung thêm những lợi ích kinh tế. Tất cả những điều đó đều có lợi cho Trung Quốc.
Thứ ba, định hướng của một chính sách đối ngoại như vậy hầu như không nhằm đối phó với Trung Quốc, đó là sự khác biệt cơ bản giữa khái niệm Liên minh Á-Âu của Nga với chính sách "trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương" của Mỹ, nhằm hạn chế và phong tỏa Trung Quốc.
Điểm tựa Biển Đông?
Hình thành một liên minh Á-Âu trên thực tế không có vấn đề, nhưng đối với tuyến đường biên giới phía tây của Trung Quốc lại là một vấn đề quan trọng, cần được tăng cường sự chú ý và được xem xét đầy đủ dưới mọi khía cạnh. Bài phân tích cho rằng ngày nay, khi tình hình ở biên giới biển phía Đông ngày càng trở nên căng thẳng, tầm quan trọng của những sự kiện chính trị - quân sự ở phía Tây không cần phải nói lại.
Theo học giả này, ở phía biển Đông và biển Hoa Đông, luôn tồn tại mối đe dọa an ninh truyền thống, các quan hệ đang đi vào ngõ cụt, và Trung Quốc phải thể hiện sức mạnh quân sự thực sự. Ở vùng biên giới phía tây, Trung Quốc đang đối mặt với những đe dọa mới về an ninh, và quan trong hơn tất cả - đó là các tác động và ảnh hưởng kinh tế.
Giáo sư này cho rằng ở giai đoạn hiện nay, sức mạnh quân sự vẫn là điểm yếu của Trung Quốc, và sự phát triển kinh tế - vẫn còn là niềm tự hào. Chúng ta nên thực hiện đường lối, như thường nói, "thúc đẩy phát triển thế mạnh và giảm thiểu tối đa những điểm yếu". Tác giả lớn tiếng rằng điều đó có nghĩa là, đầu tiên Trung Quốc phải củng cố và tăng cường sức mạnh bảo vệ biên giới trên đất liền, tiếp theo là tiến hành cuộc chiến chủ quyền biên giới ở phía Đông, sau khi có được điểm tựa vững chắc và những đảm bảo chắc chắn cho việc xây dựng một cường quốc hùng mạnh trên đất liền cũng như trên biển.
Trung Quốc cần chú ý đến một thực tế, các nước thuộc liên minh Á-Âu trong tương lai sẽ có những định hướng chính sách đối ngoại chiến lược khác nhau, chúng ta cần phát triển với các nước các mối quan hệ thương mại song phương, đồng thời phát triển các mối quan hệ hợp tác đầu tư. Từ những nghiên cứu cân nhắc về vấn đề lịch sử và chiến lược địa chính trị, cần phải xây dựng mối quan hệ với sự tôn trọng và quan tâm đến những lợi ích và vị thế đặc biệt của nước Nga.
Trung Quốc cần tham gia tích cực vào đời sống và các hoạt động xã hội của Liên minh Á-Âu trong tương lai , từng bước có được những hiểu biết sâu sắc về nền tảng kinh tế của Liên minh Á-Âu. Từ những cơ sở lý luận và thực tế quan hệ đối ngoại, Trung Quốc phải hoạt động trong mô hình tương tác – hợp tác với các nước khác, không để xuất hiện cảm giác, dường như SOC là của Trung Quốc, Liên minh Á Âu là của nước Nga. Tóm lại, tác giả cho rằng, Trung Quốc cần phải tiếp cận Liên minh Á-Âu một cách thận trọng, cẩn thận và chú tâm nắm được bản chất của sự việc.
Ý kiến bạn đọc