Philippines vạch trần Trung Quốc ở Biển Đông

08:06, 17/07/2013
|

(VnMedia) - Philippines đã đáp trả từng điểm, từng điểm một những phát biểu của Trung Quốc sau khi nước này nói rằng Bộ Ngoại giao Philippines nói dối về cuộc tranh chấp Biển Đông khi có mặt tại Bỉ.
 

 Ảnh minh họa

 Người Philippines biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông


Trong một cuộc họp báo diễn ra hôm 15/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines – ông Raul Hernandez đã trình ra 8 dữ liệu thực tế để phản bác lại tuyên bố được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra ngày 12/7 tuần trước. Bà Hua khi đó cáo buộc, “việc Philippines nói rằng ‘họ đã dùng mọi biện pháp, con đường chính trị và ngoại giao có thể để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông’ là hoàn toàn không đúng sự thực”.
 
Bà Hua đã trích lời phát biểu của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ở Brussels, Bỉ hôm 9/7 khi ông này nói về cuộc tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Philippines.
 
Đáp lại cáo buộc của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hernandez đã thẳng thừng tuyên bố: “Phát biểu của Trung Quốc là vô căn cứ”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cũng lên án gay gắt “lập trường cứng nhắc” của Bắc Kinh khi khăng khăng đòi các nước phải chấp nhận Biển Đông là của Trung Quốc trước khi nước này ngồi vào bàn đàm phán.
 
Trong tuyên bố hôm 15/7, Philippines đã đưa ra 8 dữ liệu thực tế mà họ ghi chép được để phản bác từng điểm một những cáo buộc của phía Trung Quốc.
 
Thứ nhất, theo phía Philippines, trước đây, Philippines và Trung Quốc đã nhiều lần trao đổi quan điểm về những nỗ lực trong việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Biển Đông thông qua đàm phán kể từ khi hai nước tiến hành các cuộc họp Tham vấn Song phương về Vấn đề Biển Đông được bắt đầu từ tháng 8 năm 1995. Tuy nhiên, bất chấp hơn 17 năm tham vấn, không có tiến bộ nào đạt được.
 
Thứ hai, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xâm nhập vào bãi cạn Scarborough hồi tháng 4 năm ngoái, Philippines cho biết, họ “đã có gần 50 cuộc họp tham vấn với phía Trung Quốc”.
 
Thứ ba, “trong cuộc họp liên quan đến Trung Quốc tại hội nghị ASEAN ở Brunei, chúng tôi đã nói rõ, chúng tôi mời Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán không chính thức. Một cuộc họp như vậy đã từng được tổ chức hồi đầu năm ngoái, trong đó có phiên họp kéo dài 2 ngày ở Manila. Những kế hoạch gặp gỡ thêm nữa sau này đã không thực hiện được bởi Trung Quốc liên tiếp xâm nhập vào các vùng lãnh thổ của Philippines, đặc biệt là bãi cạn Scarborough.
 
Thứ tư, “chúng tôi từ lâu đã tuyên bố công khai cách tiếp cận 3 con đường gồm chính trị, ngoại giao và pháp lý, trong đó có việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc tế”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho hay.
 
Thứ năm, theo Philippines, “trước khi đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông ra tòa án quốc tế, trái với tuyên bố của Trung Quốc tại cuộc họp ASEAN ở Brunei cho rằng chúng tôi không hề nói gì đến con đường tòa án, chúng tôi trên thực tế đã mời Trung Quốc tham gia cùng chúng tôi trong việc đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc tế nhằm đạt được một giải pháp lâu dài. Điều này đã được ghi chép chính thức trong một văn bản đề ngày 26/4/2012. Trong văn bản hồi đáp chính thức, Trung Quốc từng nói, đề xuất của chúng tôi là con số 0 và họ kêu gọi Philippines kiềm chế không có bất kỳ hành động xâm phạm chủ quyền Trung Quốc nào”, ông Hernandez nói.
 
Thứ sáu, “trước sự kiện trên, trong nhiều dịp, Philippines cũng đã có lời mời Trung Quốc tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa án quốc tế. Thực tế, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Albert F del Rosario đến Bắc Kinh hồi tháng 7 năm 2011, ông đã từng đề xuất với giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc về việc đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế”.
 
Thứ bảy, “Ngoại trưởng Albert F del Rosario đã thăm Bắc Kinh 3 lần, đem theo lời mời Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Manila để tiến hành các cuộc tham vấn. Cho tới giờ, chúng tôi vẫn đang chờ đợi câu trả lời tích cực từ phía Bắc Kinh”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Philippines cho biết thêm.
 
Thứ tám, theo Manila, “trong tất cả những cuộc hội đàm, đối thoại, Trugn Quốc luôn khăng khăng duy trì lập trường cứng rắn về ‘chủ quyền khoogn thể tranh cãi’ trên Biển Đông. Thông điệp của Trung Quốc luôn là, chấp nhận toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc trước khi nước này ngồi vào bàn đàm phán. Lập trường cứng nhắc đó đã khiến cho các cuộc đàm phán song phương về tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines không thể tiếp tục thực hiện được. Kết quả là chúng tôi buộc phải tìm đến con đường giải quyết thông qua tòa án quốc tế dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển - UNCLOS.”
 
Phát ngôn viên Hernandez nhấn mạnh, Philippines “vẫn kiên quyết theo đuổi con đường giải quyết hòa bình” các cuộc tranh chấp trước tòa án quốc tế. Tiến trình này hiện đã được khởi động.
 
Phản ứng của Trung Quốc
 
Một ngày sau khi Manila đưa ra 8 dữ liệu thực tế phản bác cáo buộc của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày hôm qua (16/7), Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Philippines về vấn đề Biển Đông đồng thời tiếp tục bác bỏ việc đưa tranh chấp giữa hai nước ra giải quyết tại tòa án quốc tế.
 
Nữ phát ngôn viên Hua Chunying cho biết: “Chúng tôi lấy làm tiếc trước việc Philippines nói rằng, họ không thể tiếp tục đàm phán, thảo luận song phương với Trung Quốc. Chúng tôi không hài lòng khi họ từ chối đàm phán ngoại giao và đóng cửa với đối thoại”.
 
Bà Hua tiếp tục cho rằng, những phát biểu của Philippines về việc họ đã dùng mọi con đường, biện pháp ngoại giao và chính trị có thể để tìm kiếm một giải pháp hòa bình là không đúng sự thực.
 
Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Philippines phớt lờ các quyền, lợi ích hợp pháp và nỗi quan ngại chính đáng của Trung Quốc cũng như việc Philippines tự ý đưa cuộc tranh chấp giữa hai nước ra tòa án quốc tế, nữ phát ngôn viên Trung Quốc cho biết.
 
Sau khi cáo buộc Philippines chiếm đóng một số khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục khăng khăng khẳng định lập trường không đưa các cuộc tranh chấp ra tòa án quốc tế mà chỉ giải quyết thông qua con đường đàm phán song phương trực tiếp. Với tư cách là một nước lớn, Bắc Kinh muốn giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông với từng nước láng giềng nhỏ hơn của họ để dễ bề áp chế, gây sức ép với đối phương nhằm giành lợi thế cho bản thân.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc