Nguy cơ Trung Quốc - Philippines đối đầu vũ trang

07:06, 21/07/2013
|

(VnMedia) - Cuộc đối đầu mới nhất giữa một đội tàu hiện đại của Trung Quốc và một tàu cũ kỹ của Philippines tại một bãi cạn ở Biển Đông đang gây phương hại đến tiến trình tiến tới một bộ quy tắc ứng xử. Với việc quân đội Trung Quốc tiếp tục lấn tới bằng cách củng cố vị thế của họ ở Biển Đông và Manila quyết không để mất cửa ngõ vào khu vực chứa đựng nguồn nhiên liệu dồi dào chưa được khai phá, cả Trung Quốc và Philippines đều quyết không lùi bước.

Ảnh minh họa

  Trung Quốc ngày một lấn tới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.


Bất chấp những nỗ lực gần đầy của khu vực nhằm tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xư ở Biển Đông (CoC), nguy cơ đối đầu vũ trang lại được dịp dấy lên ở khu vực biển đầy nóng bỏng này. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã tăng lên trong những tuần gần đây khi hai nước tranh giành nhau quyết liệt bãi cạn Second Thomas. Đây thực chất là một nhóm đảo và rạn san hô nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Philippines chiếm đóng.

 

Gần một năm sau khi lực lượng bán quân sự của Trung Quốc và Hải quân Philippines có cuộc chạm trán căng thẳng ở bãi cạn tranh chấp Scarborough, bãi cạn Second Thomas nổi lên là một điểm nóng mới chứng kiến sự đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines.

 

Manila đã chiếm đóng bãi cạn Second Thomas bằng cách cho neo đậu cố định một con tàu bệnh viện đã hoen rỉ có tên là BRP Sierra Madre sau khi nó mắc cạn ở đây năm 1999. Từ cuối tháng 5, một đội tàu Trung Quốc, trong đó có cả tàu khu trục của hải quân, bất ngờ bao vây nhóm lính thủy đánh bộ nhỏ của Philippine đóng tại bãi cạn Second Thomas, làm dấy lên những cáo buộc cho rằng Bắc Kinh cố tình phong tỏa, ngăn chặn đường tiếp tế cho lực lượng Philippines ở đây.

 

Đáp lại, Manila đã phái một đội quân lính thủy đánh bộ mới với nguồn tiếp tế về nhiên liệu, lương thực và nước uống mới đến bãi cạn Scarborough . Vào ngày 21/6, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Manila chiếm đóng “bất hợp pháp” bãi cạn Second Thomas. Tiếp đó, vào 15/7, Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra tuyên bố 8 điểm, trong đó khẳng định sự khiêu khích của Trung Quốc đã khiến nước này “không thể” tiếp tục theo đuổi con đường đàm phán song phương về tranh chấp lãnh thổ. Ngay ngày hôm qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc “phản công”, nói rằng họ không hài lòng với việc Manila “đóng cửa với đàm phán”.

 

Trung Quốc tiến, Philippines quyết không lùi

 

Đối với người Philippines , duy trì sự kiểm soát bãi cạn Second Thomas không chỉ là vấn đề "gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ". Bãi cạn này còn là cửa ngõ chiến lược để vào Bãi Cỏ Rong cũng thuộc quần đảo Trường Sa, một khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên. Chính vì lẽ đó, Manila quyết không để tuột mất khu vực bãi cạn Second Thomas này. Một quan chức quân sự hàng đầu Philippines từng tuyên bố sẽ chiến đấu đế người cuối cùng để bảo vệ bãi cạn Second Thomas, không để nó rơi vào tay Trung Quốc.

 

Ngoài việc đối đầu quyết liệt với Trung Quốc, Manila còn tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ chiến lược với Mỹ, trong đó có việc khả năng mở đường cho binh lính Mỹ đến đóng tại nước này. Hồi tháng trước, Washington đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt với bất kỳ hành động dọa dẫm, ép buộc nào ở Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ có cuộc tập trận chung với Philippines .

 

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách chiếm bãi cạn Second Thomas làm bàn đạp tiến vào chiếm đóng Bãi Cỏ Rong chiến lược và giàu tài nguyên. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang ra sức củng cố vị thế của nước này ở khu vực so với Philippines . Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra cuối năm 2012, nước này có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

 

Động thái trên được hiểu là một nỗ lực nhằm tăng cường vị thế quân sự của Trung Quốc trong khu vực, giúp các nhân tốhải quân và bán quân sự của họ “thi triển” quyền lực một cách hiệu quả hơn ở các vùng biển tranh chấp. Cùng lúc, Trung Quốc cũng thường xuyên tăng cường về tần suất và cả quy mô của hoạt động đưa tàu hải giám và trực thăng hải quân đến khu vực để giám sát.

 

Từ quan điểm của Bắc Kinh, các hoạt động của họ ở vùng tranh chấp được tuyên bố là để “thực thi quyền chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các khu vực ở Biển Đông. Và với quyết tâm chiếm bằng được khu vực bãi cạn Second Thomas, Trung Quốc ngày một lấn tới. Một vị tướng Trung Quốc từng công khai tuyên bố, nước này đang dùng chiến lược “cải bắp” để chiếm bãi cạn Second Thomas. Theo chiến lược này, Trung Quốc sẽ “gói” Second Thomas trong nhiều lớp tàu, từ dân sự đến quân sự, chặn nguồn cung cấp hậu cần để buộc lính Philippines tự động phải rời khu vực này. Mục tiêu của Bắc Kinh là dần dần tiến tới giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Second Thomas giống như bãi cạn Scarborough trước đây.

 

Gần đây, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã đạt được sự nhất trí về việc tái khởi động các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong lúc này, giới chức Trung Quốc và Philippines khẩu chiến với nhau dữ dội ngay từ trên bục phát biểu của hội nghị ASEAN. Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, nguy cơ đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Philippines đang bị đẩy lên cao bất chấp tiến bộ đạt được tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc.


Kiệt Linh - (theo AT)

Ý kiến bạn đọc