Mỹ tăng cường hiện diện tối đa trên Biển Đông

08:17, 16/07/2013
|

(VnMedia) - Mỹ đang đàm phán một thỏa thuận cho phép cường quốc quân sự số 1 thế giới tăng cường triển khai binh lính và vũ khí ở Philippines trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đang leo thang nghiêm trọng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông.
 

 Ảnh minh họa

 Gần đây, Mỹ tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung với Philippines nhằm khẳng định mối quan hệ liên minh gắn bó với quốc gia Đông Nam Á, đồng thời gửi cảnh báo đến Trung Quốc. 


Thỏa thuận trên được đưa ra là nhằm né tránh vấn đề gây tranh cãi liên quan đến việc tái thiết lập các căn cứ Mỹ ở Philippines. Nhiều người dân Philippines không ủng hộ việc Mỹ dựng lại các căn cứ quân sự lâu dài trên lãnh thổ của họ nên chính phủ ở Manila đã chọn con đường cho phép đồng minh của mình triển khai quân và vũ khí đến đây trên cơ sở luân phiên.
 
Cả Trung Quốc và Philippines đều đang tranh chấp quyết liệt chủ quyền ở một số khu vực thuộc Biển Đông.
 
“Mỹ đang sử dụng các cuộc tranh chấp ở Biển Đông để duy trì sự hiện diện trong khu vực. Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Vì thế, Manila có ít sự lựa chọn ngoài việc dựa vào Mỹ và cả Nhật Bản”, Linh Dinh – một nhà phân tích chính trị và cũng là nhà văn cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn Press TV hôm thứ Bảy (13/7).
 
“Tuy nhiên, không rõ là Mỹ có thể làm thay đổi cán cân nếu một cuộc chiến tranh thực sự nổ ra”, ông Linh Dinh nói thêm.
 
Việc Mỹ muốn đưa quân vào đóng tại các căn cứ của Philippines trên cơ sở luân phiên được cho là nhằm để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc.
 
“Báo chí Trung Quốc đang cố tình miêu tả các nước như Philippines, Việt Nam và Nhật Bản chiếm đóng bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Trung Quốc và đây là lúc mà Trung Quốc phải làm gì đó trước sự xúc phạm này. Đó là những gì Trung Quốc đang rêu rao. Tuy nhiên, lý do thực sự cho các cuộc xung đột ở Biển Đông không phải là danh dự mà là sự sống sót. Đó là về việc tranh giành tiếp cận với các nguồn dầu khí tự nhiên và nguồn cá”, nhà phân tích Dinh nhấn mạnh.
 
“Khả năng dễ xảy ra hơn là Trung Quốc và Mỹ trong tương lai sẽ gây chiến với nhau vì dầu mỏ và Philippines như nhiều nước khác chỉ là một cái cớ”, ông Dinh cho biết thêm.
 
 Philippines mua tàu chiến đối phó với Trung Quốc
 
Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông, ngoài việc dựa vào Mỹ và mở đường cho Mỹ đưa quân vào áp sát Trung Quốc, Philippines còn vừa quyết định mua 2 tàu khu trục mới tinh lớp Maestrale của Italia có trị giá 208 triệu USD để đối phó với nước láng giềng to lớn của mình. Italia có một số tàu chiến lớp Maestrales cũ hơn để bán với giá thấp hơn nhiều nhưng Hải quân Philippines vốn đã có đầy những chiếc tàu chiến cũ nên họ quyết định sắm những chiếc tàu mới tinh. Manila hy vọng, những tàu chiến mới có thể giúp họ thuyết phục Trung Quốc rút khỏi nhiều khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
 
Mỗi chiếc tàu khu trục lớp Maestrale có trọng tải 3.100 tấn và được trang bị 4 tên lửa chống hạm, các tên lửa chống máy bay tầm ngắn, một khẩu đại bác cỡ 127mm, hai khẩu đại bác phòng tên lửa tự động và 8 ống phóng ngư lôi. Mỗi chiếc tàu Maestrale còn có thể mang theo hai chiếc trực thăng. Những con tàu này đều được trang bị rất đầy đủ cho các chiến dịch chống tàu ngầm. Tốc độ tối đa của tàu là 59km/giờ và nhóm thủy thủ đoàn gồm 225 người.
 
Mỹ gần đây cũng đã bán cho Philippines các tàu chiến lớp Hamilton được tân trang lại. Chiếc tàu đầu tiên có trọng tải 3.200 tấn và nó đã trở thành tàu đô đốc của Hải quân Philippines, thay thế cho một tàu khu trục có từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Được đóng từ cuối những năm 1960, những chiếc tàu chiến lớp Hamiltons chưa bao giờ được bảo dưỡng tốt nhưng phải phục vụ rất nhiều kể từ khi chúng được đưa vào hoạt động cách đây 4 thập kỷ. Tàu lớp Hamilton được trang bị súng cỡ 76mm, hai khẩu đại bác tự động cỡ 25mm, và hai hệ thống vũ khí chống tên lửa Phalanx 20mm. Tàu Hamilton có tốc độ tối đa là 52km/giờ, có thể đi biển liên tục trong 45 ngày và có đội thủy thủ gồm 167 người. Manila đã trả 15 triệu USD cho mỗi chiếc tàu Hamilton nói trên nhưng số tiền này chưa bao gồm chi phí tân trang và nâng cấp lại con tàu do phía Mỹ thực hiện trước chi chuyển giao đến tay Hải quân Philippines.
 
Trong suốt gần thập kỷ qua, quân đội Philippines chỉ hăng hái tìm cách mua lại những vũ khí cũ kỹ hay được thải đi từ các nước khác. Là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực (chủ yếu là do tham nhũng), Lực lượng Vũ trang Philippines không có tiền để thay thế những vũ khí, trang thiết bị quân sự cũ kỹ, lỗi thời. Trong khi nỗ lực đào tạo của Mỹ giúp củng cố năng lực chiến đấu hiệu quả của các đơn vị quân đội, đặc biệt là trong các chiến dịch đặc biệt và trong các đơn vị bộ binh thì Lực lượng Hải quân và Không quân Philippines nhận được rất ít sự giúp đỡ. Để giúp Philippines, Mỹ đã cung cấp hàng chục máy bay, trực thăng cũ giá rẻ hoặc miễn phí. Hải quân Philippines thì nhận được những con tàu cũ từ cả Hàn Quốc và Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc