(VnMedia) - Tại thời điểm này, Mỹ sẽ chưa gọi việc quân đội Ai Cập lật đổ vị tổng thống dân cử đầu tiên của nước này là "một cuộc đảo chính quân sự", nhưng sẽ cần thời gian để xem xét lại những gì đã xảy ra, Nhà Trắng hôm qua (8/7) cho hay.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có thể coi những gì đang xảy ra tại Ai Cập là một cuộc đảo chính hay không, người phát ngôn của Nhà Trắng – ông Jay Carney cho biết: “Đây là một vấn đề khó và phức tạp”.
“Tổng thống Barack Obama đã nói rõ mối quan ngại sâu sắc về quyết định phế truất Tổng thống Mohamed Morsi của quân đội Ai Cập và giải thể hiến pháp. Sẽ có những hậu quả khôn lường khi đưa ra quyết định vội vã, chúng sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân Ai Cập. Chúng tôi cần thêm thời gian để xem xét lại tình hình”, ông Carney nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc quan chức Mỹ tránh dùng từ "đảo chính" khi đề cập tới sự kiện lật đổ chính phủ ở Ai Cập là nhằm tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế và các hệ lụy theo luật pháp, chính phủ Washington không được phép cung cấp viện trợ cho chính phủ của bất kỳ nước nào có người đứng đầu chính phủ bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự hoặc... một cuộc đảo chính, trong đó quân đội đóng một vai trò quyết định.
Ai Cập là nước nhận viện trợ lớn thứ hai của Mỹ. Mỹ đã chi hơn 70 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Ai Cập từ năm 1948.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Anh em Hồi giáo Mohammed Badie cho biết, cuộc đảo chính quân sự chống lại Morsi là bất hợp pháp và hàng triệu người sẽ vẫn đổ ra đường phố cho đến khi chính phủ cũ được khôi phục. Tuy nhiên, hàng chục lãnh đạo của Anh em Hồi giáo đã bị bắt giữ kể từ sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ. Các cuộc giao tranh đẫm máu giữa những người ủng hộ và những người muốn lật đổ ông Morsi đang diễn ra khốc liệt, gây hàng trăm thương vong.
Ý kiến bạn đọc