(VnMedia) - Theo một tài liệu mật của chính phủ Philippines mà hãng tin Kyodo News của Nhật Bản có được trong tay hồi cuối tuần trước, một loạt “sát thủ săn tàu ngầm” của Hải quân Mỹ đã thực hiện tuần tra hàng hải để giám sát và theo dõi các hoạt động trên Biển Đông – vùng biển đang nóng bỏng bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
Philippines muốn Mỹ triển khai những sát thủ săn tàu ngầm P3C Orion ở Biển Đông. |
"Những tài liệu đó đã xác nhận các chuyến bay tuần tra của máy bay P3C Orion ở Biển Đông, đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa”, tờ Kyodo News cho hay.
Năm ngoái, Tổng thống Philippines Benigno Aquino từng tiết lộ, Manila đang đề nghị Mỹ triển khai những chiếc máy bay do thám P3C Orion ở vùng biển tranh chấp thuộc Biển Đông bởi Philippines thiếu năng lực để giám sát các hoạt động ở khu vực này.
"Chúng tôi chỉ có thể thực hiện tốt nhất những thứ mà chúng tôi có khả năng. Quân đội chúng tôi biết rõ những hạn chế về thiết bị, vũ khí không quân, hải quân, cơ sở và nguồn tài chính để ủng hộ cho các nỗ lực của chúng tôi ở Biển Đông”, tài liệu của chính phủ Philippines đã thừa nhận như vậy.
Theo tài liệu trên, quân đội “cần thêm những thông tin tình báo thu thập được từ trụ sở và các cơ quan cao hơn liên quan đến các nỗ lực của chúng tôi”.
Giới chuyên gia quân sự miêu tả P3C Orion là một trong những máy bay nhạy cảm nhất trong phi đội Mỹ. P3C Orion là máy bay chống tàu ngầm và do thám hàng hải. Chính vì thế, nó được liệt vào danh sách các “sát thủ săn tàu ngầm” của lực lượng Mỹ.
P3C Orion do Tập đoàn Lockheed (Mỹ) nghiên cứu phát triển. Nó được thiết kế để dùng cho nhiệm vụ tuần tra biển, trinh sát, tác chiến chống tàu mặt nước và tác chiến chống ngầm. P-3C lắp 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Allison T56-A-14 (công suất 4.600 mã lực/chiếc) cho phép đạt tốc độ tối đa 750km/h, bán kính chiến đấu 2.490km, trần bay 10.400m, hoạt động liên tục trên không 16 tiếng. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và những “bộ máy” giúp P-3C săn lùng tàu ngầm.
Về hệ thống vũ khí săn tàu ngầm, P-3C Orion thiết kế với khoang chứa trong thân và 10 giá treo trên cánh mang được 9,1 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối hạm tầm ngắn AGM-84, bom thông thường, bom hạt nhân, ngư lôi chống ngầm. Với số lượng vũ khí khổng lồ này, nó hoàn toàn có thể đánh chìm không chỉ một tàu ngầm mà nhiều chiếc, hơn nữa nó có khả năng đánh chìm chiến hạm mặt nước.
P3C Orion thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines.
Trong lần triển khai mới nhất, máy bay P-3C của Mỹ tập trung tuần tra chủ yếu ở bãi cạn Second Thomas. Bãi cạn này là một nhóm đảo và rạn san hô nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Philippines chiếm đóng. Bãi cạn Second Thomas là nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng mới nhất giữa Philippines và Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ.
Kể từ tháng 2 đầu năm nay, quân đội Philippines cho biết, Trung Quốc đã cử tàu khu trục và tàu do thám hàng hải đến gần bãi cạn tranh chấp để duy trì sự hiện diện, gây lo ngại cho Manila.
Quân đội Philippines đang giám sát chặt chẽ các hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc ở bãi cạn Second Thomas bởi vì nó gần bãi Đá Vành Khăn bị Trung Quốc chiếm đóng hồi đầu năm 1995. Hiện giờ, nơi đây đang trở thành “căn cứ tích cực nhất” của Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách chiếm bãi cạn Second Thomas làm bàn đạp tiến vào chiếm đóng Bãi Cỏ Rong. Trước đó, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp với Philippines. Tất cả những hoạt động trên của Trung Quốc đều nằm trong chính sách “ăn dần” các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và tiến tới nuốt trọn khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Mỹ thúc Trung Quốc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông
Mỹ là một trong những cường quốc tham gia tích cực vào các tranh chấp ở Biển Đông. Nước này tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng có lợi ích quốc gia trong việc duy trì tự do hàng hải và giao thương ở các tuyến đường biển sôi động hàng đầu thế giới trên Biển Đông.
Phó Tổng thống Joe Biden vừa mới đây cho biết, Mỹ đang thúc Trung Quốc nhanh chóng đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông – một khu vực được ví là “quốc lộ lớn và quan trọng cho các hoạt động thương mại của thế giới”.
Trong diễn đàn ASEAN diễn ra hồi tháng trước ở Brunei, Trung Quốc đã nhất trí gặp gỡ 10 thành viên ASEAN vào tháng 9 tới đây để bàn bạc, thảo luận về những quy tắc, quy định nhằm tránh xung động ở Biển Đông.
Phát biểu trên đài truyền hình Bloomberg hôm thứ Bảy (27/7) vừa rồi, Phó Tổng thống Biden cho biết: “Chúng tôi đang làm mọi điều để khuyến khích các nước có liên quan tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử nhưng điều đó cần phải được thực hiện. Đó là vì lợi ích của tất cả các bên, trong đó có Trung Quốc. Tiến trình này cần phải đạt được thông qua đàm phán”.
Ông Biden là quan chức cấp cao thứ 3 của chính quyền Mỹ có chuyến thăm đến Châu Á kể từ tháng 5. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry cũng đã thực hiện chuyến công du đến khu vực này. Những chuyến thăm ngoại giao dồn dập như vậy được cho là lời bảo đảm của Mỹ với các đồng minh của họ ở Châu Á về cam kết củng cố sự hiện diện về quân sự cũng như kinh tế trong khu vực. Mỹ có mối quan hệ thân thiết với Philippines – nước đang có tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông với Trung Quốc. Cuộc tranh chấp này cũng khiến quốc gia Đông Nam Á phải tăng cường quan hệ với Nhật Bản.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc