Khi lệnh trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng

19:45, 28/07/2013
|

Đầu tuần, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định liệt nhánh quân sự của phong trào Hezbollah ở Lebanon vào danh sách các tổ chức khủng bố. Điều này đồng nghĩa với lệnh phong tỏa tài sản thuộc nhánh quân sự của Hezbollah ở châu Âu, đồng thời mở đường cho lệnh cấm di chuyển đối với các cá nhân liên quan.

 

Theo phân tích, căn cứ đầu tiên để đưa ra quyết định trên là vai trò của Hezbollah trong vụ đánh bom chiếc xe buýt chở khách du lịch Israel ở Bulgary hồi tháng 7 năm ngoái, làm 6 người thiệt mạng. Gần thời điểm trên, tòa án Cyprus cũng kết án một cá nhân làm việc cho Hezbollah với hành vi do thám các đoàn khách du lịch Israel để chuẩn bị kế hoạch tấn công.

 

Tuy nhiên, căn cứ trên rõ ràng là chưa đủ và Hezbollah luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc trên. Bên cạnh đó, EU chưa từng đưa ra được bằng chứng vững chắc để khẳng định cáo buộc của mình. Đó là lý do khiến một số quốc gia, đặc biệt là Pháp phản đối việåc liệt Hezbollah vào danh sách khủng bố. EU chỉ đi tới thống nhất sau khi vào tháng 5, Hezbollah quyết định tham chiến ở Syria .

 

Hai nước thể hiện sự ủng hộ rõ ràng với quyết định của EU là Mỹ và Israel , vốn từ lâu đã coi Hezbollah là tổ chức khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ EU gửi đến Hezbollah. Ngược lại, Iran , vốn được cho là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Hezbollah, đã chỉ trích EU ra quyết định “thiếu tính toán”. Còn Hezbollah miêu tả động thái của EU là “thù địch và không công bằng, không dựa trên chứng cứ”, “được viết bằng bàn tay của người Mỹ và bằng mực của người Do Thái”.

 

Còn chính phủ Lebanon thì kêu gọi EU xem xét lại quyết định trên, bởi “Hezbollah là một thành tố thiết yếu của xã hội Lebanon ”. Theo Thủ tướng lâm thời Tammam Salam, động thái của EU đi ngược với mục tiêu hỗ trợ Lebanon vượt qua tình trạng khó khăn hiện tại. Chủ tịch Nghị viện Lebanon Nabih Berri thậm chí còn cho rằng, sự kiện này chỉ phục vụ cho lợi ích của Israel .

 

Nói luôn dễ hơn làm, câu nói này tiếc thay lại đúng trong trường hợp của EU với Hezbollah. Vì lệnh trừng phạt của EU chỉ áp dụng với nhánh quân sự của Hezbollah, điểm mấu chốt là xác định được cái gọi là nhánh quân sự của tổ chức này giới hạn ở đâu.

 

Nhà phân tích người Lebanon Rami Khouri cho rằng: “Nếu EU có thể xác định được đâu là nhánh quân sự và đâu là nhánh chính trị của Hezbollah, EU xứng đáng được trao giải Nobel”. Đây là một thực tế từng được phó thủ lĩnh Hezbollah Naim Qassem khẳng định trong một bài phát biểu vào năm ngoái. Phần lớn ngân sách của Hezbollah hàng năm được chi vào các chương trình phúc lợi xã hội, bao gồm bệnh viện, trường học, các tổ chức từ thiện chăm sóc thân nhân các chiến sỹ đã tử trận, trợ giá mua nhà cho người nghèo, chi trả trợ cấp nông nghiệp cho nông dân cũng như bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước cho đông đảo người dân. Lệnh cấm di chuyển đòi hỏi danh sách những cái tên cụ thể của các nhân vật được coi là tướng lĩnh, mà không phải chính khách. Với tính chất bí mật của Hezbollah, danh sách của EU sẽ không dài. Đánh giá toàn diện thì lệnh trừng phạt của EU sẽ không có nhiều tác động đến Hezbollah.

 

Có nhiều lý do để EU buộc phải đưa quyết định trừng phạt “một phần” như vậy, bất chấp khó khăn của việc áp dụng trên thực tế. Việc liệt toàn bộ tổ chức Hezbollah vào danh sách khủng bố sẽ tạo ra những trở ngại pháp lý cho quan hệ ngoại giao EU-Lebanon. Lực lượng Hezbollah hiện chiếm 12 ghế nghị sỹ và có 2 thành viên trong Nội các lâm thời. Bên cạnh đó, sự an toàn của các binh sỹ châu Âu thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại vùng đệm biên giới Israel - Lebanon (UNIFIL) cũng được tính đến. Đó là một nghịch lý, bởi theo chuyên gia Jonathan Spyer thuộc Trung tâm sự kiện quốc tế của Israel , EU e ngại gọi Hezbollah là một tổ chức khủng bố với nỗi lo rằng tổ chức này sẽ tiến hành khủng bố lực lượng mũ nồi xanh.

 

Một số nhân vật cấp cao của Hezbollah tiết lộ, tổ chức này không có ý định đáp trả quyết định của EU bằng cách đe dọa hoạt động của UNIFIL. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là EU không đối mặt với nguy cơ nào. Thực tế, Hezbollah hoàn toàn không cần động binh để thể hiện sự phản đối. Pháp thường tổ chức cuộc gặp với Hezbollah để trao đổi thông tin nhằm bảo vệ UNIFIL trước các âm mưu tấn công. Không phải một lần Hezbollah đột ngột hoãn những cuộc gặp như vậy sau khi Paris có những động thái không có lợi cho Hezbollah. Ở một phương diện khác, lệnh trừng phạt của EU đối với tổ chức vốn được đông đảo người Lebanon ủng hộ sẽ đặt UNIFIL vào bầu không khí thù nghịch. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, UNIFIL là lá bài cuối cùng để EU chứng minh vị thế của liên minh này ở khu vực Trung Đông.


Hoàng Hiếu

Ý kiến bạn đọc