Hung hăng trên biển, Trung Quốc đạt mục tiêu?

20:42, 23/07/2013
|

(VnMedia) - Thành công nhất định ban đầu của Trung Quốc trong việc dùng sự doạ dẫm, ép buộc đối với các nước Đông Nam Á ở Biển Đông và trong việc thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông là lý do giải thích tại sao cường quốc số 1 Châu Á ngày càng trở nên hung hăng, hiếu chiến. Liệu có phải chính sách cứng rắn của Trung Quốc đang phát huy tác dụng và có thể thành công trong các cuộc tranh chấp biển trong khu vực?
 

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc liên tục triển khai tàu chiến đến các khu vực tranh chấp để thị uy, dọa dẫm các nước láng giềng. 


Thành công ban đầu
 
Lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hàng hải trong khu vực được thể hiện rất rõ qua một loạt cuộc đối đầu căng thẳng và quyết liệt của nước này với Philippines ở Biển Đông và Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Lập trường này đã được duy trì qua giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc và nó đánh dấu một bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của cường quốc hàng đầu Châu Á. Sự thay đổi đó đã để lại những hệ luỵ nghiêm trọng cho các nước láng giềng của Trung Quốc và gây lo ngại cho các cường quốc, trong đó có Mỹ.
 
Năm 2012, người ta chứng kiến sự cứng rắn trở thành một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong khu vực. Với Philippines, hành động của Trung Quốc là sự đe doạ về mặt ngoại giao, những biện pháp trừng phạt kinh tế không tuân theo một tiêu chuẩn quốc tế nào kèm theo đó là những vụ doạ dẫm, bắt nạt lực lượng an ninh và ngư dân Philippines của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc. Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc tìm cách thao túng ASEAN và phá hoại sự đoàn kết của hiệp hội này nhằm đảm bảo một con đường cho nước này tiến vào Biển Đông.
 
Trong trường hợp của Nhật Bản, Trung Quốc đã tiến hành những cuộc biểu tình rầm rộ ở hơn 100 thành phố của nước này, dẫn đến tình trạng bạo lực và phá hoại tài sản cũng như lợi ích của một quốc gia nước ngoài. Đây là điều chưa từng xảy ra kể từ những ngày đen tối thời Cách mạng Văn hóa. Cũng giống như với Philippines, Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế không tuân theo bất kỳ quy định nào của thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các lưc lượng khác để thách thức trực tiếp sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thay vì nhìn vào các hành động gây căng thẳng trong khu vực của họ, Trung Quốc lại đổ lỗi các các nước láng giềng và Mỹ. Bắc Kinh tố Mỹ khích động Philippines, Nhật Bản và các chính phủ Châu Á khác chống lại họ.
 
Với những hành động hung hăng, hiếu chiến, Trung Quốc đã thành công bước đầu trong việc chiếm đóng những khu vực tranh chấp ở Biển Đông với Philippines và trong việc thách thức quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Sự thành công bước đầu này là lý do khiến Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi và có thể tăng cường chính sách cứng rắn của họ trong thời gian tới.
 
Chính sách hung hăng của Trung Quốc sẽ không tồn tại lâu
 
Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu chính sách hung hăng của Trung Quốc có tồn tại lâu dài hay không? Theo nhiều nhà phân tích, trong tương lai xa hơn, trong bối cảnh khó khăn ở cả trong nước và nước ngoài, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải xem xét khả năng thay đổi chính sách, hòa dịu hơn với những nước láng giềng của họ.
 
Đối mặt với một loạt vấn đề khó khăn trong nước như kinh tế bắt đầu tăng trưởng chậm lại, nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường, những bất ổn ở Tân Cương, Tây Tạng..., giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cần phải nghĩ đến việc đặt ưu tiên cho việc gì. Ổn định và phát triển đất nước tất nhiên sẽ phải là mục tiêu hàng đầu. Trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh có thể sẽ phải làm dịu các mối quan hệ căng thẳng với những nước láng giềng xung quanh để có cơ hội và thời gian cho phát triển đất nước.

Ngoài yếu tố trên, Trung Quốc cũng phải xét đến yếu tố Nhật Bản. Nước láng giềng của Trung Quốc có sức mạnh đáng sợ. Giới lãnh đạo cứng rắn của Nhật Bản vừa giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội và chắc chắn sẽ nắm quyền trong nhiều năm nữa. Liên minh an ninh Mỹ-Nhật ngày một gắn kết và mạnh mẽ hơn. Trong điều kiện này, Tokyo dường như sẵn sàng chống lại sự dọa dẫm của Trung Quốc và sẵn sàng đối đầu đến cùng với nước láng giềng.
 
Ở Đông Nam Á, một liên minh rộng lớn của các nước có và không có tranh chấp ở Biển Đông đang nỗ lực theo đuổi tiến trình thiết lập một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc để các nước không hành động vượt ngoài tầm kiểm soát. Nỗ lực này giúp kiềm chế sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc.

Bản thân Bắc Kinh cũng phải nhìn lại thực tế rằng, nếu tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn như hiện nay thì nước này sẽ đẩy các nước láng giềng ngày càng xa lánh họ. Một môi trường như vậy hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Vì vậy, sớm hay muốn, Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi chính sách hung hăng, hiếu chiến mà họ đang tích cực áp dụng.


Kiệt Linh - (theo AT)

Ý kiến bạn đọc