Hạm đội tàu chiến Trung Quốc trêu ngươi Nhật Bản

09:44, 15/07/2013
|

(VnMedia) - Một loạt tàu chiến Trung Quốc đã lần đầu tiên đi qua eo biển hẹp chia cắt giữa phía bắc Nhật Bản và Nga, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua (14/7) cho hay. Một số người tin rằng, đây là hành động trêu ngươi của Trung Quốc đối với Nhật Bản trong bối cảnh hai nước đang có cuộc tranh giành chủ quyền quyết liệt ở biển Hoa Đông.

 

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tiếp dùng tàu thuyền để thực hiện các chuyến tuần tra mang tính chọc tức, khiêu khích đối với Nhật Bản ở khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông


Sáng sớm ngày hôm qua, 5 chiếc tàu chiến của Trung Quốc, bao gồm hai tàu khu trục lớn mang tên lửa dẫn đường, hai tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế, đã đi qua Eo biển Soya. Eo biển còn được biết đến dưới cái tên La Perouse này là nơi chia cắt giữa đảo Sakhalin của Nga và đảo cực bắc Hokkaido của Nhật Bản.

 

Những con tàu trên dường như đang trên đường trở về Trung Quốc sau một cuộc tập trận quân sự rầm rộ kéo dài một tuần với Hải quân Nga ở Biển Nhật Bản. Cuộc tập trận này được xem là một thông điệp thách thức hướng thẳng về phía Mỹ và Nhật Bản.

 

Trước cuộc tập trận, báo chí Trung Quốc dẫn lời ông Yin Zhuo – một đô đốc đã nghỉ hưu và hiện là cố vấn cho các chính khách Trung Quốc, cho biết, những cuộc diễn tập quân sự ở Biển Nhật Bản sẽ tạo ra “một mức độ đe dọa nhất định đối với Nhật Bản – nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở quần đảo Điếu Ngư và một cuộc tranh chấp khác với Nga ở vùng Lãnh thổ Phía Bắc”.

 

Các tàu chiến của Trung Quốc đáng ra có thể trở về nhà thông qua một con đường trực tiếp hơn bằng cách đi qua vùng tây nam, trở lại Biển Nhật Bản và đi vào Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, họ đã chọn con đường đi qua Biển Thái Bình Dương, lượn lờ xung quanh Nhật Bản. Mục đích của việc Trung Quốc đưa một loạt tàu chiến nghễu nghện đi qua Nhật Bản không được tuyên bố nhưng đó rõ ràng là một động thái có chủ đích nhằm khiêu khích, trêu ngươi Nhật Bản.

 

Trước đó, hôm 13/7, 16 tàu hải quân Nga cũng được nhìn thấy đi qua eo biển Soya ở Biển Okhotsk, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.

 

Trung Quốc và Nga vừa tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh các nước trong khu vực đang ngày càng lo ngại về sức mạnh của hải quân Trung Quốc.

 

Từ năm ngoái, Trung Quốc và Nhật Bản đã rơi vào một cuộc tranh chấp vô cùng căng thẳng và quyết liệt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản hiện đang quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng cả Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo đó.

 

Tàu thuyền của chính phủ Trung Quốc đã thường xuyên tiếp cận khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây ra những cơn sóng gió liên tiếp ở vùng biển tranh chấp này.

 

Trong những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đang mở rộng phạm vi các chiến dịch của lực lượng này với những cuộc tập trận thường xuyên hơn và có quy mô lớn hơn ở Biển Đông cũng như Tây Thái Bình Dương. Hồi tháng 6, Mỹ xác nhận Trung Quốc đã phái một loạt tàu và máy bay của nước này vào vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý tính từ lãnh thổ của Mỹ, bao gồm Guam.

 

Trung Quốc đang ra sức tăng cường sức mạnh quân sự bằng việc tăng chi tiêu quân sự ở mức hai con số liên tục trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Các lực lượng tên lửa và hải quân Trung Quốc đang ngày càng có được khả năng phô diễn sức mạnh trên khắp khu vực Châu Á và điều này đang gây ra lo ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản.

 

Hồi tuần trước, Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích gay gắt cái mà họ miêu tả là những nỗ lực đầy hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong việc tranh giành chủ quyền ở những vùng lãnh hải thuộc khu vực Châu Á. Tokyo cáo buộc Bắc Kinh đang dùng “vũ lực” trong những nỗ lực “đầy nguy hiểm” nhằm thay đổi các đường biên giới trên biển.

 

Trong cuốn sách trắng quốc phòng đầu tiên dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản cho biết, Trung Quốc đã “cố tình dùng vũ lực để tìm cách thay đổi sự nguyên trạng dựa trên yêu sách của họ và trái với trật tự hiện nay của luật quốc tế”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc