Đằng sau việc Nga đưa 5.000 xe tăng đến cửa ngõ Trung Quốc

10:12, 17/07/2013
|

(VnMedia) - Nga đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự rầm rộ lớn nhất từ thời Xô viết đến nay ở khu vực Viễn Đông, ngay cửa ngõ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhiều người tin rằng, cuộc tập trận với sự tham gia của hàng chục nghìn quân, hàng nghìn xe tăng, hàng trăm chiến đấu cơ và hàng chục tàu chiến là lời răn đe, cảnh báo mà Nga muốn gửi đến Trung Quốc và Nhật Bản.

 

 Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin trực tiếp chỉ đạo và giám sát cuộc tập trận lớn nhất đang diễn ra ở vùng Viễn Đông Nga.


Tổng thống Vladimir Putin là người trực tiếp chỉ đạo cũng như giám sát cuộc tập trận quy mô hoành tráng nói trên. Hồi cuối tuần trước, ông Putin đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoygu thông báo với các nước ở khu vực biên giới như Trung Quốc về kế hoạch tập trận của Nga. Đây là cuộc tập trận đột xuất bất ngờ thứ ba của Nga kể từ khi ông Putin chính thức tiếp nhận chức Tổng thống nhiệm kỳ 3. Ông chủ điện Kremlin muốn tăng cường các cuộc tập trận đột xuất bởi theo ông, đây là cách tốt nhất để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

 

Theo các nguồn tin Nga tiết lộ, cuộc tập trận đang diễn ra ở vùng Viễn Đông có sự tham gia của tới “160.000 binh lính, 5000 xe tăng, 130 máy bay và 70 tàu chiến”. Lần phô trương sức mạnh quy mô lớn này của Nga sẽ kéo dài đến ngày 20/7.

 

Một tuyên bố được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra cho biết: “Mục tiêu chính của các hoạt động diễn tập là nhằm để kiểm trả khả năng sẵn sàng của các đơn vị quân đội trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và đánh giá mức độ chuẩn bị về mặt kỹ thuật và huấn luyện của các binh lính cũng như mức độ trang bị vũ khí và thiết bị quân sự”.

 

Nhiều quan chức Nga khẳng định, các binh lính tham gia tập trận không hề biết điểm đến cuối cùng cũng như mục tiêu của cuộc tập trận. Đây rõ ràng là một nỗ lực nhằm khiến cho cuộc tập trận trở nên giống với thực tế hơn.

 

 Ảnh minh họa

 Phần diễn tập trên biển của các tàu chiến Nga được cho là nhằm vào Nhật Bản. Hai nước đang có tranh chấp biển đảo với nhau.


Giới chức Nga cũng nhấn mạnh, các cuộc diễn tập của họ không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà chỉ là để tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga.

 

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi về ý nghĩa của cuộc tập trận lớn nhất thời hậu Xô-viết của Nga khi đích thân Tổng thống quyền lực Putin đến giám sát cuộc tập trận ở đảo Sakhalin, ngay phía bắc Nhật Bản.

 

Một vị tướng nghỉ hưu của Nga cho rằng, “phần diễn tập ở đảo Sakhalin được cho là dựa trên kịch bản thực hiện một chiến dịch phản ứng, đáp trả một cuộc tấn công giả định từ phía các lực lượngMỹ và Nhật Bản”.

 

Nga và Nhật Bản tranh chấp nhau quần đảo Kuril. Tuy nhiên, kể từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc tranh chấp này để hướng sự chú ý của cả hai nước về phía sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

 

Tương tự, ông Alexander Khramchikhin – một nhà phân tích quân sự độc lập ở thủ đô Moscow, cho rằng, “phần diễn tập trên mặt đất trong khuôn khổ cuộc tập trận của Nga hiện nay là nhằm vào Trung Quốc trong khi phần diễn tập trân đảo và trên biển là nhằm vào Nhật Bản”. Như vậy, cuộc tập trận mới nhất của Nga cho thấy mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và sự nghi kỵ bất chấp những tiến triển đáng kể trong sự hợp tác giữa hai nước ở một số lĩnh vực như năng lượng, quân sự. (Mới đây, Nga và Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận hải quân lớn nhất từ trước đến nay).

 

 Ảnh minh họa

 Nga được cho là đang dùng phần tập trận trên đất liền để gửi lời răn đe, cảnh báo đến Trung Quốc.


Nhiều quan chức Nga nghi ngờ việc Trung Quốc đang tìm cách thực hiện một chiến lược lâu dài nhằm thôn tính vùng Viễn Đông Nga. Điều này được thể hiện, ngày càng nhiều người nhập cư Trung Quốc xâm nhập vào vùng Viễn Đông Nga, sinh sống tại đây và khiến khu vực này trở nên ngày một đông đúc. Các nước khác, đáng chú ý là Mỹ thời thế kỷ 19, từng sử dụng các chiến lược tương tự để bành trướng lãnh thổ.

 

Ông Vassily Mikheev, Phó Giám đốc Viện Chính trị và Kinh tế Thế giới (IMEMO) – một phần của Học viện Khoa học Nga, đã nói với học giả người Mỹ David Shambaugh hồi năm 2009 rằng: “Tư tưởng chống Trung Quốc đang rất mạnh ở Nga và nó vẫn tiếp tục thay đổi. Người ta có cảm giác Trung Quốc đang muốn chinh phục vùng Viễn Đông của Nga. Trong 5 hoặc 6 năm qua, tư tưởng chống Trung Quốc sơ khai đang bị đẩy cao lên bởi tình cảm chống Trung Quốc mới nổi lên do lo ngại về mối đe dọa kinh tế từ nước này”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc