Chiến đấu cơ Nhật đối đầu máy bay quân sự Trung Quốc

07:21, 25/07/2013
|

(VnMedia) – Nhật Bản hôm qua (24/7) đã phải ra lệnh cho các chiến đấu cơ của mình cất cánh khẩn cấp sau khi một máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên bay qua không phận quốc tế và tiến sát gần quần đảo phía nam ngoài Thái Bình Dương của Nhật Bản. Tokyo xem đây là một động thái thể hiện tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc.
 

Ảnh minh họa


 Máy bay quân sự Trung Quốc tiếp cận sát không phận Nhật Bản. 


Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một chiếc máy bay cảnh báo sớm Y-8 của Trung Quốc đã bay qua không phận giữa đảo chính Okinawa và đảo nhỏ hơn Miyako ở phía nam Nhật Bản lúc tầm buổi trưa và sau đó đã quay trở lại biển Hoa Đông cũng bằng con đường đó. Cùng với máy bay quân sự, Trung Quốc còn đưa cả 4 tàu tiếp cận vào quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
 
Động thái trên của Bắc Kinh đã khiến Tokyo lo ngại. Phát biểu trên đài truyền hình NHK, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori onodera cho biết: “Tôi tin rằng, hành động đó chứng tỏ Trung Quốc đang tiến hơn nữa trong việc bành trướng trên biển”.
 
Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận gì về sự việc mới nhất nói trên.
 
Quan hệ giữa hai cường quốc Nhật Bản và Trung Quốc trở nên căng thẳng vì cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và mối quan hệ này được dự báo sẽ còn tiếp tục sóng gió sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện hồi cuối tuần. Ông Abe là người có lập trường cứng rắn và quyết đối đầu đến cùng với Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông.
 
Khu vực lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được cho là  chứa đựng trữ lượng dầu khí lớn và nguồn cá dồi dào. Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở đây bắt đầu trở nên nóng bỏng kể từ sau khi Tokyo quyết định mua lại 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay một người chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9 năm ngoái.
 
Kể từ đó, tàu tuần tra và máy bay hai nước thường xuyên có những cuộc đối đầu, bám đuổi nhau ở vùng biển và vùng trời quanh quần đảo tranh chấp.
 
Suốt thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền thuộc Cơ quan Hải giám đến lượn lờ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các cuộc chạm trán và đối đầu giữa Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và tàu thuyền Trung Quốc chủ yếu giới hạn ở việc “tung” ra những lời cảnh báo, đe dọa và yêu cầu đối phương rời đi. Tuy nhiên, hôm qua là lần đầu tiên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc có mặt trong khu vực tranh chấp.
 
Báo chí Trung Quốc tuần này đưa tin, cơ quan bảo vệ bờ biển được thống nhất từ nhiều đơn vị có liên quan của nước này đã chính thức đi vào hoạt động trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng mỗi lúc một leo thang nghiêm trọng. Giới chuyên gia tin rằng, sự ra đời của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đồng nghĩa với việc thêm nhiều tàu được trang bị vũ khí. Đây là bước đi hung hăng mới nhất của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp biển gần đây.
 
Theo ông Arthur Ding – một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Chengchi ở Taipei, các chuyến tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ trở nên “thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn” sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển ra đời.
 
"Khi Trung Quốc thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển, tàu thuyền của họ có thể sẽ được phép mang theo vũ khí hạng nhẹ để họ có thể thực thi pháp luật. Đàn áp cái gọi là những hành động phi pháp có thể sẽ tăng lên với mâu thuẫn với các nước láng giềng cũng vì đó mà tăng theo”, ông Ding cho biết.
 
Năng lực hàng hải của Trung Quốc đã được tăng cường lên rất nhiều trong những năm gần đây. Nước này đã trang bị cho các đơn vị của họ những chiếc tàu thuyền lớn hơn với tầm hoạt động xa hơn, khả năng thực hiện các cuộc tuần tra ở gần vùng tranh chấp trong khoảng thời gian dài hơn, ông Ding nói thêm.
 
Các nhà quan sát cảnh báo, quần đảo Senkaku/Điều Ngư là một điểm nóng tiềm năng có thể chứng kiến một cuộc xung đột quân sự. Theo giới các nhà phân tích và quan sát, sự hiện diện của một số lượng lớn tàu thuyền và một số trong đó được trang bị vũ khí sẽ làm tăng nguy cơ đối đấu giữa Trung Quốc và Nhật Bản và từ một sự việc nhỏ cũng có thể nhanh chóng leo thang. Tàu chiến Trung Quốc từng chĩa radar tên lửa vào tàu và máy bay Nhật Bản.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc